19/02/2017 07:56 GMT+7

Biên đội tàu sân bay Mỹ bắt đầu tuần tra Biển Đông

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Thông báo ngày 18-2 của Hải quân Mỹ cho biết biên đội tácchiến thuộc tàu sân bay USS Carl Vinson đã bắt đầu tuần tra trên Biển Đông bất chấp sự phản đối từ Trung Quốc.

Tàu sân bay USS Carl Vinson (trái) và tàu hậu cần, tiếp liệu USNS Guadalupe ngày 18-2 - Ảnh: Hải quân Mỹ

Theo đó, nhóm tàu sân bay số 1 (CSG 1) bao gồm tàu sân bay USS Carl Vinson, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Wayne E.Meyer và các máy bay chiến đấu thuộc biên chế đã bắt đầu các hoạt động trên Biển Đông vào ngày hôm qua (18-2).

Trước khi xuất hiện tại Biển Đông, CSG 1 đã tiến hành các hoạt động huấn luyện ngoài khơi quần đảo Hawaii và Guam nhằm "duy trì và tăng cường tính sẵn sàng, đồng thời phát triển sự gắn kết giữa các tàu trên cơ sở là một nhóm tác chiến tấn công", thông báo của Hải quân Mỹ cho biết.

"Chúng tôi đang hướng tới việc phô diễn những khả năng của các lực lượng trong lúc vẫn tiếp tục xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ với các đồng minh, đối tác và bạn bè trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương", chỉ huy CSG 1 - Chuẩn đô đốc James Kilby nhấn mạnh.

Đây là lần thứ 16 tàu sân bay USS Carl Vinson được triển khai đến Biển Đông. Lần đầu tiên là vào năm 1983 và lần cuối cùng gần đây nhất là vào năm 2015 khi tham gia diễn tập cùng Hải quân và Không quân Malaysia.

Được thành lập vào năm 2009, CSG 1 gồm tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Carl Vinson, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke, USS Wayne E. Meyer và các máy bay chiến đấu thuộc Phi đoàn tàu sân bay số 2 (CW2).

Theo thông báo của Hải quân Mỹ, trong lúc hoạt động tại Biển Đông, nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson vẫn chịu sự chỉ huy và kiểm soát từ Hạm đội 3 của Mỹ với tổng hành dinh đặt tại thành San Diego, bang California, bờ tây nước Mỹ.

Đây là điều đáng lưu ý bởi theo cách phân chia khu vực của Hải quân Mỹ, Biển Đông nằm trong vùng biển chịu trách nhiệm của Hạm đội 7 đặt tại Nhật Bản.

Đây không phải là lần đầu tiên một tàu chiến thuộc Hạm đội 3 xuất hiện tại Biển Đông.

Tháng 10-2016, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Decatur đã thực hiện tuần tra xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp. Con tàu khi đó cũng chịu sự chỉ huy từ Hạm đội 3 ở bờ tây nước Mỹ.

"Ranh giới" giữa Hạm đội 3 và Hạm đội 7 trước đây là đường đổi ngày quốc tế nằm giữa Thái Bình Dương, nhưng nay nó đã dần bị xóa nhòa.

Sự xuất hiện của các tàu thuộc Hạm đội 3 tại khu vực của Hạm đội 7 là chỉ dấu cho thấy sự linh hoạt của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (Mỹ) khi "tận dụng năng lực của hai hạm đội, cho phép đội tàu của cả hai bổ sung cho nhau, từ đó tạo ra nền tảng cho sự ổn định ở khu vực châu Á - Thài Bình Dương - Ấn Độ Dương", Hải quân Mỹ khẳng định trong thông báo.

Trong một diễn biến liên quan trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 15-2 đã lên tiếng phản đối các hoạt động tuần tra của Mỹ tại khu vực đồng thời cho rằng Washington nên tôn trọng "sự ổn định" tại Biển Đông.

Hải quân Mỹ xuất hiện tại Biển Đông đúng vào thời điểm các nước ASEAN và Trung Quốc đang chuẩn bị cho vòng đàm phán mới về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) vào cuối tháng này tại Philippines.

Tổng hành dinh Hạm đội 7 Mỹ đặt tại căn cứ Yokosuka gần Tokyo, Nhật Bản và được xem là lực lượng hải quân mạnh bậc nhất châu Á với khoảng 80 tàu chiến các loại, bao gồm 1 tàu sân bay.

Trong khi đó, Hạm đội 3 sở hữu lực lượng hùng hậu hơn với 100 tàu các loại và 4 tàu sân bay. 

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên