Năm 1996, Trung tâm chống khủng bố (CTC) của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã lập ra một đội ngũ đặc biệt để phân tích thông tin tình báo và lập kế hoạch săn tìm Bin Laden. Khi đó, Washington xác định triệu phú người Saudi Arabia là kẻ hỗ trợ tài chính cho phiến quân Hồi giáo ở Trung Đông và châu Phi.
Phóng to |
Cuối năm 1997, Bin Laden đến Afghanistan và kêu gọi người Hồi giáo mở cuộc chiến chống Mỹ, biệt đội này đã lên kế hoạch điều động người Afghanistan bắt giữ Bin Laden giao cho Mỹ. Tuy nhiên, ban lãnh đạo CIA không thông qua kế hoạch này.
Nguyên nhân có thể do khi đó Washington chưa đánh giá hết mức độ nguy hiểm của ông trùm Al Qaeda. Năm 1997 Mỹ công bố danh sách các phiến quân Hồi giáo nguy hiểm nhất nhưng không liệt kê tên Bin Laden hay Al Qaeda.
Tháng 8-1998, hàng loạt xe tải chứa đầy bom đâm vào đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania, làm hơn 220 người thiệt mạng. Xác định Al Qaeda đã tổ chức vụ tấn công, Tổng thống Mỹ Bill Clinton ra lệnh cho CIA bắt giữ Bin Laden đưa về Mỹ. Sau khi CIA xác định không thể bắt sống được ông trùm Al Qaeda, chính quyền Washington cho phép sử dụng vũ lực chết người để “xử” Bin Laden. Ngày 20-8-1998, tàu chiến Hải quân Mỹ trên biển Ả Rập bắn 66 tên lửa hành trình vào các trại huấn luyện của Bin Laden gần thành phố Khost ở miền đông Afghanistan. Tuy nhiên Bin Laden không chết.
Cái đầu trị giá 25 triệu USD
Năm 1999, CIA và tình báo Pakistan chuẩn bị một biệt đội 60 lính đặc nhiệm Pakistan, có nhiệm vụ xâm nhập Afghanistan bắt hoặc giết Bin Laden. Khi đó, các điệp viên CIA chắc chắn Bin Laden đang ở Kandahar. Nhưng cuộc đảo chính ở Pakistan tháng 10-1999 khiến thủ tướng Nawaz Sharif sụp đổ và kế hoạch này bị bỏ xó.
Năm 2000, các tay súng nước ngoài được CIA thuê đã bắn súng phóng lựu vào một đoàn xe của Bin Laden đang đi qua vùng rừng núi Afghanistan. Một chiếc xe trúng đạn nhưng Bin Laden lại thoát chết.
Và vụ tấn công 11-9-2001 xảy ra. Nước Mỹ rúng động. Lập tức chính quyền tổng thống George Bush xác định Bin Laden và Al Qaeda đã thực hiện vụ tấn công. Ngày 18-9-2001, ông Bush tuyên bố nước Mỹ mở cuộc truy nã Bin Laden “sống hay chết”. Cái đầu Bin Laden được treo giải thưởng 25 triệu USD. Chiến tranh Afghanistan nổ ra.
Những trận giội bom dữ dội đã phá hủy chính quyền Taliban và các doanh trại của Al Qaeda ở Afghanistan. Nhưng dù Mỹ và đồng minh tuyên bố giành chiến thắng vào tháng 12-2001, Bin Laden vẫn sống sót và bị dồn về vùng hang động ở Tora Bora thuộc phía bắc Afghanistan. Bị bao vây mọi phía, Bin Laden tuyệt vọng chờ chết, và đến ngày 14-12 thậm chí còn viết di chúc.
Tuy nhiên quân đội Mỹ chỉ có chưa đầy 100 đặc nhiệm tham gia chiến dịch Tora Bora cùng lính Afghanistan chống Taliban. Quân đội Mỹ đề nghị tiếp thêm quân và chặn đường rút của Bin Laden sang Pakistan nhưng bị chính phủ từ chối.
Thay vào đó, phía Mỹ dựa vào quân Afghanistan để tấn công Bin Laden và Taliban, và lực lượng an ninh Pakistan để chặn đường rút của ông trùm Al Qaeda. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Donald Rumsfeld cho biết ông e ngại việc có quá đông quân Mỹ ở Afghanistan sẽ làm dấy lên phong trào chống Mỹ. Trận chiến ở Tora Bora diễn ra ác liệt, nhưng chỉ hai ngày sau khi viết di chúc, Bin Laden và các vệ sĩ đã lặng lẽ rời Tora Bora và biến mất ở vùng biên giới Pakistan.
Cuộc săn lùng chuyển hướng sang Pakistan. Trong hai năm 2002 và 2003, Mỹ bắt giữ được một số nhân vật chủ chốt của Al Qaeda, trong đó có nghi can thực hiện vụ 11-9 Khalid Sheikh Mohammed. Hợp tác giữa CIA và Cơ quan tình báo liên ngành Pakistan (ISI) tỏ ra hiệu quả. Dấu hiệu đáng kể nhất là việc CIA tóm được Yassir al-Jazeeri, một vệ sĩ thân cận của Bin Laden vào tháng 3-2003. Khi đó trong túi của al-Jazeeri có một bức thư của Bin Laden.
Để tránh bị phát hiện, ông trùm Al Qaeda chọn cách liên lạc cổ truyền thay vì dùng điện thoại. “Khi đó chúng tôi cảm thấy đã gần tóm được hắn” - quan chức CIA Bruce Riedel nhớ lại. Nhưng người Mỹ đã vui mừng quá sớm.
Phóng to |
Thông cáo truy nã Bin Laden ở New York hồi tháng 9-2001 Ảnh: Reuters |
Bóng ma đe dọa
Các tù nhân nhà tù Guantanamo khai về những cuộc gặp với Bin Laden ở Shakai, một vùng rừng núi rậm rạp tại Pakistan, gần biên giới Afghanistan, nơi người dân ngày càng trở nên cực đoan và chống phương Tây. Món tiền thưởng 25 triệu USD không đem lại những thông tin từ người dân vùng này về Bin Laden. Ba triệu dân khu vực tạo thành một bức tường xung quanh Bin Laden mà quân đội Pakistan, ISI và cả CIA đều không thể đục thủng.
Cuộc chiến Iraq cũng kéo nhân lực, vật lực quân sự - tình báo của Mỹ sang Iraq. Sự hợp tác của ISI và quân đội Pakistan trở nên kém hiệu quả.
Nhưng khi những kẻ săn mồi tỏ ra mệt mỏi thì con mồi lớn Bin Laden vẫn liên tục nhắc nhở người Mỹ rằng Al Qaeda nguy hiểm đến mức nào. Vụ đánh bom ở Madrid (Tây Ban Nha) năm 2004 không xuất phát từ Bin Laden nhưng lấy cảm hứng từ ông trùm khủng bố. Sau đó là vụ đánh bom tàu điện ngầm ở London năm 2005 cho thấy Al Qaeda đang tập hợp lực lượng ở khu vực biên giới Pakistan.
Bin Laden vẫn đều đặn gửi thông điệp chống Mỹ qua băng video hoặc băng ghi âm tới các hãng tin, nhiều nhất là al-Jazeera, hoặc trên Internet. Băng video cuối cùng của Bin Laden xuất hiện hồi tháng 9-2007, còn băng ghi âm cuối cùng được công bố vào tháng 1-2011. Bin Laden giống như một bóng ma ở rất xa nhưng cũng rất gần, ám ảnh nước Mỹ.
Đã có lúc tưởng như Mỹ đầu hàng trong cuộc tìm kiếm vô vọng này. Tháng 12-2009, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates thừa nhận Washington không có thông tin về hành tung của Bin Laden trong nhiều năm.
Trên thực tế, Mỹ đã may mắn lần ra những dấu vết đầu tiên về Bin Laden khi bắt giữ một thành viên Al Qaeda cấp cao tên Abu Faraj al-Libbi ở thị trấn Mardan, phía bắc Pakistan hồi tháng 5-2005. Các tài liệu cho thấy al-Libbi đã khai ra tên nhiều người đưa thư cho các thủ lĩnh Al Qaeda và đã gây sự chú ý đặc biệt.
Một thành viên Al Qaeda khác là Abdul Hadi al-Iraqi, bị bắt năm 2007, cũng cung cấp nhiều thông tin. Mãi đến năm 2009 tình báo Mỹ mới khoanh vùng được khu vực người đưa thư của Bin Laden hoạt động, và đến tháng 4-2010 thì lần đến được tòa dinh thự ở Abbottabad. Đến tháng 2-2011, CIA tin rằng Bin Laden sống trong dinh thự đó.
Trong tháng 3 và 4, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã họp năm lần với Hội đồng an ninh quốc gia để lên kế hoạch tiễu trừ Bin Laden. Ngày 29-4, ông Obama ra lệnh mở chiến dịch.
Cuộc săn lùng trầy trật kéo dài 15 năm đã kết thúc!
__________________
Chính quyền của Tổng thống Barack Obama quyết định giết chết chủ mưu của vụ khủng bố 11-9-2001 Bin Laden mà không cần đưa ra xét xử tại tòa án, một lần nữa cho thấy sự khác biệt của Obama với người tiền nhiệm Bush về “chủ nghĩa khủng bố”.
Kỳ tới: “Cuộc chiến” của Obama
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận