20/12/2021 00:16 GMT+7

'Bộ đội đã đến lúc người dân khó, người dân khổ...'

HOÀI PHƯƠNG
HOÀI PHƯƠNG

TTO - Tối 19-12, chương trình giao lưu nghệ thuật 'Nghĩa tình quân dân' và tôn vinh các điển hình trong phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra tại hai điểm cầu Hà Nội và TP.HCM.

Bộ đội đã đến lúc người dân khó, người dân khổ... - Ảnh 1.

Vinh danh các lực lượng, đơn vị có thành tích đóng góp trong công tác phòng chống dịch COVID-19 tại đầu cầu TP.HCM - Ảnh: PHƯƠNG NAM

Đây là một trong những hoạt động hướng đến kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2021), 32 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2021). 

Chương trình có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Bên cạnh những tiết mục văn nghệ đặc sắc tôn vinh người chiến sĩ có nhiều đóng góp cho công cuộc phòng chống COVID-19, chương trình gây xúc động qua những thước phim ghi nhận sự đóng góp của các lực lượng quân đội trong công tác hỗ trợ người dân về lương thực, thực phẩm; khám chữa bệnh; lo hậu sự cho người không may bị mất do COVID-19...

Chương trình đã giao lưu với Tổ quân y lưu động số 10 gồm bác sĩ Phạm Thị Khánh Linh (tổ trưởng), điều dưỡng Nguyễn Trọng Nam và Phạm Đình Hưng thuộc Học viện Quân y, hoạt động hỗ trợ bệnh nhân F0 và người dân trong tâm dịch ở Bình Dương.

Điều dưỡng Nguyễn Trọng Nam cho biết kỷ niệm đáng nhớ là tất cả luôn bật điện thoại để trên ngực, kể cả khi ngủ dù không phải ca trực, để khi có cuộc gọi, tin nhắn sẽ kịp thời hỗ trợ y tế cho người dân một cách nhanh chóng nhất.

Điều dưỡng Phạm Đình Hưng chia sẻ: "Khi tôi thực hiện nhiệm vụ tại Bình Dương, tần suất các ca cấp cứu bệnh nhân tại nhà rất lớn, có ngày đảm nhận trên 20 ca cấp cứu. 

Có một cuộc gọi của hàng xóm, tổ quân y đến phòng trọ chật hẹp, chúng tôi nhìn thấy hai mẹ con trong phòng, người mẹ nằm trên võng đã mất, còn em bé 3 tuổi đang ngồi chơi bên cạnh mẹ mình mà không hay biết mẹ đã mất. Chúng tôi ai cũng mang tâm trạng nặng trĩu trước hoàn cảnh này".

Còn bác sĩ Phạm Thị Khánh Linh đã bế em bé 4 tháng tuổi vượt qua rào chắn cấp cứu kịp thời. Tổ công tác cũng hỗ trợ nhiều đứa trẻ được sinh ra an toàn và có bé được đặt tên theo tên các bác sĩ quân y.

Dịp này, nhiều cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp cho công tác phòng chống dịch COVID-19 được vinh danh.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ: "Trong trận chiến với dịch COVID-19, bộ đội không chỉ chiến đấu bằng mệnh lệnh của người chỉ huy mà còn chiến đấu bằng mệnh lệnh của trái tim. 

Bộ đội đã đến với người dân lúc người dân khó, người dân khổ, lúc người dân đau bệnh, lúc người dân đối diện với sống chết và thậm chí là lo cho người dân không may mất đi. Trong lịch sử quân đội sẽ có những trang mới rất đáng tự hào về bộ đội giúp dân chống dịch, về hình ảnh sáng đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ".

Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: "Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, những người con của nhân dân mang xứ mệnh màu xanh áo lính đi giữa màu đỏ của tâm dịch để hòa nhập cùng đồng bào vượt qua khó khăn, thử thách.

Hàng trăm ngàn cán bộ, chiến sĩ toàn quân và lực lượng dân quân tự vệ không ngại hiểm nguy, gác lại nỗi niềm riêng tư để thực hiện trách nhiệm phụng sự nhân dân.

Những người con của nhân dân mang sứ mệnh màu xanh áo lính đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, cần mẫn hướng dẫn nhân dân phòng chống dịch, đi chợ, phục vụ trong khu cách ly, canh gác các điểm dịch, cứu chữa người bệnh... bằng tất cả tấm lòng, trái tim chan chứa tình người".

'Chúng tôi không dám về với gia đình, không dám ăn bữa cơm thân mật'

TTO - Có những hy sinh, khó khăn chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu được. Trong những ngày dịch COVID-19 đầy khó khăn, rất nhiều gia đình y bác sĩ, quân đội, công an phải tạm gác hạnh phúc riêng để xông pha nơi tuyến đầu.

HOÀI PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên