28/11/2016 09:31 GMT+7

Bị đánh bầm dập vì 'tội'... dám trả treo với chồng?

PHAN TUYẾT
PHAN TUYẾT

TTO - Diễn đàn tâm sự bạn đọc tiếp tục nhận được chia sẻ của một người vợ bị chồng đánh bầm dập vì tội... dám trả treo với chồng! Làm gì để giúp cô vợ thoát khỏi bị kịch gia đình như ngày hôm nay?

2 giờ sáng, nghe tiếng chuông cửa bấm dồn dập, giật mình lo nghĩ: “Không biết ai bấm chuông giờ này? chỉ lành ít dữ nhiều”. Nghĩ thế, tôi vẫn bật dậy nhìn qua khe cửa, đó là cô em họ ở cách nhà tôi vài cây số.

Khi cánh cửa nhà vừa mở ra, My ào vào nhà và đổ sập xuống ghế khóc như mưa. Nhìn mặt mày em thâm tím, đôi mắt sưng vù, cái miệng còn tứa máu tươi. Em nói mình vừa bị chồng đánh cho một trận vô cùng dã man. Tôi biết chồng em là một kẻ gia trưởng, vũ phu nhưng đánh vợ tới mức này thì không thể nào tưởng tượng nổi.

Hai vợ chồng em đều là công chức nhà nước. Do đồng lương eo hẹp nên ngoài tám tiếng ở cơ quan như chồng, em còn nhận thêm quần áo về may gia công vào buổi tối. Đã thế em vẫn tranh thủ lau dọn nhà cửa, lo cơm nước, rửa chén bát, giặt giũ quần áo, lo cho hai đứa con còn bé tí từ miếng ăn, giấc ngủ.

Đêm nào cũng thế, khi em đặt được lưng xuống giường cũng 12 giờ đêm. Và bao giờ cũng vậy, 5 giờ sáng phải bật dậy để chuẩn bị bữa ăn sáng cho chồng và hai con mới kịp giờ đi làm.

Cùng đi làm về như vợ nhưng chồng em chỉ nằm khểnh trên bộ xalông để xem phim chờ cơm vợ nấu. Nấu xong, còn phải dọn sẵn mâm chén và mời chồng xuống ăn. Nếu hôm nào ăn cơm hơi trễ một chút (do em hội họp đột xuất) coi như em bị chửi rủa thậm tệ.

Những lần cơ quan đi dã ngoại, đi liên hoan, em cũng phải tìm cách từ chối vì chống không cho. Lấy nhau đã hơn chục năm nhưng chưa một lần em được đi quán uống ly cà phê cùng chúng bạn bởi em nói chồng thường răn: “Đàn bà có chồng như cô, hết việc cơ quan thì về nhà phục vụ chồng con, đàn đúm sinh hư thân mất nết”.

Dù về sớm nhưng chồng em cũng chỉ nằm trên ghế xalông xem phim, đợi bằng được vợ về nấu ăn dù trưa đến mấy. Bởi theo quan điểm của chồng em: “Việc bếp núc, chăm con, dọn dẹp nhà cửa là của đàn bà. Đàn ông mà làm những việc ấy không đáng mặt quân tử chút nào”.

Em nói mình nín nhịn cho êm cửa mát nhà, nói ra chẳng thay đổi được gì con cái nó buồn. Nhưng có hôm làm mệt quá, em lên tiếng: “Anh về sớm cắm giùm em nồi cơm”. Hay: “Em bận anh cho con ăn trước cho chúng ngủ”.

Nghe em nói, chồng em thường sửng cồ lớn tiếng: “Vậy sinh ra đàn bà để làm gì?”.

Em nói tức quá nên chất vấn lại: “Nếu những việc ấy của đàn bà thì đàn ông phải có trách nhiệm kiếm tiền. Một tháng anh đưa cho tôi có vài triệu đồng, chưa bằng nửa số tiền tôi kiếm được mà anh cứ đòi hỏi này nọ. Anh giỏi kiếm tiền về đây, tôi khỏi đi làm. Tôi sẽ phục vụ cho anh từ A đến Z mà không hề than vãn một câu”.

Em nói mình vừa dứt lời, chồng em đã xông vào đấm đá túi bụi. Vừa đánh vừa chửi: “Thứ đàn bà như cô chỉ giỏi trả treo, chồng nói một tiếng đã nhảy vào họng ngồi rồi”.

Đàn ông gia trưởng, bảo thủ luôn phân biệt rạch ròi việc đàn ông, đàn bà. Nhưng họ thường quên một điều vô cùng quan trọng. Đó là việc kiếm tiền thuộc trách nhiệm của đàn ông để đảm bảo một cuộc sống tốt cho gia đình vợ con.

Câu chuyện cơm áo gạo tiền làm đổ vỡ hôn nhân hay còn lý do nào khác tiếp tục là đề tài tranh luận gần như không có hồi kết trên Diễn đàn tâm sự của Tuổi Trẻ Online. Chuyên mục tâm sự của trang bạn đọc chờ đón những chia sẻ, câu chuyện, ý kiến của mọi người.

Mời bạn gởi ý kiến của mình trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email về địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

 

PHAN TUYẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên