14/03/2018 14:07 GMT+7

Bỏ gánh nặng cho hạt gạo Việt

C.QUỐC - T.TRÌNH
C.QUỐC - T.TRÌNH

TTO - “Nếu tính đúng, tính đủ giá trị thì giá bán gạo của chúng ta đang rất thấp” - TS Dương Văn Ni (ĐH Cần Thơ) nói trong cuộc trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ.


Bỏ gánh nặng cho hạt gạo Việt - Ảnh 1.

Mua bán lúa tại Bạc Liêu - Ảnh: CHÍ QUỐC

TS Dương Văn Ni cho rằng, cần cởi bớt gánh nặng giữ an ninh lương thực cho hạt gạo để người nông dân được quyết định trồng hay không trồng như các cây, con khác.

* Không ít lần ông nói rằng nếu tính về giá trị thì giá bán hạt gạo của chúng ta hiện nay là rẻ?

duong van ni

TS Dương Văn Ni
Ảnh: CHÍ QUỐC

- TS Dương Văn Ni: Thời gian qua chúng ta xuất khẩu mà chưa tính đúng, tính đủ, nên xét khía cạnh này, chúng ta đã bán với giá rất rẻ, thậm chí còn bán lỗ giá trị hạt gạo.

Nếu làm phép so sánh, mỗi kg gạo chứa 80 gram đạm. Cùng trữ lượng đạm đó, ta đem so sánh với các loại thực phẩm khác, rõ ràng là giá gạo thấp hơn rất nhiều.

Chưa tính, để sản xuất được 1kg gạo cần khoảng 4.000 - 5.000 lít nước, tùy vùng. Bình quân một khối nước bao nhiêu tiền mà nước ở đây là nước sinh thái (có phù sa, có vai trò môi trường, tẩy độc, rửa mặn...). Rõ ràng, mình đâu chỉ bán mỗi hạt gạo, mà còn bán cả tài nguyên gồm có nước, dinh dưỡng... bằng giá rẻ như cho.

Đó là chưa nói tới giá trị gián tiếp, như 4.000 - 5.000 lít nước đó sẽ làm bao nhiêu chức năng cho ĐBSCL. Không có nước thì mặn xâm nhập, người tiêu dung không có nước xài, không có cá, không phù sa, không dinh dưỡng...

Nếu sản xuất gạo cho dân tộc mình ăn thì không nói, vì là vô giá, chúng ta không thể quy đổi ra tiền bởi nó nằm một phần trong văn hóa của mình, nhưng sản xuất để bán cho nước ngoài với một giá như cho không thì là vấn đề bất cập.

Việc tính toán như vừa qua mà không đưa vào các yếu tố như đã nêu trên là tính toán lạc hậu, vì vậy sau này ngành kinh tế môi trường mới hình thành. Trên thế giới có ngành kinh tế khá nổi tiếng là kinh tế xanh, chính vì họ thấy sự bất cập trong tính toán như đã nêu trên. Bây giờ phát triển thành ngành kinh tế mới để tính đúng, đủ, tính như trước đây là sự bóc lột thiên nhiên một cách quá mức.

Nguyên một cọng rau, chúng ta ngắt đọt ra ăn mà mình mang đọt ra phân tích có bao nhiêu dinh dưỡng mà lại quên rằng để có đọt đó phải có cây rau. Kinh tế xanh sẽ giúp tính hết, tính đúng, tính đủ giá trị, mới thấy hạt gạo của mình bán như cho không.

Đó là chưa kể tính cả sức lao động nữa. Mình làm một vụ mùa mà có 10 ngày công, khác với vụ mùa có 50 ngày công mà không ai tính. Nên trong tính toán điều tra về hạt lúa, nếu tính ngày công lao động vào nữa thì nông dân từ huề tới lỗ.

* Theo ông, để tránh tình trạng thua thiệt cho ngành gạo, thì điều chúng ta cần thay đổi là gì?

TS Dương Văn Ni: Để hạt gạo được tính đúng, tính đủ, không cần thay đổi gì lớn lao. Việc cần làm là gỡ cụm từ "an ninh lương thực" ra khỏi hạt gạo, đừng thể chế hóa hạt gạo nữa mà hãy để nó là một mặt hàng.

Khi gỡ được rồi thì sẽ thấy hàng loạt chính sách đi theo sẽ không cần thiết. Đó là việc phải giữ bao nhiêu diện tích lúa, bắt buộc địa phương phải sản xuất bao nhiêu tấn lúa không cần nữa. Khi trả giá trị hạt gạo cho đời sống người dân, cho thị trường thì người dân sẽ chọn lựa, nếu sợ đói họ sẽ trồng đủ gạo để ăn, còn lại trồng cái khác bán đắt tiền hơn.

Mỗi một lần hạn hán, mất mùa chỉ mỗi hạt gạo, hạt lúa được tạm trữ, thu mua, giãn nợ... trong khi các mặt hàng khác không được. Nhà nước để hạt gạo vào vị trí quá cao so với mặt hàng khác. Chính vì vậy dẫn đến xã hội đi theo hướng cải tạo, đầu tư hạ tầng bằng mọi giá vì cây lúa, nhưng năm 2017 cho thấy lúa chỉ xuất khẩu 2,4 tỉ USD, trong khi thủy sản gần 9 tỉ USD.

Thủy sản đâu có chính sách tạm trữ, khoanh nợ, giãn nợ một cách liên tục nhưng nó qua mặt hạt lúa. Vì sao? Vì trong đời sống xã hội người ta còn ăn những thứ khác có nhiêu dinh dưỡng hơn hạt gạo.

Bây giờ Chính phủ cần công nhận phát triển lúa gạo theo hướng "thuận thiên", tức nơi nào mặn thì làm mặn, phèn thì làm phèn, không biến vùng mặn thành ngọt để trồng lúa.

Nói tóm lại, khi đặt lúa trở lại thành bình thường như cây trồng khác, thì người dân sẽ biết khai thác chỗ nào, để bán được giá trị độc đáo của nó, nó mới được tính đúng, tính đủ.

C.QUỐC - T.TRÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên