Biên đội 3 tàu thuộc nhóm tác chiến tàu mặt nước đã được Hạm đội 3 Mỹ triển khai tới Biển Đông hồi tháng 4 - Ảnh: Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ |
Sự xuất hiện của tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Decatur ở gần quần đảo Hoàng Sa hồi tuần trước đã khiến Trung Quốc bực bội ra mặt. Thế nhưng, thông tin được Reuters tiết lộ ngày 25-10 có thể khiến Bắc Kinh thực sự lo ngại.
Tàu USS Decatur đã không nhận lệnh từ Bộ chỉ huy Hạm đội 7 Hải quân Mỹ đóng tại Nhật Bản như các tàu chiến đã được Washington triển khai tuần tra trên Biển Đông trước đó. Thực chất, mệnh lệnh đó đến từ bên kìa bờ tây Thái Bình Dương, chính xác là từ thành phố San Diego, bang California - nơi đặt Bộ chỉ huy Hạm đội 3 Hải quân Mỹ.
Người phát ngôn Hạm đội 3, sĩ quan Ryan Perry xác nhận tàu USS Decatur là một phần trong biên đội 3 tàu thuộc nhóm tác chiến tàu mặt nước đã được triển khai tới Biển Đông cách đây 6 tháng và chịu sự chỉ huy trực tiếp của Hạm đội 3.
Như vậy, đây là lần đầu tiên các tàu chiến của Hạm đội 3 Mỹ xuất hiện tại châu Á kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Một nguồn tin giấu tên khẳng định với Reuters rằng sự xuất hiện của biên đội tàu USS Decatur là chỉ dấu cho thấy Hạm đội 3 sẽ sớm hiện diện thường xuyên tại châu Á - khu vực vốn do Hạm đội 7 chịu trách nhiệm.
“Đây chỉ là giai đoạn đầu tiên của những hoạt động thường xuyên trong thời gian tới”, nguồn tin này nhấn mạnh.
Thực tế, những chỉ dấu cho sự trở lại và mở rộng ảnh hưởng của Hạm đội 3 ở châu Á - Thái Bình Dương đã bắt đầu xuất hiện từ năm ngoái. Hồi năm 2015, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Scott Swift từng tuyên bố rằng ranh giới giữa Hạm đội 7 và Hạm đội 3 trên Thái Bình Dương nên được xóa bỏ.
Các tàu của Hạm đội 3 sau đó dù có tiến qua ranh giới cũ giữa hai hạm đội nhưng phải chịu sự chỉ huy từ Hạm đội 7.
Một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc hồi đầu năm nay tiết lộ với Reuters rằng sẽ có thêm nhiều các tàu chiến thuộc Hạm đội 3 được triển khai tới khu vực Đông Á.
Reuters nhận định việc tổ chức lại ranh giới hạm đội đã cho phép các lực lượng của Hạm đội 3 giữ vai trò tuyến đầu trong chiến lược xoay trục của Mỹ sang châu Á, vốn đang bị kẹt bánh răng tại Philippines và là sự phản ứng cấp thiết trước những căng thẳng mới trên Biển Đông.
Thêm vào đó, việc Mỹ triển khai tàu chiến tới Biển Đông cũng được xem là thông điệp Washington muốn gửi tới chính quyền của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trước thái độ muốn xích lại gần Bắc Kinh của ông này.
Thông điệp này mang hai tầng ý nghĩa.
Thứ nhất, nó chứng minh cho các cam kết về an ninh của Mỹ với đồng minh tại châu Á. Philippines là một trong các quốc gia có hiệp ước đồng minh hiếm hoi với Mỹ. Mặc dù quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila đã trở nên khá nồng ấm sau chuyến thăm “phá băng” kéo dài 4 ngày của ông Duterte, song vấn đề bãi cạn Scarborough vẫn là bài toán khó giải giữa hai nước.
Thứ hai, chuyến tuần tra mới nhất đã một lần nữa bác bỏ yêu sách chủ quyền và đường 9 đoạn vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tổng hành dinh Hạm đội 7 Mỹ đặt tại căn cứ Yokosuka gần Tokyo, Nhật Bản và được xem là lực lượng hải quân mạnh bậc nhất châu Á với khoảng 80 tàu chiến các loại, bao gồm 1 tàu sân bay. Trong khi đó, Hạm đội 3 sở hữu lực lượng hùng hậu hơn với 100 tàu các loại và 4 tàu sân bay. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận