Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết những điều chỉnh về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng 2019 sẽ giảm áp lực cho thí sinh. Trong ảnh: thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT - cho rằng việc còn một số ý kiến khác nhau trước các phương án thi, tuyển sinh hay về GD-ĐT nói chung là điều thường gặp, nhưng việc xây dựng chính sách của Nhà nước nói chung - đặc biệt trong GD-ĐT nói riêng - luôn theo xu hướng có sự tham gia của các bên liên quan, ngày càng đảm bảo hài hòa lợi ích chung và lợi ích của mỗi bên.
Thí sinh trúng tuyển nhiều trường, tại sao không?
* Bộ đã cho đăng ký nhiều nguyện vọng (NV), sao vẫn không cho phép thí sinh được trúng tuyển vào nhiều trường để thí sinh chọn lựa như các nước phát triển vẫn làm?
- Mặc dù trong xét tuyển đợt 1 thí sinh chỉ có thể trúng tuyển vào một NV ưu tiên cao nhất, song thí sinh cũng đã có hai lần được lựa chọn NV không bị giới hạn: đăng ký xét tuyển ban đầu và khi điều chỉnh NV sau khi biết điểm thi.
Trong cùng thời gian, sinh viên cũng chỉ có thể học ở một trường - đó là trường đã có sự lựa chọn kỹ lưỡng khi đăng ký, thay đổi đăng ký xét tuyển. Quy định này giúp thí sinh chú trọng chọn một hoặc một số ngành đúng với sở trường, năng lực và nhu cầu xã hội.
Những năm qua, ngay cả khi cho phép đăng ký nhiều NV, hằng năm vẫn có hàng trăm nghìn thí sinh chỉ đăng ký NV duy nhất. Điều đó cho thấy cơ chế tuyển sinh hiện nay vừa thỏa mãn nhu cầu đa số thí sinh, vừa giảm khó khăn cho các trường trong tuyển sinh. Đối với một số ít thí sinh chưa thỏa mãn với cơ chế này thì có quyền xét tuyển các đợt bổ sung...
* Nhưng về lâu dài quy định này có thay đổi?
- Việc cho lựa chọn trường để nhập học sau khi các trường đã có điểm trúng tuyển cũng là hướng ưu việt với thí sinh, nhưng có lẽ nó chỉ phù hợp với điều kiện Nhà nước không quy định giới hạn chỉ tiêu tuyển sinh và quy mô đào tạo các trường.
Ở Việt Nam, trong giai đoạn hiện nay, khi Nhà nước còn cần phải có các quy định giới hạn trên theo các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo thì việc quy định cho thí sinh lựa chọn trường học sau khi trúng tuyển hơn một trường chưa phải là phương án hiệu quả.
Khi các trường chưa ước tính sát được số nhập học của thí sinh thì có trường, ngành tuyển nhiều thí sinh quá mức cho phép dẫn đến không bảo đảm chất lượng, cũng có trường, ngành tuyển được ít dẫn đến lãng phí nguồn lực đã đầu tư và không có đủ nguồn thu để đảm bảo chất lượng đào tạo.
Hai xu hướng trên đều ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nên quy chế tuyển sinh chưa áp dụng, giữ ổn định công tác tuyển sinh đến năm 2020.
* Mức điểm chuẩn năm 2018 có gì đặc biệt mà thí sinh tham dự tuyển sinh 2019 cần lưu ý?
- Mức điểm trúng tuyển thường phụ thuộc vào đề thi từng năm. Năm 2018 đang trong giai đoạn hai năm đầu xây dựng ngân hàng đề thi nên tính ổn định của đề chưa cao. Do điểm ưu tiên khu vực giảm 50% và độ khó đề thi cao hơn, nên mặt bằng trung bình điểm tuyển sinh năm 2018 thấp hơn khoảng 2 điểm so năm 2017.
Năm 2019, thí sinh chỉ cần yên tâm tập trung học tập, nắm rõ quy chế tuyển sinh, tìm hiểu dự báo nhu cầu lao động của thị trường, trải nghiệm thực tế để hiểu đúng nguyện vọng, năng lực bản thân, hiểu tương quan với những người cùng dự tuyển để chọn ngành, chọn trường...
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT
Ngành y, sư phạm có điểm sàn riêng
* Năm 2019, các trường ĐH phải tham gia sâu hơn vào kỳ thi THPT quốc gia. Nhiều trường ủng hộ, lại có không ít trường than phiền, nhất là các trường ĐH địa phương phải sang tỉnh khác làm nhiệm vụ. Bà có ý kiến gì?
- Một số trường địa phương cho rằng việc không được tham gia coi thi tại địa bàn sở tại sẽ làm tăng chi phí, khiến trường vất vả hơn cũng phản ánh đúng thực tế. Tuy nhiên, mục đích cao nhất việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là nghiêm túc, khách quan, hiệu quả, tin cậy, nhẹ nhàng, không gây áp lực cho thí sinh, xã hội.
Muốn giảm áp lực cho thí sinh, tất yếu các trường sẽ vất vả hơn. Và nếu có tốn kém thì cũng ít tốn kém hơn cho xã hội nếu so với việc thí sinh phải đổ về các trường ĐH dự thi như trước.
Kết quả thi đảm bảo khách quan, đặt trên bình diện chung là điều kiện để các địa phương so sánh, điều chỉnh chính sách giáo dục phổ thông của mình... Đó là việc cần làm trong bối cảnh hiện nay.
* Nhưng có chuyên gia phân tích kỳ thi THPT quốc gia về bản chất là kỳ thi để kết thúc chương trình học phổ thông, tại sao lại đòi hỏi các trường ĐH tham gia sâu?
- Các trường ĐH đã được tự chủ trong tuyển sinh, có thể tuyển theo nhiều phương thức, trong đó có xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia. Thời điểm này, việc quy định các trường ĐH tham gia sâu vừa là trách nhiệm các trường trong công tác GD-ĐT, vừa để đảm bảo tính khách quan kỳ thi.
Nếu kết quả thi đảm bảo tin cậy, các trường sẽ yên tâm sử dụng xét tuyển. Hầu hết thí sinh và nhà trường không phải vất vả, tốn kém khi phải tham gia thêm các kỳ thi do các trường tổ chức tuyển sinh.
* Năm 2019, ngoài ngành sư phạm, Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng ngưỡng đảm bảo chất lượng riêng cho khối ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề. Vì sao các ngành khác lại không cần?
- Việc quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với ngành sư phạm và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề nhằm thực hiện Luật giáo dục ĐH (đã sửa đổi), sẽ áp dụng toàn hệ thống, không phân biệt công lập hay tư thục.
Đây là những ngành đặc biệt quan trọng, liên quan đến sự phát triển về thể lực, trí lực của toàn dân - nhất là thế hệ tương lai - nên có sự ảnh hưởng đến các ngành khác và cả quốc gia, cần có chính sách đầu tư nhân lực để phát triển.
Cũng vì tầm quan trọng đó, Luật khám chữa bệnh đã quy định một số ngành liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người phải có sự quản lý đặc biệt thông qua việc cấp chứng chỉ hành nghề.
Luật giáo dục ĐH đã được tiếp thu ý kiến góp ý đại diện Bộ Y tế, nên đã quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành này. Một số ngành khác trong nhóm sức khỏe như hóa dược, quản lý bệnh viện, y tế công cộng, y sinh học... không nhất thiết phải có sự quản lý đặc biệt đó nên không cần quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để mở rộng quyền tự chủ cho các trường ở mức cao nhất có thể.
Đặt hàng nhà khoa học nghiên cứu cách tuyển sinh từ năm 2021
Những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện trong năm 2019 chủ yếu là về quy trình, kỹ thuật hợp lý hơn và chỉnh sửa nhỏ đối với quy chế tuyển sinh (chất lượng đầu vào ngành sức khỏe, cụ thể hơn về thời gian tính ưu tiên của quân nhân...), phân luồng, thu hút học sinh giỏi vào học ngành sư phạm...
Bộ GD-ĐT đang đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu, đề xuất phương thức tuyển sinh từ năm 2021. Mục tiêu là đảm bảo gọn nhẹ, chất lượng, hiệu quả, có lộ trình đổi mới phù hợp với điều kiện ở VN, góp phần phân luồng sau giáo dục trung học và tiệm cận với xu hướng quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận