Bộ Tư pháp đang thẩm định hồ sơ dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Dự luật do Bộ Công an xây dựng, trình Chính phủ.
Tội phạm sử dụng các loại dao gây án chiếm tỉ lệ rất cao
Đáng chú ý, tại dự luật, Bộ Công an đề xuất bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ.
Lý giải cho việc này, tờ trình của Bộ Công an nêu rõ, 5 năm triển khai, thực hiện luật, toàn quốc đã phát hiện 28.715 vụ, bắt giữ 48.987 đối tượng sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các loại dao và phương tiện tương tự dao.
Trong đó, dao và phương tiện tương tự dao 16.841 vụ, 26.472 đối tượng (chiếm 58,6% tổng số vụ, 54% tổng số đối tượng).
Gồm dao bầu 1.118 vụ, 1.682 đối tượng; dao phay 1.432 vụ, 1.821 đối tượng; dao quắm 646 vụ, 1.034 đối tượng; các loại dao khác 10.691 vụ, 16.919 đối tượng; phương tiện tương tự dao 2.954 vụ, 5.016 đối tượng.
Như vậy, tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, vũ khí tương tự vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao gây án đang diễn biến rất phức tạp.
Riêng tội phạm sử dụng các loại dao gây án chiếm tỉ lệ rất cao (chiếm 58,6% tổng số vụ, 54% tổng số đối tượng), nhiều vụ đối tượng sử dụng dao nhọn, sắc có tính sát thương rất cao (dao bầu, dao phay, dao quắm…) giết người với tính chất rất manh động, tàn ác, dã man gây bức xúc dư luận xã hội, hoang mang, lo lắng trong nhân dân.
Trong khi đó, các loại dao luôn có sẵn trong cuộc sống hằng ngày để phục vụ lao động, sản xuất, sinh hoạt nhưng khi phát sinh mâu thuẫn đối tượng sẵn sàng sử dụng dao để tấn công nạn nhân nhằm giải quyết mâu thuẫn.
Thực tế quá trình điều tra các vụ án cho thấy, chỉ xử lý hình sự được khi có đủ căn cứ kết luận đối tượng phạm tội về các tội danh khác như giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích…. Không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ không quy định dao là vũ khí.
Vì vậy, cần thiết phải quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ để kịp thời ngăn chặn hành vi nguy hiểm của đối tượng ngay từ giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc định hướng hành vi của đối tượng.
Khi nào dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ?
Cũng theo Bộ Công an, dự luật quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ khi đối tượng tàng trữ, sử dụng với ý thức chủ quan, động cơ, mục đích gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật thì mới được xác định là vũ khí quân dụng.
Các loại dao có tính sát thương cao không được coi là vũ khí khi người dân sở hữu để sử dụng trong lao động, sản xuất, sinh hoạt.
Việc quy định như vậy mới điều chỉnh được hành vi của người sử dụng dao đúng quy định của pháp luật, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của con người và là căn cứ để xử lý những hành vi vi phạm.
Đồng thời, việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh dao có tính sát thương cao bảo đảm thuận tiện, thủ tục đơn giản, không phát sinh thủ tục hành chính, cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ cần khai báo số lượng, chủng loại dao với công an cấp xã và không đưa vào ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.
Bên cạnh đó, Bộ Công an thông tin qua nghiên cứu pháp luật của một số nước thấy Belarus quy định dao là vũ khí lạnh.
Anh và Úc quy định dao, kiếm là vũ khí, cấm mang, sử dụng dao tại nơi công cộng, trường học sẽ bị xử phạt tù đến 1 năm, sản xuất, mua bán, vận chuyển và sử dụng trái phép sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 4 năm.
Tại phiên họp 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 12-2023, đã bổ sung dự án luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Cụ thể, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2024), thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2024).
Trường hợp dự luật được chuẩn bị có chất lượng tốt, quá trình thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2024) theo quy trình tại một kỳ họp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận