05/05/2012 06:33 GMT+7

Bị khởi tố sai, doanh nghiệp kêu trời

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Vi phạm hành chính trong kinh doanh thuốc nhưng bị quy kết thành vụ án hình sự, Công ty Imexpharm và Stada VN nói gì khi Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an hủy quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện đối với họ?

Khởi tố vụ án vi phạm quy định quản lý, sử dụng thuốcHủy quyết định khởi tố vụ án đối với Công ty Stada VN

lhDGxjl5.jpgPhóng to
Vận hành sản xuất thuốc tại Công ty Stada VN - Ảnh tư liệu công ty

Ông Ong Văn Dũng - tổng giám đốc Công ty liên doanh TNHH Stada VN (liên doanh với Tập đoàn Stada AG, Đức) - vừa cho biết phòng pháp lý của Tập đoàn Stada AG đang tổng hợp, đánh giá những thiệt hại xảy ra cho Công ty Stada VN. Tổng hợp xong, Tập đoàn Stada AG sẽ chính thức đặt vấn đề trách nhiệm đối với một số cá nhân của Cục Quản lý dược và Thanh tra Bộ Y tế đã trực tiếp gây ra hậu quả nghiêm trọng cho doanh nghiệp.

Kiến nghị nhưng không được xem xét

Bà Trần Thị Đào - tổng giám đốc Công ty Imexpharm và ông Ong Văn Dũng khẳng định: “Trước khi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47) Bộ Công an khởi tố vụ án, trong rất nhiều kiến nghị gửi đến Bộ Y tế, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao... chúng tôi đã chứng minh bằng các văn bản quy phạm pháp luật, bằng hồ sơ đăng ký thuốc là các thuốc của chúng tôi sản xuất không phải thuốc gây nghiện. Thế nhưng, đơn thư kiến nghị của chúng tôi không được xem xét”.

Theo bà Đào, tháng 7-2011, do bức xúc trước những hiện tượng có dấu hiệu tiêu cực, thiếu công bằng của cơ quan quản lý nhà nước về dược thuộc Bộ Y tế, đặc biệt là sự bất thường trong việc cấp phép nhập khẩu tiền chất PSE tăng đột biến trong sáu tháng đầu năm 2011, bà Đào và ông Dũng cùng năm doanh nghiệp dược khác đồng ký tên vào đơn kiến nghị gửi đến cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét, chấn chỉnh việc này. Ngay sau đó, nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng đến làm việc với các doanh nghiệp ký đơn kiến nghị.

Đáng lưu ý, ngày 12-1-2012, Thanh tra Chính phủ mới có kết luận chính thức việc thực hiện quản lý nhà nước về dược của Bộ Y tế (trong đó có kết quả thanh tra các doanh nghiệp dược) nhưng trước đó hơn hai tháng (ngày 7-11-2011), Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ vụ việc của Imexpharm sang C47 đề nghị xem xét, xử lý vì “có dấu hiệu buôn lậu dược phẩm gây nghiện, hướng tâm thần, tiền chất qua biên giới và bán thuốc gây nghiện không đúng đối tượng”.

Ông Ong Văn Dũng cho biết ngày 16-9-2011, Bộ Y tế cử đoàn thanh tra của bộ đến thanh tra Công ty Stada VN, trong đoàn này có cả đại diện của C47. Trong tháng 10 và 11-2011, Stada VN còn tiếp hai đoàn của Thanh tra Chính phủ và C47. Cả ba đoàn đều ghi nhận Stada VN xuất khẩu thuốc chính thức qua hải quan các thuốc thành phẩm có chứa hoạt chất gây nghiện, tiền chất nhưng chưa có giấy phép của Bộ Y tế và xác định giá trị xuất khẩu ba mặt hàng này trong ba năm (2009, 2010, 2011) khoảng 30 triệu đồng. Vì sai sót này, Thanh tra Bộ Y tế đã đề xuất xử phạt vi phạm hành chính 20 triệu đồng. Tuy nhiên, Stada VN vẫn bị khởi tố vụ án hình sự.

Thiệt hại nặng

Theo bà Đào, sau khi C47 khởi tố vụ án hình sự, ngoài những thiệt hại vật chất có thể tính toán được, Imexpharm còn gánh chịu những thiệt hại vô hình do thương hiệu, uy tín bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các đối tác liên doanh ngần ngại hợp tác với Imexpharm. Các nhà đầu tư, cổ đông lo lắng vì sợ rủi ro về luật pháp nên e ngại đầu tư vào cổ phiếu Imexpharm (IMP). Công ty phải mất nhiều công sức để giải thích, chứng minh cho khách hàng và đối tác hiểu bản chất sự việc.

Ông Dũng cũng bức xúc nói sau khi C47 công bố quyết định khởi tố công ty, các khách hàng trong và ngoài nước bắt đầu đặt nghi vấn về đạo đức nghề nghiệp của công ty. Đặc biệt, các ngân hàng lập tức xem xét lại việc cho vay vốn. Đối với đối tác nước ngoài của công ty - Tập đoàn Stada AG - gặp bất lợi trên thị trường chứng khoán Đức.

Stada AG đã ngưng một số hợp đồng xuất khẩu trước đây để ngăn ngừa các rủi ro. Cụ thể, Stada AG cắt hợp đồng sản xuất mặt hàng Pantoprazol 40mg với số lượng 100 triệu viên/năm, tương đương hàng trăm tỉ đồng của Stada VN, gây thiệt hại nặng về doanh số. Stada AG cũng đang xem xét việc chuyển các sản phẩm mà Công ty Stada VN đang sản xuất và xuất khẩu sang Đức cho các đối tác khác sản xuất. “Nghiêm trọng hơn, do không chờ được kết luận điều tra của Bộ Công an, báo cáo kiểm toán niên độ tài chính 2011 của Ernst & Young thực hiện chung cho Tập đoàn Stada đã phải kết luận là hoạt động của Công ty Stada VN hàm chứa nhiều rủi ro. Khi kết quả này được công bố thì thiệt hại chung của tập đoàn sẽ rất lớn” - ông Dũng nói.

Gần bốn tháng sau khi bị khởi tố vụ án, bà Đào và ông Dũng đã đi “gõ cửa” khắp nơi, gửi nhiều đơn kêu oan đến các cơ quan có thẩm quyền. Chỉ đến khi Bộ Y tế có văn bản xác nhận với C47, Bộ Công an các thuốc của hai công ty này không phải là thuốc gây nghiện thì vụ việc mới được sáng tỏ, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an mới hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với hai công ty.

Cơ quan quản lý có trách nhiệm gì?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ có trách nhiệm của Bộ Y tế cho rằng trong trường hợp sự bất nhất về chính sách làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp như vụ việc Công ty Imexpharm và Stada bị khởi tố, nếu làm nghiêm, Bộ Y tế phải rút kinh nghiệm.

Theo cán bộ này, cách “rút kinh nghiệm” là sửa các văn bản hướng dẫn liên quan đến quản lý thuốc gây nghiện, hướng thần cho rõ ràng, quy định hiện thời phải “tinh” mới hiểu được. Khi được hỏi Bộ Y tế có lỗi gì khi bộ và các cơ quan trực thuộc có các văn bản trái chiều nhau về cùng một vấn đề, cán bộ này cho rằng về mặt hành chính không có gì sai, Cục Quản lý dược trả lời khi cơ quan công an có văn bản hỏi. Khi cơ quan công an hỏi Bộ Y tế thì Bộ Y tế trả lời. Việc phân định sai đúng trong trường hợp này cũng rất khó và chỉ có thể phân định được nếu doanh nghiệp bị ảnh hưởng khiếu kiện lên tòa án, nhưng trong trường hợp này cũng khó vì doanh nghiệp dược còn làm ăn, sẽ rất ngại ngần khi định khiếu nại bộ chủ quản.

* Tháng 7-2011: bảy doanh nghiệp dược ở các tỉnh phía Nam gửi đơn tới các cơ quan chức năng kiến nghị xem xét, chấn chỉnh, củng cố về quản lý ngành dược.

* Tháng 9-2011: Bộ Y tế ký quyết định thành lập đoàn thanh tra cơ sở sản xuất, nhập khẩu, bán buôn thuốc. Thành phần đoàn có đại diện của C47.

* Tháng 10-2011: Thanh tra Chính phủ kiểm tra các vấn đề liên quan đến thuốc gây nghiện, hướng tâm thần...đối với các công ty ký đơn kiến nghị.

* Ngày 7-12-2011: C47 có văn bản hỏi Cục Quản lý dược các loại thuốc của hai công ty có phải là thuốc gây nghiện.

* Ngày 8-12-2011: Cục Quản lý dược có văn bản khẳng định là thuốc gây nghiện dạng phối hợp.

* Ngày 14-12-2011: C47 ký quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện đối với Imexpharm, Stada VN và công bố quyết định này cuối tháng 12-2011.

* Ngày 10-1-2012 (sau khi các doanh nghiệp này khiếu nại) C47 lại có văn bản gửi Bộ Y tế hỏi các thuốc của hai doanh nghiệp này có phải là thuốc gây nghiện.

* Ngày 20-3-2012: Vụ Pháp chế thừa lệnh bộ trưởng Bộ Y tế có văn bản trả lời C47 không phải là thuốc gây nghiện.

* Ngày 12-4-2012: Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án nói trên.

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên