Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thăm hỏi người dân ở các khu trọ vừa được chính quyền quận Bình Thạnh đưa đến lánh dịch tại chung cư 1050 - Ảnh: TIẾN LONG
Trên cương vị tân giám đốc Sở Y tế TP.HCM, PGS.TS TĂNG CHÍ THƯỢNG có những chia sẻ đầu tiên với báo Tuổi Trẻ. Ông nói: "Ngành y tế với vai trò trung tâm, gần như chủ lực trong cuộc chiến chống dịch. Với tình hình dịch bệnh ở TP.HCM đang rất phức tạp, tôi thấy trách nhiệm của mình càng nặng nề hơn. Nhưng đã nỗ lực rồi thì sẽ nỗ lực hơn".
Có niềm tin về việc kiểm soát dịch
* Thưa ông, sau thời gian nỗ lực xét nghiệm để đánh giá nguy cơ, tách nguồn lây nhiễm, ông đánh giá hiệu quả bước đầu của công việc này thế nào?
- Ngành y tế đang tập trung xét nghiệm "quét" các vùng nguy cơ, khi kết thúc mới có thể "vẽ" ra được "bản đồ dịch bệnh". Tuy nhiên kiểm tra thực tế cho thấy khá khả quan, các quận huyện cũng khá tự tin trong công tác kiểm soát tình hình ở địa bàn mình. Như ở quận 7 - có nhiều ca COVID-19 - đã cơ bản "quét xong vùng đậm đặc", thay đổi rất rõ rệt khi số ca F0 giảm hẳn, cách ly điều trị được cải thiện.
* Theo ông, việc "cần phải làm ngay" để kiểm soát tình hình dịch bệnh tại TP.HCM là gì?
- Đã có chủ trương từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia là tổ chức xét nghiệm sớm để tách F0 cách ly khỏi cộng đồng. Không phải tất cả số ca mắc đều có triệu chứng và đều trở nặng nhưng số ca mắc có triệu chứng ở TP cũng không phải nhỏ. Ngành y tế đang nỗ lực để hạn chế số ca này chuyển nặng nhằm giảm tải điều trị, giảm bớt ca tử vong.
Cái mới được xem là "chìa khóa chống dịch" mà Bộ Y tế đưa ra và ngành y tế TP rất quan tâm đó là chiến lược tiếp cận cộng đồng. Như vậy việc chống dịch sẽ hình thành "hai mũi giáp công", bao gồm ở bệnh viện và ở cộng đồng (chăm sóc F0 tại nhà hoặc tại các cơ sở cách ly tập trung của quận, huyện). Thêm "mũi giáp công" này, chúng tôi kỳ vọng hiệu quả chống dịch sẽ tăng lên trong thời gian tới.
* Việc mở rộng xét nghiệm phát hiện số F0 cộng đồng rất cao, ngành y tế có dự báo và giải pháp gì để "đón đầu" số ca F0 tăng cao?
- Ngành y tế dự báo và có những lường định để "đón đầu". Nhờ thay đổi chiến lược điều trị, hiện công tác điều trị có sự chủ động hơn khi có nhiều tầng (ở nhà, khu cách ly quận huyện, các bệnh viện dã chiến...) cách ly thông qua việc sàng lọc người bệnh. Do vậy dù số ca F0 tăng mỗi ngày nhưng không xảy ra "vỡ trận", thiếu chỗ điều trị như khi mới lập bệnh viện dã chiến và tất cả F0 đều đưa về đó.
Ngoài ra ngành y tế TP cũng đã hình thành một cơ chế phân vùng. Một bệnh viện dã chiến sẽ chịu trách nhiệm "chia lửa" tiếp nhận bệnh nhân ở từng khu vực được giao khi địa phương quá tải. Hoặc ngược lại khi F0 tại bệnh viện dã chiến ổn định có thể chuyển xuống các khu cách ly tập trung của các quận huyện, để nhường chỗ cho các bệnh nhân khác nặng hơn.
Theo dự báo số ca F0 sẽ giảm dần qua các đợt, cộng thêm lượng F0 đang được điều trị khỏi bệnh ở các tuyến sẽ tăng; đây là các cơ sở có thể tin tưởng về việc sớm kiểm soát dịch ở TP.HCM.
PGS.TS TĂNG CHÍ THƯỢNG
Y tế đã tiếp cận người dân gần hơn
* Ngoài phát hiện F0, điều người dân rất quan tâm là khâu điều trị. Ngành y tế có "vũ khí" gì tăng hiệu quả điều trị, thưa ông?
- COVID-19 là bệnh lý hoàn toàn mới, thế giới vẫn tiếp tục nghiên cứu.
Tuy nhiên gần đây Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia đã tiếp cận được các loại thuốc rất mới như Remdesivir (thuốc kháng virus truyền tĩnh mạch) được FDA (Hoa Kỳ) cấp phép, mở ra niềm hy vọng cho các bác sĩ đang trực tiếp điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 từ nhẹ đến nặng, có bệnh lý nền ở tầng 2. Nhiều anh em đồng nghiệp ở các bệnh viện cho biết có những tín hiệu rất khả quan khi bệnh nhân được truyền thuốc này đã giảm hẳn số ca nặng phải chuyển tầng 3.
Ngoài thuốc truyền tầng 2, mới đây có thêm thuốc kháng virus Molnupiravir dạng uống áp dụng cho tầng 1. Đây là loại thuốc rất mới, ở các nước đã sử dụng bước đầu cho thấy rút ngắn được thời gian virus tồn tại trong cơ thể người. Từ đây cũng làm giảm tỉ lệ bệnh nhân chuyển nặng, góp phần giảm tỉ lệ tử vong.
Ngành y tế TP rất phấn khởi khi đã được Bộ Y tế phân bổ cả hai "vũ khí" này. Ngoài ra, hội đồng chuyên môn của Sở Y tế TP cũng liên tục điều chỉnh, cập nhật các hướng dẫn chăm sóc F0 tại nhà và hiện đã ban hành phiên bản thứ 5.
* Ông nghĩ gì về hiệu quả bước đầu của các trạm y tế lưu động và sự chi viện cho thành phố những ngày qua?
- Sơ bộ đến ngày 28-8, toàn TP đã có 413 trạm y tế lưu động, song song đó là hình thành 413 tổ bác sĩ quân y. Thời gian tới, số trạm sẽ tăng hoặc giảm, tùy thuộc vào lượng F0 điều trị tại nhà. Ngoài ra cũng có thể linh động chuyển các trạm lưu động từ địa phương này qua địa phương khác. Dù chỉ mới đi vào hoạt động nhưng điều đáng mừng là lực lượng y tế đã tiếp cận được gần dân, đặc biệt với những người F0 đang cách ly tại nhà.
Để có được các trạm y tế này, sự chi viện của các lực lượng là rất quan trọng, nếu không có chi viện, ngành y tế TP rất khó khăn; nhân viên y tế sẽ kiệt sức hoặc bị mắc COVID-19 không còn ai chăm sóc, điều trị.
* Nhưng vẫn còn một số hạn chế trong việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe người bệnh tại nhà, vận chuyển cấp cứu còn chậm trễ... thưa ông!
- Vấn đề này gọi là hạn chế hay khó khăn cũng đều đúng. Bởi khó có thể lường trước được cục diện dịch bệnh bùng phát cùng một lúc hàng chục ngàn người mắc COVID-19 như hiện nay. Do đó việc thiếu hụt mọi mặt là khó tránh khỏi, điều quan trọng là chúng ta đã kịp thích ứng, điều chỉnh phù hợp.
Hàng ngàn máy thở, oxy lỏng; hàng ngàn thiết bị máy móc như máy lọc thận, ECMO (tim phổi nhân tạo)... đều được cung ứng cho ngành y tế từ sự chung tay của toàn xã hội. Trong cái khó có sự chung tay về cả nhân lực, vật lực; có sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo các cấp như tiếp thêm tinh thần, là thứ "vũ khí" để lực lượng y tế vững tin chống dịch.
* Ông đánh giá thế nào về tiến độ tiêm vắc xin của TP.HCM, còn băn khoăn gì, thưa ông?
- Thực tế việc tiêm vắc xin của TP chưa thực sự đạt yêu cầu đề ra, bởi mục tiêu là phải 100% người trên 18 tuổi phải được tiêm vắc xin (hiện trên 70%) càng sớm càng tốt. Sắp tới với sự nỗ lực của Chính phủ, Bộ Y tế, lãnh đạo TP tin tưởng nguồn vắc xin sẽ tiếp tục được bổ sung, đảm bảo nhu cầu tiêm chủng của người dân.
Hiện Việt Nam có nhiều loại vắc xin và loại nào cũng được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt, Bộ Y tế thẩm định. Do đó việc trông chờ, so sánh các loại vắc xin với nhau là điều không nên. Vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất. Chúng tôi rất cần các phương tiện truyền thông hỗ trợ truyền tải thông điệp của ngành y tế đến từng người dân, giúp họ hiểu đúng vắc xin là cứu cánh thật sự trong bối cảnh dịch ngày một phức tạp.
Đừng nghĩ "tiêu rồi" để buông xuôi
Nhân viên y tế điều trị cho người dân bị nhiễm COVID-19 tại nhà ở huyện Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
* Làm việc với TP.HCM, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có nhắc đến công thức "4-3-3", TP triển khai công thức này thế nào?
- Công thức đó là 40% nhờ thuốc, 30% dinh dưỡng và 30% tinh thần để giúp F0 nhanh chóng lành bệnh.
Thực ra với hầu hết tất cả các loại bệnh lý, yếu tố dinh dưỡng và tâm lý rất quan trọng. Nếu đáp ứng được, người bệnh sẽ có cơ hội hồi phục khỏi bệnh sớm hơn. Do vậy, chúng ta tập trung lo thuốc men, tiêm vắc xin nhưng cũng không nên quên lo các yếu tố dinh dưỡng, tinh thần cho người bệnh.
Có một số người khi mắc COVID-19 thường bi quan nghĩ mình "tiêu rồi", từ đó buông xuôi dễ bỏ cuộc. Nhưng để chiến thắng bệnh tật ngoài sự hỗ trợ từ nhân viên y tế, từ thuốc men, tôi khuyên các cá nhân người bệnh cũng phải thực sự nỗ lực ăn uống đầy đủ và tự rèn cho mình một bản lĩnh, tinh thần lạc quan chiến thắng bệnh tật.
* Chỉ còn 17 ngày cho cao điểm, liệu TP.HCM có tận dụng được "thời gian vàng" thực hiện các mục tiêu đề ra từng bước kiểm soát lây nhiễm của dịch COVID-19 trong cộng đồng không, thưa ông?
- Chúng tôi chỉ biết nói là sẽ tận dụng tối đa, vào cuộc với tâm thế hết mình. Với sự chuẩn bị chủ động, chúng tôi có cơ sở tin tưởng TP sẽ tận dụng tốt cơ hội để vượt qua đợt dịch này.
Sau 3 tháng nỗ lực hết mình của toàn ngành, nhìn trên nét mặt của từng nhân viên y tế tôi thấy sự mệt mỏi. Nhưng với các giải pháp rõ ràng, tôi mong rằng mọi nhân viên y tế đều có niềm tin; chúng ta đã nỗ lực rồi, hãy cố gắng nỗ lực thêm một chút nữa để giúp TP sớm vượt qua dịch bệnh...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận