Phóng to |
Các tàu hải giám theo hộ tống 30 tàu cá Trung Quốc ở biển Đông - Ảnh: xijunshi.com |
Trung Quốc đang gia tăng những hành động quân sự và khiêu khích trên biển Đông. Báo Le Monde ngày 27-7 cho rằng Trung Quốc đang biến vùng biển này thành nơi đối đầu tiềm tàng với Mỹ. “Cuộc chiến Thái Bình Dương mới” này đang càng lúc càng nghiêm trọng hơn.
Theo báo này, cho đến nay tất cả các nước có tranh chấp với Trung Quốc trên biển Đông đều đã lên tiếng tố cáo Trung Quốc vi phạm chủ quyền của họ và vi phạm quyền quốc tế. Tất cả các nước này đều cảm thấy bị người láng giềng hùng mạnh của mình xâm chiếm, một Trung Quốc vừa là đối tác thương mại chính vừa là cơn ác mộng của họ về mặt chiến lược.
Mô tả độ nóng trên biển Đông, báo này viết: “Mỗi tuần, người ta lại suýt phải đối mặt với một sự cố vũ trang. Trên vùng biển nóng này đang xuất hiện một cuộc chiến tranh lạnh mini”.
Cảm nhận rõ tình hình này, các chuyên gia quốc tế và cả một số học giả Trung Quốc đang lên tiếng cảnh tỉnh Trung Quốc.
Con số 0
Trong bài viết “Phép thử cho mối quan hệ ASEAN - Trung Quốc” đăng trên Nhật Báo Trung Quốc ngày 6-7-2012, học giả Sở Hạo, khoa Nam Á và Đông Nam Á của Học viện Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc, cảnh tỉnh Bắc Kinh nên sớm từ bỏ chính sách tàu chiến, vốn đã gây ra hàng loạt xung đột và tranh chấp với các nước láng giềng ở biển Đông.
Học giả này cảnh báo những xung đột và tranh chấp này, đặc biệt từ năm 2010, đã làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc do Trung Quốc đã gây nên một cuộc khủng hoảng lòng tin ở các nước Đông Nam Á. Các nước khu vực lo ngại với việc hiện đại hóa quân đội, Trung Quốc đang tìm cách giải quyết tranh chấp bằng vũ lực. Ở Trung Quốc, đang có làn sóng cho rằng cách hành xử của Trung Quốc ở biển Đông là yếu ớt, đáng thất vọng, thậm chí có những quan điểm cực đoan kêu gọi sử dụng vũ lực và dẹp bỏ mọi hợp tác với ASEAN. Bằng cách này, Trung Quốc lại đang đẩy các nước khu vực về phía Mỹ. Hậu quả là mọi nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc trong mấy chục năm qua sẽ quay về con số 0. Trung Quốc đang tự tạo ra một môi trường đối kháng vây quanh mình với biển Đông trở thành “một cái bẫy giam hãm Trung Quốc”.
Những lời cảnh tỉnh tương tự đã vang lên từ sớm hơn. Trong bài viết “Sức mạnh mềm luôn tốt hơn chiến tranh biển đảo” đăng trên Thời Báo Hoàn Cầu năm 2011, giáo sư Tôn Triết, Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế thuộc Đại học Thanh Hoa, đã cho rằng nếu Trung Quốc cứ đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp trên biển thì chỉ tự đưa mình vào thế khó. Đường chín đoạn mà Trung Quốc sử dụng để tuyên bố và thực hiện chủ quyền ở biển Đông là thiếu cơ sở pháp lý. “Nam Hải (biển Đông) không phải là ao nhà của Trung Quốc, bởi phần nhiều vùng biển này thuộc về vùng biển quốc tế”.
Trong bài viết “Tranh chấp Nam Hải, Trung Quốc kiềm chế là tự tin”, học giả Ngô Kiến Dân, chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Thượng Hải, cũng cảnh báo nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực thì sẽ không giải quyết được tranh chấp ở biển Đông. Không khéo Trung Quốc lại làm hỏng việc lớn là phát triển đất nước. Người Trung Quốc biết yêu nước nhưng cũng phải yêu người khác thì mới được. “Trong thời đại toàn cầu hóa, khi lợi ích của các nước đều liên quan với nhau thì chúng ta (Trung Quốc) nên kết thúc chuyện đóng cửa lại để nhồi nhét thứ chủ nghĩa yêu nước hẹp hòi” - Nhật Báo Phương Nam dẫn lời ông Ngô Kiến Dân cảnh tỉnh.
Tiền và quyền lực
Trả lời tờ Global Post, Mỹ, chuyên gia cao cấp Andrew Billo thuộc Hội châu Á phụ trách khu vực Đông Nam Á nhận định Trung Quốc là nguyên nhân tạo nên sự căng thẳng ở biển Đông và điều này có thể gói gọn trong hai từ: tiền và quyền lực.
Theo ông, do gánh trên vai một dân số quá đông và một nền kinh tế phát triển quá nóng, Trung Quốc đến một thời điểm nhất định sẽ thiếu hụt nguồn năng lượng để phục vụ nhu cầu của mình. Biển Đông là một vùng có tiềm năng về nguồn năng lượng (dầu mỏ, khí đốt). Hiện nay, Trung Quốc đã bộc lộ rõ mưu đồ của mình khi tự cho phép mình tìm kiếm, thăm dò các mỏ dầu ngay trên những khu vực thuộc chủ quyền của các nước khác trong khu vực. Tiêu biểu là việc đưa vào sử dụng giàn khoan khổng lồ Dầu khí hải dương 981 trên biển Đông vào tháng 5-2012. Đồng thời, Trung Quốc lại ngăn cản các nước khác tiến hành thăm dò ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của mình vì sợ bị “hớt tay trên”. Đó là chưa kể những nguồn lợi về thủy sản, du lịch. Bắc Kinh thể hiện chủ quyền bằng cách dựa trên vài chứng cớ mơ hồ qua một vài tấm bản đồ không rõ nguồn gốc và những mảnh gốm “có xuất xứ từ Trung Quốc” mà họ nói là “nhặt” được trên các đảo có tranh chấp chủ quyền.
Trung Quốc cũng đang tìm cách độc chiếm ảnh hưởng ở khu vực này. Chiến lược “hướng về châu Á” của Mỹ đang khiến Bắc Kinh lo ngại.
Dự báo căng thẳng hiện nay có leo thang đến đỉnh điểm hay không, ông Andrew Billo cho rằng ổn định và phát triển là điều bất cứ quốc gia nào cũng muốn, vì thế gây xung đột thì không bên nào có lợi. Căng thẳng tại biển Đông sẽ dịu bớt khi Mỹ và Trung Quốc có dàn lãnh đạo mới vào cuối năm nay. Trong khoảng 10 năm tới, biển Đông sẽ vẫn yên bình. Nhưng sau thời gian đó, khi nhu cầu năng lượng của Trung Quốc lên mức đỉnh điểm thì không biết điều gì sẽ xảy ra. “Chìa khóa” để tháo gỡ giảm nhiệt căng thẳng leo thang, theo ông, vẫn nằm trong tay ASEAN. ASEAN và Trung Quốc cần thu hẹp các bất đồng để đi đến xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) làm khung pháp lý giải quyết các tranh chấp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận