Cụ thể, sau khi xem xét tờ trình, báo cáo của Thành ủy Hà Nội về hai nội dung trên, Bộ Chính trị cơ bản thống nhất với các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và nội dung chủ yếu của các quy hoạch.
Nghiên cứu cẩn trọng đường sắt cao tốc Bắc - Nam qua trung tâm Hà Nội
Tuy nhiên, Bộ Chính trị lưu ý quy hoạch thủ đô phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược; bám sát, cụ thể hóa nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có liên quan.
Đồng thời thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo, mâu thuẫn với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia.
"Xác định giáo dục, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài là trụ cột mang tính nền tảng, nội dung cốt lõi trong chiến lược xây dựng và phát triển thủ đô", kết luận Bộ Chính trị nêu rõ.
Bộ Chính trị cũng lưu ý Hà Nội cần nghiên cứu dự báo, tính toán kỹ lưỡng vấn đề dân số, phù hợp với tốc độ đô thị hóa và phát triển của thủ đô trong từng giai đoạn.
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng kế hoạch và chương trình phát triển đô thị theo mô thức đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh, vùng đô thị...
"Thống nhất về sự cần thiết bổ sung chức năng lưỡng dụng cho các sân bay quân sự Gia Lâm, Hòa Lạc, đồng thời nghiên cứu thành lập sân bay thứ hai.
Tuy nhiên cần nghiên cứu tính toán kỹ lưỡng về sự phù hợp, các tác động đến kinh tế - xã hội của thủ đô và các địa phương lân cận để xác định địa điểm đặt sân bay thứ hai, bảo đảm hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát triển của thủ đô và khu vực Đồng bằng sông Hồng" - Bộ Chính trị lưu ý.
Riêng việc đề xuất tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đi xuyên tâm qua khu trung tâm Hà Nội, qua ga Hà Nội theo đề xuất của Ban cán sự đảng Chính phủ, Bộ Chính trị đề nghị Hà Nội nghiên cứu cẩn trọng, đánh giá tính khả thi, hiệu quả cũng như sự phù hợp, đồng bộ với quy hoạch mạng lưới đường sắt.
Nghiên cứu kinh tế đêm
Tại khu vực nội đô lịch sử, Bộ Chính trị đề nghị Hà Nội quan tâm cải tạo, chỉnh trang đô thị trên nguyên tắc kết hợp chặt chẽ giữa bảo tồn và phát triển, đặc biệt là khu vực phố cổ.
"Nghiên cứu, phát triển các mô hình kinh tế đêm đặc thù đối với từng khu vực, xây dựng TP Hà Nội trở thành điểm đến an toàn, sôi động, hấp dẫn, đặc sắc có thương hiệu về kinh tế đêm, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách, có năng lực cạnh tranh cao hơn so với các điểm đến khác trong nước và quốc tế.
Chú trọng hơn nữa việc khai thác lợi thế sông, hồ của Hà Nội, nhất là tiềm năng hồ Tây, sông Hồng, sông Đuống, sông Tô Lịch. Xác định khu vực dự trữ phát triển cho thế hệ tương lai" - Bộ Chính trị kết luận.
Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng định hướng Hà Nội phát triển trục sông Hồng, biến con sông này thành biểu tượng mới của TP.
Xử lý dứt điểm vấn đề ngập úng
Về vấn đề môi trường, Bộ Chính trị yêu cầu Hà Nội xử lý ô nhiễm môi trường các sông, hồ, không khí...; quy hoạch các khu xử lý rác thải, chất thải rắn bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả là yêu cầu cấp bách, cần tập trung, ưu tiên thực hiện.
"Phấn đấu trước năm 2035 hoàn thành xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị và các đường vành đai, các nút giao thông cửa ngõ, hệ thống cầu qua sông Hồng để mở rộng không gian phát triển, tăng cường khả năng kết nối, giảm ùn tắc giao thông...
Đồng thời giải quyết căn bản vấn đề về nước sạch, xử lý nước thải, xử lý dứt điểm vấn đề úng, ngập" - Bộ Chính trị kết luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận