19/09/2017 16:57 GMT+7

Nghĩa tình hai bên biên giới

TTO - Những ngày mùa mưa, con đường đất đỏ dẫn đến phòng khám quân dân y kết hợp của đồn biên phòng Vàm Trảng Trâu (Bộ đội biên phòng Tây Ninh) ở ấp Tân Định, xã Biên Giới, huyện Châu Thành trở nên lầy lội và khó đi hơn.

Nghĩa tình hai bên biên giới - Ảnh 1.

Bộ đội biên phòng Việt Nam khám bệnh, phát thuốc cho người dân phum Thlok Trach (tỉnh Tpong Khmum, Campuchia) - Ảnh: ĐỨC TRONG

Nhưng ở đây, hằng ngày vẫn có đông bà con Campuchia đến để được những người lính quân y biên phòng Việt Nam tận tình khám, chữa bệnh và phát thuốc miễn phí.

Chúng tôi nghĩ rằng đây là hình mẫu tốt đẹp, sẽ lan tỏa ở khắp nơi, nhất là trên tuyến biên giới giữa hai nước Việt Nam - Campuchia

Đại tướng Sok Phal (Campuchia) nói về trạm xá hữu nghị của VN

Tìm đến bác sĩ quân y Việt Nam

Sáng sớm một ngày cuối tháng 8-2017, nghe tin phòng khám Tân Định mở cửa, hơn 10 người dân Campuchia từ xã Đôn, huyện Rô Mê Hêt, tỉnh Svay Riêng lặn lội qua đây để được khám bệnh, nhận thuốc. Họ là những người nghèo, dáng vẻ gầy gò. 

Cuộc sống của người dân Campuchia ở sát biên giới Việt Nam thiếu thốn trăm bề. Cái ăn, cái mặc hằng ngày đã khó chứ chưa nói đến chuyện được khám, chữa bệnh. 

Hầu hết họ tự chữa bệnh cho mình hoặc tìm đến các thầy lang, thầy thuốc trong phum, sóc. Người có điều kiện hơn thì đến các cơ sở y tế phía Việt Nam nhưng số này rất ít.

Bước vô phòng khám, họ được thiếu tá quân y biên phòng Lữ Thanh Hùng (đồn Vàm Trảng Trâu) ân cần hướng dẫn chỗ ngồi, chờ đến lượt vào khám. Có vài người Campuchia nói được tiếng Việt và họ trở thành phiên dịch viên cho thiếu tá Hùng.

Lần đầu tiên được đặt chân đến phòng khám của các y bác sĩ quân y Việt Nam, niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt bà Nhanh Mon (78 tuổi). Bà nhanh chóng bước đến giường bệnh khi được thiếu tá Hùng gọi tên. 

Anh ân cần đo huyết áp cho bà, nhẹ nhàng khám và hỏi han bệnh lý mà bà Nhanh Mon mắc phải. Khoảng cách ngôn ngữ, lãnh thổ bị xóa nhòa, thay vào đó là hình ảnh người lính tận tụy khám bệnh cho một bà mẹ già.

Niềm hạnh phúc, sự thoải mái hiện rõ trên gương mặt khắc khổ của bà Nhanh Mon. Qua chẩn đoán, bà được xác định bị cao huyết áp và được thiếu tá Hùng phát cho một bịch thuốc, với lời căn dặn liều lượng, cách uống rõ ràng. Thiếu tá Hùng còn tặng bà một chai dầu gió để dùng khi trái gió trở trời.

Nghĩa tình hai bên biên giới - Ảnh 3.

Trạm xá quân dân y hữu nghị ở xã Biên Giới (Tây Ninh) trong ngày khánh thành - Ảnh: Đ.T.

Bà Nhanh Mon nói lúc ốm đau chẳng biết đi đâu ngoài tìm đến các phòng khám, trạm xá ở Việt Nam. 

Nếu không có phòng khám Tân Định, bà cũng tìm đến trạm xá của xã Biên Giới, huyện Châu Thành (Tây Ninh) cách đó hơn 10km. 

Mỗi lần đến đây được khám, được phát thuốc về uống là bệnh trong người bà giảm hẳn. "Cảm ơn bộ đội Việt Nam rất nhiều" - bà Nhanh Mon chắp tay trước ngực, nói.

Hôm đó, ông Kel Kol (63 tuổi) bị viêm tiết niệu từ nhiều năm nay cũng đến phòng khám Tân Định. Ông cho biết đã khám tại đây được hai lần.

 Mặc dù ở Campuchia cũng có các cơ sở y tế nhưng rất xa phum nên ông chọn qua Việt Nam. Vì mỗi lần qua Việt Nam khám, ông được bộ đội ở đây ân cần giúp đỡ, hướng dẫn, không phân biệt và còn được cấp thuốc miễn phí. 

"Về nhà tôi sẽ bảo bà con mình nên tìm đến phòng khám quân y của bộ đội Việt Nam để được chữa bệnh tận tình" - ông Kel Kol nói.

Đại úy Sek Vanna, đồn trưởng đồn công an hành chính xã Đôn, huyện Rô Mê Hêt, tỉnh Svay Riêng, cho biết điều kiện khám, chữa bệnh của bà con Campuchia còn khó khăn và phải đi xa. 

Nhờ có phòng khám Tân Định, bà con bên phía Campuchia được đến khám rất nhanh và thuận lợi. 

"Thay mặt lực lượng chính quyền, lực lượng bảo vệ biên giới cùng nhân dân Campuchia, tôi xin cảm ơn bộ đội biên phòng Việt Nam đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho bà con Campuchia" - đại úy Sek Vanna cảm kích nói. 

Không chỉ khám cho người dân nghèo, phòng khám Tân Định còn khám sức khỏe, chữa bệnh cho lực lượng bảo vệ biên giới của nước bạn.

Nghĩa tình hai bên biên giới - Ảnh 4.

Các bác sĩ trạm xá biên giới khám bệnh cho dân vùng biên bằng máy móc hiện đại hơn trước đây - Ảnh: Đ.T.

Từ phòng khám đến trạm xá hữu nghị

Với người dân Campuchia ở biên giới, hình ảnh anh bộ đội biên phòng Việt Nam đã quá gần gũi, thân quen. 

Ngoài giờ tuần tra, các anh qua giúp đỡ họ trong cuộc sống thường ngày như làm kinh tế, thăm hỏi lúc ốm đau và nhận nuôi những trẻ em Campuchia mồ côi, gia cảnh khó khăn.

Đại tá Nguyễn Tài Sơn, chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Tây Ninh, cho biết những việc làm từ thiện của lính biên phòng không chỉ giúp bà con hai vùng biên giới bớt khó khăn mà còn giúp thắt chặt tình cảm người dân hai nước. 

Tại nhiều vùng khó khăn ở biên giới, có những phụ nữ Campuchia mơ ước được một lần đến khám tại bệnh viện Việt Nam. Có những em bé ngạc nhiên, trầm trồ khi lần đầu tiên thấy bong bóng bay được thả lên trời.

Từ nhiều năm nay, trước khi có phòng khám Tân Định, Bộ đội biên phòng Tây Ninh đã huy động hàng trăm lượt y, bác sĩ quân y sang nước bạn để khám, chữa bệnh người dân bản địa. 

Còn hiện nay, mỗi ngày phòng khám Tân Định nhận khám và phát thuốc cho vài chục lượt người dân Campuchia.

Tại Tây Ninh, cứ mỗi đồn biên phòng có một phòng khám kiểu như phòng khám Tân Định. 

Ngoài những phòng khám, thiếu tướng Lê Thái Ngọc, phó tư lệnh Bộ đội biên phòng Việt Nam, cho biết từ năm 2016, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng Việt Nam đã cho triển khai xây dựng các trạm xá quân dân y hữu nghị ở tất cả các tỉnh có biên giới với Campuchia, trong đó có Tây Ninh. 

Hiện nay trạm xá quân dân y hữu nghị đầu tiên đã được xây dựng xong và khánh thành ở xã Biên Giới, đang chờ hoàn tất thủ tục để đi vào hoạt động. 

Chương trình trạm xá này được đánh giá là một bước ngoặt trong việc nâng cấp công tác khám chữa bệnh cho người dân vùng biên giới Việt Nam - Campuchia.

Đến tham dự buổi khánh thành trạm xá, đại tướng Sok Phal - tổng cục trưởng Tổng cục Di trú (Bộ Nội vụ Hoàng gia Campuchia) - cho biết đây là điều hết sức quan trọng, thể hiện tình hữu nghị hợp tác tốt đẹp giữa hai nước.

Nâng bước em tới trường"

Những năm qua, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh triển khai chương trình "Nâng bước em tới trường" nhận nuôi dưỡng và nâng đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở cả hai bên biên giới.

Năm học 2017-2018, cán bộ, chiến sĩ biên phòng Tây Ninh đã nhận 73 em học sinh để hỗ trợ, trong đó có 15 em là người Campuchia.

Những em này mỗi tháng sẽ được nhận 500.000 đồng cùng sách vở và nhu yếu phẩm...

>> Kỳ cuối: Biến chiến trường thành thương trường

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên