05/04/2018 14:06 GMT+7

Bị phạt 1- 3 triệu đồng nếu không giúp người khuyết tật

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Đề xuất phạt 1-3 triệu đồng với những ai không giúp đỡ, sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện cho người khuyết tật và người cao tuổi khi tham gia giao thông đang khiến dư luận quan tâm.

Bị phạt 1- 3 triệu đồng nếu không giúp người khuyết tật - Ảnh 1.

Các phương tiện giao thông công cộng không được từ chối chuyên chở người khuyết tật - Ảnh: TL

Bộ Lao động, thương binh và xã hội đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Liên quan đến các vi phạm quy định về tham gia giao thông của người khuyết tật, người cao tuổi, dự thảo nghị định mức phạt 1-3 triệu đồng đối với các hành vi như: không miễn, giảm giá vé, dịch vụ cho người khuyết tật; không ưu tiên bán vé cho người khuyết tật, người cao tuổi.

Mức phạt trên cũng áp dụng cho trường hợp không giúp đỡ, sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện cho người khuyết tật, người cao tuổi; từ chối chuyên chở người khuyết tật hoặc từ chối chuyên chở phương tiện, thiết bị hỗ trợ phù hợp của người khuyết tật.

Tuy nhiên, sau khi dự thảo được đưa ra, có ý kiến cho rằng các hành động trên mang tính tự nguyện, là vấn đề đạo đức, ý thức của mỗi cá nhân nên không thể đưa vào chế tài xử phạt. 

Thay vào đó, cần phải tăng cường giáo dục để mọi người tự nguyện đối xử với nhau chứ không phải xử phạt.

Cũng có ý kiến cho rằng quy định này không khéo sẽ bị lợi dụng, trục lợi. Chẳng hạn, các đối tượng trên sẽ lợi dụng để xin đi nhờ xe miễn phí, hay xin tiền mọi người…

Bị phạt 1- 3 triệu đồng nếu không giúp người khuyết tật - Ảnh 2.

Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em đang được Bộ LĐTB&XH lấy ý kiến tại molisa.gov.vn đến ngày 16-5 (Đ.BÌNH)

Trước những thắc mắc trên, ông Hà Đình Bốn - vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTB&XH, đơn vị xây dựng dự thảo - cho biết đây mới chỉ là dự thảo, được bộ đưa công khai lên mạng để lấy ý kiến toàn dân nhằm lắng nghe góp ý để hoàn thiện quy định.

Theo ông Bốn, quy định xử phát các hành vi kể trên được đơn vị soạn thảo nghiên cứu và căn cứ vào các quy định của Luật người khuyết tật, nghị định của chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật này.

Theo đó, người khuyết tật được ưu tiên, tạo điều kiện và miễn giảm trong nhiều trường hợp như đi lại, học tập, việc làm…

"Mức xử phạt từ 1-3 triệu mà chúng tôi đưa ra cũng không quá cao, mục đích chính không phải  xử phạt mà mang tính răn đe, giáo dục nhiều hơn. Không phải hành vi nào cũng bị phạt. Mỗi hành vi vi phạm thì cũng phải có mức xử phạt, nhưng đây chỉ là những mức phạt nhẹ, mang tính răn đe", ông Bốn nói.

Cũng theo ông Bốn, người khuyết tật tùy mức độ đều đã được nhà nước bảo trợ, đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội, hoặc nhận được các mức hỗ trợ khác nhau.

Việc đi lại của người khuyết tật được ưu tiên, hỗ trợ, nhưng nếu người khuyết tật lợi dụng chính sách này để trục lợi, hay ai lợi dụng việc này để trục lợi người khuyết tật thì pháp luật cũng đã có những quy định để xử lý.

Cũng tại dự thảo nghị định này, cơ quan soạn thảo đề xuất mức phạt 3-5 triệu đồng cho các hành vi: kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật; cản trở quyền kết hôn của người khuyết tật; cản trở quyền nuôi con của người khuyết tật; cản trở người khuyết tật sống độc lập, hòa nhập cộng đồng; cản trở người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội.

Riêng các hành vi xâm phạm thân thể của người khuyết tật; xâm phạm nhân phẩm, danh dự của người khuyết tật… có thể bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.

Người khuyết tật một chân bị cấm lái ôtô? Người khuyết tật một chân bị cấm lái ôtô?

TTO - Sở GTVT Đắk Lắk từ chối cho người bị khuyết tật một chân thi sát hạch bằng lái B1 khiến người thi bức xúc bởi giấy khám sức khỏe ghi rõ “đảm bảo sức khỏe học lái xe bằng B1”.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên