
Chiều 15-5, các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông tổ chức họp trực tuyến trao đổi về định hướng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương - Ảnh: T.DÂN
Chủ tịch tỉnh Bình Thuận Đỗ Hữu Huy, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái và Chủ tịch tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười đồng chủ trì.
Ngoài ra, cuộc họp còn có lãnh đạo Viện Kinh tế - Xã hội và Môi trường thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Tại cuộc họp, các đại biểu nghe lãnh đạo Viện Kinh tế - Xã hội và Môi trường trình bày dự thảo khái quát những định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng sau khi sáp nhập ba tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận.
Trong đó, có những giải pháp trọng tâm để phát triển tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới.
Các đại biểu tham dự cuộc họp thảo luận, cho ý kiến về kế hoạch tổ chức hội thảo về những định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng mới trong giai đoạn 2026 - 2030 và những năm tiếp theo.
Dự kiến chương trình trên tổ chức vào đầu tháng 6 tại tỉnh Lâm Đồng, với sự tham gia của khoảng 250 đại biểu là lãnh đạo ba tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông cùng một số nhà khoa học, trí thức, chuyên gia kinh tế, khoa học…
Kết quả nghiên cứu của hội thảo sẽ làm cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2025 - 2030 và các nghị quyết chuyên đề.
Tại cuộc họp, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái cho rằng sau sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng mới sẽ có lợi thế đáng kể trong kết nối các trung tâm phát triển. Vì tỉnh mới là trung tâm du lịch và nông nghiệp công nghệ cao.
Với Đắk Nông là lợi thế về tài nguyên khoáng sản, nông nghiệp và năng lượng. Còn Bình Thuận với hệ thống cảng biển, năng lượng tái tạo và du lịch biển.
Chủ tịch tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười cho biết sau khi nghiên cứu, thu thập tài liệu, lãnh đạo ba tỉnh cần đi khảo sát thực tế về các tiềm năng, lợi thế. Từ đó có định hướng rõ ràng, phát triển chỉ tiêu, thế mạnh nào để kinh tế tăng trưởng hai con số trong thời gian tới.

Bình Thuận còn có nguồn tài nguyên khoáng sản titan lớn nhất nước - Ảnh: ĐỨC TRONG
Chủ tịch tỉnh Bình Thuận Đỗ Hữu Huy cơ bản đồng tình, thống nhất với các nội dung do tổ chuyên gia trình bày.
Tuy nhiên, ông Huy cho rằng vẫn còn nhiều nội dung cần tiếp tục trao đổi. Ông đề nghị tổ chuyên gia sớm chuẩn bị, hoàn thiện dự thảo để tham gia ý kiến.
Cụ thể, chủ tịch tỉnh Bình Thuận kiến nghị thêm về các cực phát triển của địa phương này.
Ông Huy cho biết Bình Thuận hiện nay có lợi thế lớn là nằm gần TP.HCM, do đó cực nam của tỉnh là cực tăng trưởng tiềm năng bên cạnh bốn cực tăng trưởng tập trung ở phía bắc của tỉnh mà các chuyên gia đã phác họa.
Chủ tịch tỉnh Bình Thuận mong rằng các chuyên gia cần nghiên cứu thêm yếu tố về cảng biển, kinh tế biển. Đây sẽ là liên kết của tỉnh mới và đầu ra xuất khẩu cho các tỉnh lân cận.
Đặc biệt, Bình Thuận còn có nguồn tài nguyên khoáng sản titan lớn nhất nước. Do đó tỉnh mong muốn các chuyên gia lưu ý đưa vào dự thảo việc triển khai chế biến sâu titan.
Ngoài ra, Bình Thuận đang thu hút nhiều khu công nghiệp có quy mô, gần TP.HCM. Đây là điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng vào xây dựng các khu công nghiệp, nhà máy để phát triển kinh tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận