Người biểu tình phản đối chính quyền ở Baghdad ngày 5-10 sau khi bỏ lệnh giới nghiêm - Ảnh: REUTERS
Nguồn tin từ cảnh sát và các nhân viên y tế cho biết các vụ xung đột mới nhất xảy ra ở thành phố Sadr.
Trong vòng chưa đến một tuần, làn sóng biểu tình phản đối tình trạng tham nhũng và thiếu việc làm do thanh niên dẫn đầu ở Iraq đã khiến hơn 100 người thiệt mạng. Ngoài ra, số người bị thương lên đến gần 4.000.
Trong số những người thiệt mạng có cả cảnh sát. Lực lượng an ninh Iraq cho rằng nhiều tay súng đã trà trộn vào dòng người biểu tình để bắn cảnh sát.
Sơ cứu người bị thương trong các cuộc biểu tình bạo lực ở Baghdad ngày 5-10 - Ảnh: REUTERS
Người phát ngôn Bộ Nội vụ Iraq, ông Saad Maan, khẳng định trong một cuộc họp báo phát trên đài truyền hình nhà nước ngày 6-10 rằng không có lực lượng nào của chính quyền tấn công trực tiếp vào người biểu tình. Ông Maan lên án những vụ tấn công nhằm vào giới truyền thông sau khi xảy ra một số vụ đột kích ở văn phòng các cơ quan báo chí địa phương và quốc tế do các nhóm không xác định thực hiện.
Các vụ biểu tình là thách thức về chính trị và an ninh lớn nhất cho chính quyền của Thủ tướng Adel Abdul Mahdi kể từ khi ông lên nắm quyền cách đây một năm.
Người biểu tình khiêng quan tài người chết ở Baghdad ngày 5-10, họ yêu cầu chấm dứt tình trạng tham nhũng, giải quyết vấn đề thất nghiệp - Ảnh: REUTERS
Trong ngày 6-10, nội các của Thủ tướng Iraq Adel Abdel Mahdi đã công bố nhiều biện pháp cải cách sau phiên họp "bất thường" trong đêm trước tình hình các cuộc biểu tình lan rộng.
Theo đó, chính quyền đưa ra nhiều chương trình cải cách theo kế hoạch trong các lĩnh vực: phân chia đất đai, nghĩa vụ quân sự và tăng thu nhập, phúc lợi cho các gia đình nghèo. Trong vấn đề việc làm, Iraq khẳng định sẽ tạo ra những nhóm thị trường liên kết và tăng phúc lợi cho người thất nghiệp.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tỉ lệ thất nghiệp trong thanh niên ở Iraq lên tới 25%.
Các cuộc biểu tình nhanh chóng biến thành bạo lực khiến hơn 100 người chết, gần 4.000 người bị thương chỉ trong một tuần - Ảnh: REUTERS
Trước khó khăn trong nước do liên quan đến các biện pháp trừng phạt của Mỹ, người biểu tình, đa số là thanh niên đã xuống đường để yêu cầu chính quyền cải cách kinh tế, tạo việc làm, cải thiện dịch vụ công cơ bản như điện, nước và chấm dứt tình trạng tham nhũng.
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình nhanh chóng biến thành bạo lực. Iraq đã ban hành lệnh giới nghiêm ở thủ đô Baghdad và ngừng cung cấp dịch vụ Internet ở hầu hết các địa phương.
Ngày 5-10, Iraq bỏ lệnh giới nghiêm vào ban ngày ở thủ đô Baghdad nhưng vẫn phong tỏa những tuyến đường dẫn tới các quảng trường lớn do lo ngại xảy ra các cuộc biểu tình bạo lực mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận