Chiều 9-1, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết 29 của Thành ủy TP.HCM, TP.HCM đạt được nhiều thành tựu về đổi mới giáo dục.
Trong đó, kết quả đáng lưu tâm nhất là TP đã tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với đổi mới giáo dục và đào tạo. Công tác phát triển đảng viên trong đội ngũ giáo viên, giảng viên, nhân viên được đẩy mạnh. Hiện nay, tỉ lệ giáo viên là đảng viên đạt 25,3% toàn ngành.
Đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Trong đó, TP.HCM ban hành nhiều cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch đề án triển khai giáo dục, đào tạo theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Theo đó, TP triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện nghị quyết 88 và nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
TP.HCM cũng tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, pháp luật và ý thức công dân. Đối với công tác này, TP.HCM thực hiện chương trình "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030".
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá báo cáo tổng kết đã nêu khá đầy đủ, trong đó có 9 kết quả trọng tâm, 7 hạn chế. Ông đề nghị các cơ quan tổ chức có trách nhiệm tiếp thu những kiến nghị của các phát biểu tham luận với rất nhiều nội dung phong phú, thiết thực để kịp thời tham mưu cho lãnh đạo chỉ đạo, điều hành trong thời gian tới.
"Một kết quả lớn đó là sau hơn 10 năm thực hiện nghị quyết 29 là sự chuyển biến về nhận thức, ý thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng xã hội và người dân về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo xu thế của thời đại và gìn giữ cốt cách truyền thống khuyến học, khuyến tài, tôn sư trọng đạo của dân tộc" - ông Nên đánh giá.
Bên cạnh đó, nhìn lại 10 năm TP.HCM thực hiện nghị quyết 29, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhận xét rằng công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo của TP.HCM vẫn còn nhiều người dân chưa thấu được. Giờ này nhiều người còn trách, còn buồn, họ chưa hiểu hết nội dung quyết tâm, nỗ lực phấn đấu cụ thể trong nghị quyết 29. Đó là do công tác truyền thông về đổi mới căn bản giáo dục toàn diện còn nhiều hạn chế.
Theo ông Nên, một trong những định hướng trong thời gian tới của TP.HCM là tiếp tục đầu tư xây dựng TP thành trung tâm lớn về giáo dục và đào tạo, chú trọng tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tiệm cận trình độ quốc tế, đáp ứng với quá trình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và hội nhập như nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đặt ra.
"Chúng ta phải nghiên cứu và đề xuất cho lãnh đạo thành phố các cơ chế chính sách để cải thiện, tạo điều kiện đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ nhà giáo, giúp các thầy cô yên tâm công tác, gắn bó với nghề, đồng thời thu hút được người giỏi vào ngành giáo dục" - Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên chỉ đạo.
Cần cơ chế đặc thù cho giáo dục đào tạo
Báo cáo tham luận tại hội nghị, ông Nguyễn Bảo Quốc - phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM - kiến nghị để thực hiện tốt hơn nữa về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, cần nhất là giảm sĩ số học sinh trên lớp xuống, tăng tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày.
Ông Quốc cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có cơ chế đặc thù cho TP.HCM trong lĩnh vực giáo dục đào tạo để TP.HCM vì hiện nay TP.HCM chưa có cơ chế đặc thù.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận