Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đưa ra 8 lý do mà nhà đầu tư nên đầu tư vào TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Trong đó, ông Nhân nhấn mạnh các ưu thế của TP.HCM như đây là TP đông dân, có ngôn ngữ, văn hóa và ẩm thực đa dạng, có lượng khách hàng đến để tiêu thụ sản phẩm. Lượng khách hàng này còn đến từ các tỉnh ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và hơn 500 triệu dân ở các quốc gia ASEAN. Ngoài ra, TP.HCM nói riêng và VN nói chung đang có lợi thế về lực lượng lao động (54 triệu lao động, 55% dân số ở tuổi lao động).
Ông Nhân cho biết TP.HCM có đủ nguồn lao động, đây là lực lượng lao động tốt nhưng chi phí thấp hơn các nước. Bên cạnh đó, lực lượng sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng lớn kèm hơn 500 trung tâm nghiên cứu khoa học sẽ là điều kiện tốt cho các nhà đầu tư. Theo ông Nhân, TP đang và sẽ là địa phương có hạ tầng tốt nhất cả nước, TP sẽ tiếp tục số hóa tài nguyên của mình.
Ngoài ra, TP.HCM sẽ xây dựng khu đô thị sáng tạo ở phía Đông TP, tiếp tục đẩy nhanh thực hiện đô thị thông minh, hoàn thiện hạ tầng giao thông và thực hiện 6 tuyến metro ở TP. "Nếu không phát triển giao thông đồng bộ, kinh tế TP.HCM bị kìm hãm" - Bí thư nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết TP là địa phương dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng GDP, đóng góp trung bình hằng năm khoảng 22% tổng sản phẩm quốc nội, 1/3 tổng sản lượng công nghiệp, 1/3 tổng thu ngân sách và 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Ông Nguyễn Thành Phong cam kết lãnh đạo TP.HCM sẽ làm hết sức mình để bảo đảm môi trường chính trị - xã hội ổn định, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư - Ảnh: TỰ TRUNG
Ông Phong cam kết lãnh đạo TP.HCM sẽ làm hết sức mình để bảo đảm môi trường chính trị - xã hội ổn định, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động ổn định, lâu dài và hiệu quả tại TP.HCM.
Ông Phong mời gọi đầu tư vào 210 dự án với tổng nhu cầu vốn mời gọi gần 1,2 triệu tỉ đồng, trong đó chủ yếu là lĩnh vực hạ tầng giao thông với 85 dự án (923.630 tỉ đồng).
Cũng tại hội nghị, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - cho biết trong hơn 2 năm qua, TP.HCM có hơn 150 dự án bị rà soát, thanh tra. Cho đến nay, 124 dự án (chiếm 78%) số dự án bị rà soát đã được hoạt động trở lại bình thường. Ngoài ra, ông Châu cũng cho biết TP.HCM vẫn còn tồn tại những bất cập, chủ yếu là tình trạng quá tải hệ thống hạ tầng đô thị, ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường sống...
"Thị trường bất động sản phát triển chưa lành mạnh, chưa ổn định, chưa bền vững. Rất thiếu loại căn hộ có giá vừa túi tiền, thiếu nhà ở xã hội, nhất là nhà cho thuê giá thấp để đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị và người nhập cư" - ông Châu nói.
Thay mặt hiệp hội, ông Châu đề nghị UBND TP chỉ đạo bổ sung thêm các dự án mời gọi đầu tư như dự án đô thị sáng tạo phía đông TP.HCM, dự án Bình Qưới - Thanh Đa, dự án Nam Kênh Đôi, dự án Rạch Xuyên Tâm, các dự án cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ...
Là một doanh nghiệp nước ngoài có nhiều dự án tại TP.HCM, ông Linson Lim (chủ tịch Tập đoàn Keppel Land) mong muốn các cấp chính quyền sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài giảm thiểu rủi ro đầu tư và hoạt động thông qua sự rõ ràng của các chính sách, việc minh bạch hóa các quy trình phê duyệt dự án.
Còn ông Harold Chen (phó chủ tịch Tập đoàn Alpha King) đề xuất được TP.HCM chấp thuận cho phép Alpha King và Công ty TNHH Build Your Dream (BYD - đối tác của Tập đoàn Alpha King tại Việt Nam) nghiên cứu đầu tư xây dựng đường sắt trên cao (BYD Sky Rail) tuyến số 1 và số 2.
TP.HCM mời gọi đầu tư vào 210 dự án
Tại hội nghị, TP.HCM đã giới thiệu, mời gọi đầu tư vào tổng cộng 210 dự án, với tổng nhu cầu vốn đầu tư là 1.183.610 tỉ đồng, tương đương trên 53 tỉ USD, gồm các lĩnh vực: hạ tầng giao thông; cơ sở hạ tầng; nông nghiệp; thương mại – dịch vụ; chỉnh trang đô thị; giáo dục; y tế; văn hóa – thể thao; du lịch – giải trí.
Trong đó, lĩnh vực hạ tầng giao thông có 85 dự án, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 923.630 tỉ đồng, tương đương trên 41,9 tỉ USD, bao gồm: 55 dự án cầu – đường bộ, 7 dự án giao thông đường thủy, 8 dự án đường sắt nội đô, 15 dự án đường bộ nội bộ.
Lĩnh vực cơ sở hạ tầng có 36 dự án, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 108.023 tỉ đồng, bao gồm: 4 dự án bãi đậu xe, 28 dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị, 4 dự án giảm ngập nước.
Lĩnh vực nông nghiệp có 2 dự án, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 1.600 tỉ đồng.
Lĩnh vực thương mại – dịch vụ có 9 dự án, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 16.382 tỉ đồng.
Lĩnh vực chỉnh trang đô thị có 29 dự án, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 46.950 tỉ đồng.
Lĩnh vực giáo dục có 14 dự án, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 3.046 tỉ đồng.
Lĩnh vực y tế có 6 dự án, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 13.079 tỉ đồng.
Lĩnh vực văn hóa – thể thao có 15 dự án, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 68.190 tỉ đồng.
Lĩnh vực du lịch – giải trí có 14 dự án, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 2.710 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận