09/09/2011 09:11 GMT+7

Bi kịch "hậu 11-9"

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Có nhiều cách đánh giá vụ 11-9-2001. Trước ngày kỷ niệm mười năm thảm họa này, dư luận Mỹ đã và đang chỉ trích các chính sách “hậu 11-9” của chính quyền Bush như là nguyên nhân dẫn đến thảm họa công nợ hiện nay, nhất là khi đã có những quan hệ hữu cơ giữa chính quyền này với một số giới tài phiệt “cánh hẩu”.

Kẻ chịu báng nhiều nhất là phó tổng thống Dick Cheney, người vừa “chọc giận thiên hạ” (trong đó có hai cựu ngoại trưởng cùng thời là Powell và Rice) với quyển hồi ký Vào thời của tôi.

Wolf Blitzer của CNN hôm 6-9 đã “đóng đinh” ông này: “Dick Cheney nói rằng lúc đó chính quyền Bush không có chọn lựa nào khác hơn khi tiêu cả núi của làm cho thâm hụt ngân sách tăng vọt!”. Khi Wolf Blitzer cật vấn lương tâm ông Cheney: “Điều gì ông ân hận nhất trong tám năm làm phó tổng thống?”, ông này bác bỏ: “Tôi tự hào về các chính sách chúng tôi đã đưa ra. Và tôi không tạ tội bất cứ điều gì”. Buộc Wolf Blitzer hỏi: “Khi các ông lên nắm quyền, ngân sách thặng dư rõ rệt. Khi các ông rời nhiệm sở, gánh nợ quốc gia tăng gấp đôi, nền kinh tế rơi vào thiểu phát. Trách nhiệm cá nhân ông trong thảm họa kinh tế này là bao nhiêu?”.

Ông Cheney đổ thừa: “Chúng tôi phải đối diện với cái chết của 3.000 người Mỹ, phải tiến hành nhiều chương trình to tát, lập ra một bộ mới - bộ an ninh nội địa...Tốn hao vô số tiền để bảo vệ đất nước chống lại một vụ tấn công khác tương tự. Rồi thì hai cuộc xung đột lớn ở Afghanistan và Iraq. Nhất thiết cần phải hao tốn, không có cách nào khác”. Đến đây, Blitzer hỏi: “Có bao giờ ông nghĩ đến việc cắt giảm chi tiêu cho mọi khoản chi tiêu bổ sung này không? Vấn đề không chỉ là cuộc chiến chống khủng bố. Có những khoản thuế đáng kể đã được cắt giảm mà không đem lại lợi lộc gì. Vụ cắt thuế năm 2003 đã gây tác động đáng kể lên gánh nợ quốc gia... khiến từ chỗ chỉ đang nợ 5.000 tỉ USD, khi các ông ra đi đã vọt lên hơn 10.000 tỉ. Không phải chỉ do hậu quả của hai cuộc chiến tranh và cuộc chiến chống khủng bố, mà đơn giản là do phung phí”.

Còn nhớ tháng 4-2003, tổng thống Bush loan báo: “Chúng ta cần miễn giảm thuế ít nhất khoảng 550 tỉ USD để đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng. Người lao động và giới kinh doanh Mỹ cần từng chút hỗ trợ đó để cho ai đang tìm việc có thể kiếm được chỗ làm”. Kế hoạch này đã được ban hành với cái giá là Bộ trưởng tài chính Paul H. O’Neil bị bay chức. Ông này, trong chức trách “tay hòm chìa khóa” nhà nước, đã can gián rằng đã thâm thủng 158 tỉ USD rồi, đừng dấn vào khủng hoảng tài khóa nữa. Phó tổng thống Cheney, người chủ trương cắt thuế, đã quạt ngay ông O’Neil: “Thâm thủng ngân sách mà nhằm nhò gì!”.

Gói “giải cứu” đó đã không tạo ra công ăn việc làm như đã hứa. Ngay từ năm 2004, tiến sĩ Jack Rasmus, đấu tranh cho người lao động Mỹ, đã tố cáo sự dối trá này: “Trong ba năm đầu của trào Bush, hơn 3 triệu chỗ làm ở Mỹ đã biến mất. Từ cuộc đại suy thoái năm 1930, chưa bao giờ nước Mỹ chứng kiến việc làm bị mất đi như thế trong ba năm liên tiếp! Trong khi đó, 80% của hai đợt cắt giảm thuế giữa năm 2001 và 2003, tổng trị giá 2.100 tỉ USD, đã đi thẳng vào túi những ai có thu nhập trên 147.000 USD/năm! Theo tiến sĩ Rasmus, tác giả của Cuộc chiến tranh trong nước: Cuộc tấn công của Bush cùng các tập đoàn chống lại người lao động Mỹ cùng các nghiệp đoàn (2006), giai cấp lao động Mỹ chiếm đến 84% số người dân đóng thuế song thu nhập của họ phần lớn lại chưa đến 40.000 hoặc 50.000 USD/năm. Chỉ cần Chính phủ Mỹ đầu tư 20% của số 2.100 tỉ USD, tức 440 tỉ USD, trực tiếp cho các nỗ lực tạo công ăn việc làm thì đã có được gần 9 triệu chỗ làm mới rồi, tiến sĩ Rasmus quả quyết.

Bi kịch “hậu 11-9” của Mỹ cũng là của một số nước bấy lâu nay. Các gói “giải cứu” thường gắn với các tập đoàn cùng các nhóm lợi ích. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và (thậm chí) nhỏ lại tạo ra nhiều công ăn việc làm và dễ hơn!

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên