01/09/2021 09:39 GMT+7

'Biệt đội' taxi cấp cứu

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Có một đội hình phần lớn là sinh viên tình nguyện Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch vẫn âm thầm đồng hành cùng bệnh nhân F0 chuyển nặng trên các chuyến taxi cấp cứu suốt cả tháng qua.

Biệt đội taxi cấp cứu - Ảnh 1.

Các bạn sinh viên đội taxi cấp cứu hỗ trợ bệnh nhân chuyển viện trên xe taxi Mai Linh - Ảnh: Q.NG.

Khi những chuyến xe cấp cứu khó lòng đến kịp vì luôn quá tải hoặc hẻm sâu và nhỏ, chẳng xe nào len lỏi vào được thì chính là lúc các y bác sĩ tương lai này xuất hiện, sơ cứu ban đầu và kịp thời chuyển bệnh nhân đến bệnh viện. Họ là đội taxi cấp cứu.

"Không phải ai cũng đủ can đảm ra tuyến đầu như thế. Các bạn là những người dũng cảm, thể hiện rất rõ tinh thần y đức, nhà trường và xã hội trân quý tinh thần, hành động ấy.

PGS.TS NGUYỄN THANH HIỆP (hiệu trưởng Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch)

Hết biết sợ là gì!

Một ngày trong tuần gần cuối tháng 8, Lê Tấn Sang nhắn: "Em vừa chuyển xong ca bệnh và về tới chỗ nghỉ. Ca này là còn sớm. Tụi em trực 24/24 nên nhận điện thoại và hỗ trợ những ca 2, 3h sáng là bình thường". Lúc này đồng hồ đã chỉ gần 23h.

Lê Tấn Sang hết hè này sẽ là sinh viên năm thứ tư Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đã có mặt trong đội taxi cấp cứu ngay từ những ngày đầu tiên. Hiện cậu đang ở đội phụ trách địa bàn quận 4 (TP.HCM), là một trong những thành viên nhỏ tuổi của cả đội hình với phần lớn là sinh viên y khoa năm 5 và 6.

Sang khoe: "Lúc đầu đi hơi sợ, mà đi riết cái quen. Lúc nào cũng cầm điện thoại trên tay, chỉ mong đừng có số nào gọi để không có ai phải cấp cứu". Sang còn "nổi tiếng" với một clip được đăng trên mạng khi bế cụ bà F0 tại quận 10 chạy phăng phăng ra xe taxi để chuyển viện cấp cứu được người dân quay lại.

Tiếp xúc trực tiếp với F0, phần lớn đều là ca chuyển nặng khi họ cầu cứu đến các bạn. Gian nan nhất khi len lỏi vào những hẻm sâu, ngoằn ngoèo, còn phải vác theo bình oxy và chạy sao cho nhanh nhất đến với bệnh nhân. Nên vào đến được nơi cần đến, quên hết mệt nhọc, điều mỗi bạn quan tâm nhất không gì khác ngoài người bệnh đang nằm chờ.

"Tụi mình xác định có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào dù đã được tập huấn rất kỹ, tự ý thức bảo vệ an toàn cho bản thân cũng rất cao. Nhưng gặp bệnh nhân, điều đầu tiên nghĩ đến là phải tìm cách cứu họ trước đã" - Nguyễn Thanh Tùng, hết hè là sinh viên y khoa năm 6, chia sẻ.

Nhưng vận chuyển bệnh nhân không mệt bằng nỗi đợi chờ có được nơi tiếp nhận. Thời điểm dịch bùng mạnh, Tùng kể có ca đến nhà cấp cứu từ 24h, sơ cứu ban đầu, mất vài tiếng để tìm ra bệnh viện và mãi đến 4h sáng hôm sau mới hoàn thành chuyển viện cho ca bệnh. Về lại chỗ nghỉ, chợp mắt được chút rồi 6h lại tiếp tục công việc.

"Có những ca tụi mình phải đúng ngoài cổng bệnh viện năn nỉ, chờ cho đến khi họ chịu nhận vì nơi nào cũng quá tải. Chỉ khi nào bàn giao bệnh nhân xong, tụi mình mới hoàn thành chứ không phải chỉ cần chở tới bệnh viện là hết nhiệm vụ. Sau khi có văn bản của Sở Y tế, việc tiếp nhận bệnh nhân tại các bệnh viện có thuận lợi hơn" - Tấn Sang bổ sung.

Bài học y đức

Sang nhớ đến bệnh nhân B.T.Y. (sinh năm 1952) ở quận 4. Khi tiếp cận, chỉ số SpO2 của bệnh nhân này còn 54%. Các bạn hỗ trợ cho thở oxy nhưng thời gian tìm bệnh viện tiếp nhận khá lâu. Khi chuyển ra xe taxi, bệnh nhân không còn bắt được mạch, người cứ lạnh dần, tím tái... "Người nhà cô sau đó nhắn tin cảm kích tụi mình dù cô không qua khỏi. Thật sự cảm giác không cứu được bệnh nhân khó chịu lắm, lòng chùng xuống, phải tự an ủi mình quên chuyện buồn để làm tiếp" - Sang bộc bạch.

Dĩ nhiên cũng còn những niềm vui, tin nhắn mà các bạn như được tiếp thêm nghị lực để chiến đấu. Thanh Tùng nhắc đến bệnh nhân H.X.Q. (sinh năm 1981) ở quận 8. Hành trình đưa anh này từ trên căn gác xuống dưới với cầu thang bề ngang nửa mét xuống là cả cực hình vì bệnh nhân béo phì. "Tụi mình kiểm tra chỉ số SpO2 rồi cho anh thở và đã phải dùng hết 2 bình oxy mang theo. Bệnh nhân chuyển viện kịp thời, lúc đó tỉnh, thông tin cập nhật là anh ổn" - Tùng khoe.

Dù là người mất trên xe hay đã được đưa tới bệnh viện, thậm chí mất sau ít ngày điều trị ở bệnh viện cũng đều là trải nghiệm không mong đợi với các thầy thuốc tương lai, nó như "cú đánh tâm lý" làm nhiều bạn sốc. "Trường có đội khám sức khỏe cho các bạn tình nguyện này, vừa để kiểm tra sức khỏe sau mỗi tua làm việc 2 tuần, vừa để tư vấn, trấn an tâm lý cho các bạn khi không may trải nghiệm cảm giác "mất người bệnh" ngay khi còn chưa ra trường như thế" - BS Hà Thanh Đạt (bí thư Đoàn trường) cho biết.

Được nhà trường biệt phái tham gia cùng Sở Y tế hỗ trợ hoạt động của đội hình taxi cấp cứu, Trung tâm cấp cứu 115 và 5 trạm cấp cứu vệ tinh cửa ngõ TP.HCM trong đợt dịch này, TS.BS Võ Hoàng Nhân nói lực lượng tuyến đầu ai cũng vất vả nhưng chắc chưa có đội hình nào nhiều thiệt thòi, gian nan như đội hình taxi cấp cứu. "Các bạn xuất hiện vừa lo cứu người, vừa phải trấn an tâm lý người nhà và nói thật ban đầu có bạn bị chửi những lời rất khó nghe. Nhưng bỏ qua hết, các bạn chỉ thực hiện nhiệm vụ và bất kỳ ai cần, họ đều tiếp cận sớm nhất có thể" - BS Nhân nói.

Những con người dũng cảm

Hầu hết các sinh viên tham gia đội hình đều đã hoàn thành tiêm 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19, người thân của các bạn cũng được tiêm mũi 1 để hạn chế rủi ro trong tình huống có ai đó bị phơi nhiễm. Sau hai tuần làm việc, các bạn được tạm nghỉ 1 tuần hồi phục sức khỏe, làm xét nghiệm PCR trước khi quay lại tiếp tục công việc.

Nhà trường cũng linh động sắp xếp thi học kỳ, cả việc thi tốt nghiệp với những bạn năm cuối đã được lên phương án theo hướng gắn với chuyên môn, thực tế lâm sàng khi các bạn tham gia hoạt động chống dịch.

Nhắn nhủ với học trò trước khi lên đường nhận nhiệm vụ, PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp - hiệu trưởng Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - căn dặn mỗi bạn phải chú ý giữ sức khỏe và tác nghiệp chuyên nghiệp.

"Nếu không thật sự khỏe, bạn sẽ không thể giúp được người khác, tác nghiệp phải chuyên nghiệp vì sơ suất của các bạn sẽ ảnh hưởng tính mạng bệnh nhân. Mỗi bạn phải tuân thủ đầy đủ, nghiêm quy trình chuyển bệnh đã được học, tập huấn kỹ trước khi làm việc" - ông Hiệp lưu ý.

Trong lá thư gửi đến lãnh đạo nhà trường, chị Phương Lam (quận 8) nói biết ơn các bạn sinh viên và tài xế Cao Hồng Khanh (Taxi Mai Linh) đã ân cần hỗ trợ bà ngoại chị kịp thời chuyển đến cấp cứu tại bệnh viện. "Gia đình chúng tôi cảm ơn đội hình này và mong các cô chú có nhiều sức khỏe để giúp đỡ bệnh nhân kịp thời, sớm tiếp cận được phương tiện cứu chữa" - chị Lam viết.

Tài xế taxi cấp cứu bệnh nhân COVID-19: Tôi còn sức thì còn làm! Tài xế taxi cấp cứu bệnh nhân COVID-19: Tôi còn sức thì còn làm!

TTO - Vừa trở về sau 5 chuyến chở F0 đến nơi cách ly với tấm lưng ướt sũng vì mặc đồ bảo hộ, anh Thảo nhanh chóng thay bộ đồ bảo hộ mới để tiếp tục đón một F0 là người phụ nữ đang mang thai ở quận 4, TP.HCM.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên