18/08/2021 22:11 GMT+7

Bloomberg giải thích thông điệp 'người giàu nên trả lại cho xã hội' của ông Tập

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đặt mục tiêu 'thịnh vượng chung' cho nhân dân Trung Quốc, kêu gọi người giàu 'trả lại cho xã hội nhiều hơn'. Theo Bloomberg, đây là tín hiệu cho thấy giới siêu giàu Trung Quốc sắp đối mặt nhiều loại thuế.

Bloomberg giải thích thông điệp người giàu nên trả lại cho xã hội của ông Tập - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp của Ủy ban Kinh tế và tài chính trung ương Trung Quốc ngày 17-8 - Ảnh chụp màn hình Tân Hoa xã

Khái niệm "thịnh vượng chung" được ông Tập đưa ra trong cuộc họp của Ủy ban Kinh tế và tài chính trung ương Trung Quốc hôm 17-8.

Cuộc họp quy tụ 5/7 thành viên Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, bao gồm Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường, các ông Uông Dương, Vương Hỗ Ninh và Hàn Chính.

Theo bản tóm tắt do Tân Hoa xã công bố, ông Tập đã nhấn mạnh rằng "thịnh vượng chung" là yêu cầu thiết yếu của chủ nghĩa xã hội và là đặc điểm chính của quá trình hiện đại hóa kiểu Trung Quốc.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi tuân thủ triết lý phát triển lấy con người làm trung tâm và thúc đẩy "thịnh vượng chung" nhưng cũng phải đồng thời theo đuổi phát triển chất lượng cao.

Theo Tân Hoa xã, thay vì bình đẳng mọi người như nhau hoặc chỉ có một số người thịnh vượng, "thịnh vượng chung" đề cập đến sự sung túc được chia sẻ bởi tất cả người dân, từ vật chất đến văn hóa và sẽ được nâng cao từng bước.

Bản tóm tắt của Tân Hoa xã cũng nêu gián tiếp câu nói của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình là "hãy để một số người làm giàu trước", tạo ra một môi trường mọi người đều có cơ hội làm giàu.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng cam kết "tăng cường quản lý và điều chỉnh thu nhập cao, bảo vệ các thu nhập hợp pháp, điều chỉnh hợp lý thu nhập quá mức và khuyến khích các nhóm thu nhập cao, các doanh nghiệp trả lại cho xã hội nhiều hơn".

Hãng tin Bloomberg bình luận tầm nhìn "thịnh vượng chung" mà ông Tập vừa nêu là một phần trong các nỗ lực giảm nghèo và nâng cao đời sống cho nhân dân Trung Quốc.

Kể từ khi lên nắm quyền, ông Tập đã liên tục thúc đẩy các nỗ lực này, hướng tới xây dựng một xã hội thịnh vượng. Thế nhưng, bất bình đẳng về thu nhập ở Trung Quốc vẫn rất lớn.

Nỗ lực tạo ra "thịnh vượng chung" có thể đồng thời tạo ra áp lực lên giới siêu giàu và các doanh nghiệp Trung Quốc.

Dẫn lời các nhà kinh tế học nước ngoài, Bloomberg cho rằng phát biểu của ông Tập là chỉ dấu cho thấy Bắc Kinh đang tiến gần hơn tới việc áp một loạt loại thuế lên người giàu, chẳng hạn như thuế bất động sản, thuế thừa kế...

Trung Quốc đã thử nghiệm đánh thuế lên các bất động sản là nhà ở tại Thượng Hải và Trùng Khánh kể từ năm 2011. Carol Liao, người chuyên nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại Công ty Pimco Asia, cho rằng thuế đánh lên lợi tức cũng có thể là một lựa chọn cho các nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Giáo sư Shi Zhengwen thuộc Đại học Khoa học chính trị và luật Trung Quốc cho biết Trung Quốc chưa có thuế thừa kế như một số nước. Do đó, theo ông Shi, nếu Trung Quốc áp dụng loại thuế này, nó sẽ có tác động điều tiết quan trọng trong việc phân phối của cải.

"Bất bình đẳng về tài sản và thu nhập tại Trung Quốc đã ở mức nghiêm trọng đến mức các nhà hoạch định chính sách không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đối mặt và ưu tiên giải quyết vấn đề này. Cuộc họp của ông Tập đã đưa vấn đề lên cấp cao nhất", chuyên gia Larry Hu thuộc Macquarie Group nhận định với Bloomberg.

Kỷ niệm 100 năm thành lập đảng, ông Tập muốn Kỷ niệm 100 năm thành lập đảng, ông Tập muốn 'trẻ hóa' Trung Quốc

TTO - Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi nhiều thông điệp rõ ràng tới thế giới qua bài diễn văn kéo dài một giờ tại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 1-7.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên