Phóng to |
Hiện trường vụ cháy tại Webster, New York sau khi tay súng William Spengler (ảnh nhỏ) bắn vào lính cứu hỏa Ảnh: Reuters |
Mỹ: đốt nhà, bắn chết 2 lính cứu hỏaThảm sát ở trường tiểu học rúng động nước Mỹ
Theo CNN, bi kịch xả súng mới xảy ra rạng sáng 24-12 tại thị trấn Webster thuộc bang New York. Lửa bốc lên ngùn ngụt từ một ngôi nhà. Những người lính cứu hỏa chạy đến hiện trường để dập lửa. Họ không ngờ rằng có một tay súng đang phục sẵn ở đó. Bốn lính cứu hỏa bị bắn, hai người chết tại chỗ.
Cảnh sát cho biết sát thủ là William Spengler, 62 tuổi. Nhiều khả năng hắn đã tự đốt nhà để dụ lính cứu hỏa đến rồi bắn họ. Sau khi thực hiện tội ác, Spengler đã kê súng vào đầu tự sát. Người em gái ở cùng với hắn hiện mất tích. Các nhà điều tra chưa xác định được động cơ của vụ bắn giết này.
Đổ dầu vào lửa
Báo New York Times cho biết Spengler đã có tiền án: bị kết tội ngộ sát bà mình năm 1980 và phải ngồi tù 17 năm. Được trả tự do năm 1998, ông ta vẫn nằm trong diện bị giám sát đến năm 2006. Cảnh sát tìm thấy ba khẩu súng bên thi thể của Spengler, trong đó có khẩu súng trường hắn sử dụng để gây án. Chưa rõ bằng cách nào Spengler sở hữu những khẩu súng này. Theo luật Mỹ, kẻ bị kết tội giết người bị cấm sở hữu súng.
Vụ xả súng như đổ thêm dầu vào ngọn lửa chống bạo lực súng đạn tại Mỹ sau thảm kịch ở Trường tiểu học Sandy Hook. Báo Huffington Post dẫn lời hạ nghị sĩ Louise Slaughter khẳng định vụ bắn giết ở Webster là một lý do nữa để nước Mỹ thắt chặt luật kiểm soát súng đạn. “Đất nước chúng ta phải xử lý vấn đề bạo lực súng đạn tràn lan - bà Slaughter nhấn mạnh - Quốc hội phải sớm thông qua một điều luật toàn diện để chấm dứt tình trạng bạo lực vô nghĩa này”.
Bộ trưởng tư pháp bang New York Eric Shneiderman tuyên bố: “Chúng ta cần đảm bảo những kẻ nguy hiểm không thể tiếp cận được với vũ khí chết người”. Sau vụ xả súng ở Connecticut, bang New York đã lên kế hoạch thông qua luật kiểm soát vũ khí nghiêm ngặt vào cuối tháng này hoặc đầu năm 2013.
Thống đốc New York Andrew Cuomo khẳng định bang New York cần những quy định kiểm soát súng đạn ngặt nghèo hơn. Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đặt mục tiêu đưa ra các đề nghị kiểm soát vũ khí vào tháng 1-2013. Một số nghị sĩ Đảng Dân chủ cũng tuyên bố sẽ trình lên quốc hội luật cấm súng trường có khả năng sát thương cao.
Tuy nhiên, phản ứng của những người ủng hộ quyền sở hữu súng đạn tại Mỹ cũng rất dữ dội. Hiệp hội Súng trường quốc gia (NRA), tổ chức vận động hành lang cho ngành công nghiệp súng đạn, mới đây đã đưa ra giải pháp “lấy độc trị độc” khi đòi chính phủ vũ trang cho tất cả các trường học trên toàn quốc.
Theo Reuters, mới đây hơn 48.000 người đã ký vào đơn kiến nghị được đưa lên trang web của Nhà Trắng đòi “trục xuất ngay lập tức” nhà báo người Anh Piers Morgan của CNN, thậm chí còn kết tội hành động của nhà báo này là “một cuộc tấn công thù nghịch vào hiến pháp Mỹ khi nhắm bắn vào Tu chính án 2”. Năm ngày sau vụ thảm sát ở Connecticut, ông Morgan đã gọi ông Larry Pratt, giám đốc Tổ chức những người sở hữu súng Mỹ (GOA), là “ngu xuẩn không sao tưởng tượng nổi”. Tranh cãi đã xảy ra khi ông Pratt cho rằng cần nhiều súng hơn để đấu tranh với tội phạm ở Mỹ.
Một nghịch lý đang diễn ra ở Mỹ: doanh số bán súng đạn đã tăng vọt sau vụ thảm sát ở Sandy Hook do lo ngại súng đạn sẽ bị hạn chế. Nhu cầu mua những băng đạn có nhiều đạn đã tăng đến mức “chưa từng có trước đó”, như thú nhận của Peter Brownell. Trong ba ngày qua, hãng chuyên cung cấp đạn và các thiết bị kèm theo của ông đã bán được một lượng hàng tương
đương ba năm rưỡi qua. Việc kinh doanh ăn theo vụ thảm sát ở Sandy Hook như cặp chống đạn cũng tăng vọt. “Sau vụ thảm sát ở Newtown, doanh số của chúng tôi đã tăng gấp 10 lần” - Richard Craig, giám đốc Công ty Amendement II, cho biết.
Quản lý súng đạn toàn cầu
Ngày 24-12, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua việc nối lại các cuộc đàm phán về dự thảo hiệp ước quốc tế nhằm quản lý hoạt động thương mại vũ khí thông thường toàn cầu, một thị trường trị giá 70 tỉ USD. Đây là hiệp ước bị NRA phản đối kịch liệt. Theo AFP, có tất cả 133 nước bỏ phiếu thuận, không có nước nào bỏ phiếu chống và 17 nước vắng mặt.
Vòng đàm phán cuối cùng dự kiến diễn ra từ ngày 18 đến 28-3-2013 tại New York (Mỹ). Ngoại trưởng các nước Argentina, Úc, Costa Rica, Phần Lan, Nhật Bản, Kenya... tuyên bố: “Đây là một tín hiệu rõ ràng cho thấy đại đa số các nước thành viên Liên Hiệp Quốc ủng hộ một hiệp ước mạnh mẽ, cân bằng và hiệu quả”.
Reuters cho biết trước đó nhiều người chỉ trích việc đàm phán bị sụp đổ hồi tháng 7-2012 phần lớn là do Tổng thống Obama sợ bị ứng cử viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney công kích trước bầu cử. Tuy nhiên, sau khi ông Obama tái đắc cử, chính quyền Mỹ đã cùng với các thành viên của một ủy ban Liên Hiệp Quốc ủng hộ việc nối lại đàm phán về hiệp ước này.
Mỹ là nước buôn bán vũ khí hàng đầu thế giới, chiếm hơn 40% lượng vũ khí chuyển giao trên toàn cầu. Do đó, phó chủ tịch NRA Wayne LaPierre tuyên bố: “Bất cứ hiệp ước nào hạn chế sở hữu vũ khí dân sự đều sẽ bị NRA cực lực phản đối”. Quan điểm này được nhiều nghị sĩ Mỹ ủng hộ. Tuy nhiên, không rõ liệu NRA có còn giành được sự ủng hộ của các nghị sĩ hay không, nhất là sau vụ xả súng ở trường tiểu học tại Connecticut.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận