09/08/2017 08:51 GMT+7

Bị thu phí cầu đường quá cao, kiện ai?

TÂM LỤA - MẬU TRƯỜNG - THANH TÚ - DOÃN HÒA
TÂM LỤA - MẬU TRƯỜNG - THANH TÚ - DOÃN HÒA

TTO - Bức xúc với một số trạm thu phí cầu đường là chuyện kéo dài nhiều năm qua, nhưng đa số người dân vẫn không biết làm thế nào để được giải quyết thỏa đáng.

Rất nhiều xe tải không chịu đi qua trạm thu phí Cai Lậy mà rẽ vào các đường nông thôn để né trạm  - Ảnh: M.T.
Rất nhiều xe tải không chịu đi qua trạm thu phí Cai Lậy mà rẽ vào các đường nông thôn để né trạm - Ảnh: M.T.

Nổi lên gần đây nhất là việc các tài xế có nhiều phản ứng trước việc thu phí tại trạm Cai Lậy (Tiền Giang) mới được triển khai từ ngày 1-8.

Cách đây không lâu, tại TP Vinh (Nghệ An) cũng có tranh chấp dai dẳng giữa người dân với chủ đầu tư xung quanh việc thu phí cầu Bến Thủy và cầu Bến Thủy 2.

Phản ứng

Theo ông Nguyễn Phú Hiệp (giám đốc Công ty TNHH BOT Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang, chủ đầu tư dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy), từ khi đưa trạm thu phí vào hoạt động đến nay có khoảng 10 trường hợp tài xế đưa tiền lẻ để tỏ thái độ không đồng tình việc thu phí qua trạm.

Đó là chưa kể hàng ngàn xe đi đường vòng để né trạm.

Tại sao lại có chuyện như vậy? Trả lời câu hỏi này, tài xế Nguyễn Văn Luận (ở Đồng Tháp) cho biết mấy ngày qua mỗi lần đi qua trạm thu phí Cai Lậy đều rất ấm ức khi phải trả hơn 100.000 đồng/lượt.

“Tôi chở hàng lúa gạo từ Đồng Tháp lên Tiền Giang. Không đi trên đường tránh thị xã Cai Lậy thế mà vẫn phải đóng phí cao trên trời” - ông Luận kêu ca.

Cũng như ông Luận, nhiều tài xế khác đều khẳng định mức phí từ 35.000-180.000 đồng là quá cao so với hầu hết trạm thu phí khác, thậm chí có thể còn cao hơn với đường cao tốc.

Trả lời về việc tài xế phản ứng vì vị trí đặt trạm không hợp lý, ông Hiệp cho biết dự án BOT ở Cai Lậy có 2 thành phần, gồm phần tuyến tránh và phần bảo trì, tăng cường quốc lộ 1.

Phần tuyến tránh được đầu tư mới có chiều dài 12km, xây dựng mới 7 cây cầu với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng.

“Đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1 để thu phí cả xe đi trên quốc lộ 1 và xe đi trên tuyến đường tránh là hoàn toàn hợp lý. Chuyện đặt trạm cũng như mức phí được Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và UBND tỉnh Tiền Giang chấp thuận” - ông Hiệp nói.

Tương tự như sự việc ở trạm thu phí Cai Lậy, từ tháng 12-2016 và giữa tháng 3-2017, người dân ở Hà Tĩnh và Nghệ An liên tục căng băngrôn, biểu ngữ, dùng tiền mệnh giá nhỏ mua vé để phản đối trạm thu phí cầu Bến Thủy và cầu Bến Thủy 2.

Người dân nói họ “không đi mét đường BOT nào của Cienco 4” nhưng vẫn phải mua vé qua trạm thu phí (hai trạm có khoảng cách chưa đầy 2km) là vô lý.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh (tổng giám đốc Cienco 4, chủ đầu tư) lý giải vị trí đặt hai trạm thu phí là phương án tối ưu, được các bộ ngành, chính quyền địa phương thống nhất trong quá trình xây dựng dự án. Việc di dời trạm sẽ ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án.

Trước tình hình căng thẳng, Bộ GTVT phải đồng ý giảm 100% phí sử dụng đường bộ qua trạm Bến Thủy cho người dân sống hai bên cầu.

Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh cho hay việc điều chỉnh miễn phí cho người dân hai bên cầu để đảm bảo lợi ích của người dân nhưng làm phá vỡ hợp đồng BOT mà chủ đầu tư ký kết với Nhà nước trước đó.

Hai sự việc nêu trên chỉ là những điển hình trong không ít vụ tranh chấp lúc bùng phát, lúc âm ỉ diễn ra ở một số trạm thu phí, nhiều vụ cho tới nay vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.

Một số tài xế phản ứng trạm thu phí Cai Lậy bằng cách bỏ tiền lẻ vào chai nước để mua vé qua trạm thu phí - Ảnh: M.T.
Một số tài xế phản ứng trạm thu phí Cai Lậy bằng cách bỏ tiền lẻ vào chai nước để mua vé qua trạm thu phí - Ảnh: M.T.

Kiện được không?

Theo luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP Hà Nội), nếu người dân không đồng tình với việc thu phí ở một trạm nào đấy thì có thể khởi kiện nhưng kiện ai là điều cần phải tính toán.

Kiện doanh nghiệp là chủ đầu tư thì không đúng. Họ không có quyền đặt giá vé hay được thu bao nhiêu năm để hoàn vốn, điều này do Nhà nước ấn định. Cho nên người dân muốn kiện thì bị đơn sẽ là cơ quan có thẩm quyền quyết định cho doanh nghiệp làm đường được thu phí.

Thủ tục khởi kiện theo tố tụng hành chính. Ông Ứng lưu ý trước khi kiện, người dân nên khiếu nại các quyết định của cơ quan nhà nước trước, khi nào khiếu nại không được chấp nhận thì mới khởi kiện ra tòa.

Ở góc nhìn khác, TS Đinh Thế Hưng (trưởng phòng pháp luật hình sự Viện nhà nước và pháp luật, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng đúng là người dân có quyền khởi kiện cơ quan ra quyết định cho phép đặt trạm thu phí khi không đồng tình với việc thu phí, nhưng hiện nay chưa có luật quy định nên khởi kiện dân sự hay hành chính về vấn đề này.

Đồng tình với ông Hưng, TS Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng nói hiện nay chưa có cơ chế rõ ràng về việc người dân khởi kiện ai, khởi kiện như thế nào nếu không đồng tình với việc thu phí BOT.

Dự án BOT trên quốc lộ, mức thu phí sẽ do Bộ Tài chính, Bộ GTVT quyết định. Ở địa phương, hội đồng nhân dân là đơn vị được quyền thông qua mức phí này. Theo ông Lịch, hiện chưa có cơ chế nào cho phép người dân kiện hội đồng nhân dân.

“Tôi không khuyên người dân phải hướng đến giải pháp kiện tụng bởi cơ chế chưa rõ ràng. Điều quan trọng là Chính phủ phải có biện pháp để giải quyết vấn đề này.

Tôi đã kiến nghị rất nhiều lần là Chính phủ phải hướng tới nguyên tắc để người dân có sự lựa chọn. Người nào muốn thuận lợi hơn, muốn đi đường tốt hơn thì họ trả tiền. Nếu không muốn trả tiền thì họ vẫn có đường khác để đi.

Không nên tạo ra con đường độc đạo rồi thu phí quá cao, khiến người dân phải cắn răng chịu trong suốt mấy chục năm” - TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Đảm bảo hài hòa lợi ích các bên

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, chỉ đạo chung của Thủ tướng rà lại mức thu phí các trạm BOT để đảm bảo mức phí hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Đối với những người dân ở gần khu vực trạm thu phí BOT bị tác động nhiều bởi trạm thu phí thì Bộ GTVT phối hợp với địa phương cho rà lại số lượng xe cụ thể trong bán kính nhất định gần trạm thu phí. Sau đó gặp gỡ nhà đầu tư, tổng hợp kiến nghị của người dân để trao đổi về việc giảm phí, điều chỉnh thời gian thu phí.

Nếu người dân không đồng ý, vẫn kiện cáo thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền với dự án BOT như Bộ GTVT hay UBND tỉnh xem xét.

TUẤN PHÙNG

Không xử lý tài xế đưa tiền lẻ

Đại tá Trương Văn Sáng (trưởng Công an huyện Cai Lậy, nơi có trạm thu phí BOT Cai Lậy) cho biết cho tới thời điểm này chưa có văn bản hướng dẫn nào yêu cầu xử lý hình thức gì đối với chuyện tài xế dùng tiền lẻ để đóng phí qua trạm.

Ngay cả khi tài xế thực hiện hành vi này nhiều lần cũng không xử lý họ được. Việc công an thu thập số xe đưa tiền lẻ chỉ là để nắm tình hình nhằm làm công tác vận động chứ không phải để xử phạt.

TÂM LỤA - MẬU TRƯỜNG - THANH TÚ - DOÃN HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên