01/03/2024 10:39 GMT+7

Bị chiếm dụng hàng ngàn tỉ đồng, ACV sẽ khởi kiện các hãng bay?

Trong năm 2024, ACV sẽ không cho các hãng bay nợ tiền thu hộ. Nếu vi phạm hợp đồng sẽ bị dừng dịch vụ hoặc khởi kiện.

Hành khách xuống máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hành khách xuống máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tại báo cáo mới nhất vừa được gửi đến Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV - doanh nghiệp được Nhà nước nắm 95,4% vốn) sẽ thực hiện các thủ tục khởi kiện các hãng bay chây ì trả nợ lên đến hàng nghìn tỉ đồng, vi phạm hợp đồng.

Trong năm 2023, ACV cho biết phải trích lập dự phòng khoản thu ngắn hạn khó đòi gần 3.600 tỉ đồng từ các hãng hàng không trong nước, nhưng kế hoạch trả nợ của các hãng chưa đáp ứng được yêu cầu của ACV.

Chiếm dụng hàng ngàn tỉ đồng tiền thu hộ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo ACV cho biết ban lãnh đạo của công ty và hãng bay làm việc nhiều lần nhưng kết quả trả nợ vẫn chưa rõ ràng, có hãng vẫn chây ì trong việc thanh toán. Do đó, công ty cụ thể hóa các quy trình để tiến tới các bước cụ thể hơn để thu hồi nợ, có thể dừng hợp đồng dịch vụ hoặc khởi kiện.

Trong báo cáo gửi Bộ GTVT và cơ quan chức năng, ACV xác định 5 tiêu chí để tạo cơ sở áp dụng dừng dịch vụ và khởi kiện hãng bay. Trong đó, hãng bay không có kế hoạch trả nợ, không thực hiện đúng kế hoạch trả nợ đã cam kết, kết quả kinh doanh không lỗ nhưng không trả nợ, có phát sinh công nợ mới trong năm 2023 và số dư nợ lớn hơn các hãng hàng không khác.

Những khoản nợ của các hãng bay gồm chi phí hạ cất cánh và chi phí thu hộ trong vé máy bay (phí an ninh soi chiếu, dịch vụ hành khách). Cụ thể, trong cơ cấu vé máy bay, hãng bay thu hộ phí dịch vụ cảng và soi chiếu an ninh 120.000 đồng/khách với bay nội địa và 25 USD/khách bay quốc tế. Thế nhưng các hãng bay có dấu hiệu chiếm dụng số tiền thu hộ này, chây ì trả cho ACV, khiến số tiền nợ ngày càng "phình to".

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4-2023 của ACV cho thấy đến cuối năm 2023, ACV đang có 12.771 tỉ đồng các khoản phải thu ngắn hạn và 265,5 tỉ đồng các khoản phải thu dài hạn. Trong đó, dự phòng các khoản phải thu khó đòi ngắn hạn chiếm 3.642 tỉ đồng. Các khoản phải thu quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn thanh toán nhưng khó có khả năng thu hồi là 6.520 tỉ đồng, trong đó phần lớn đến từ các hãng hàng không lớn.

Chẳng hạn, Bamboo Airways đứng đầu danh sách là hãng có nợ xấu tại ACV lớn nhất tính đến thời điểm 31-12-2023 với 2.112 tỉ đồng. ACV thậm chí phải trích lập dự phòng đến 1.907 tỉ đồng, tương đương 90% giá trị khoản nợ. Pacific Airlines, Vietravel Airlines lần lượt có khoản nợ là 849 tỉ đồng và 259 tỉ đồng. Vietnam Airlines và Vietjet cũng có khoản nợ lên đến hàng ngàn tỉ đồng.

Đáng chú ý, trong khi các hãng bay như Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vietravel Airlines, Bamboo Airways đang vật lộn với khoản lỗ lớn, Vietjet vẫn đang báo lãi, cả doanh thu lẫn lợi nhuận đều tăng trưởng mạnh so với năm 2022, tiến độ trả nợ tốt hơn.

Giãn nợ cũ, ngăn phát sinh nợ mới

Một lãnh đạo ACV cho biết trong giai đoạn dịch bệnh, đơn vị này đều có giải pháp hỗ trợ, chia sẻ khó khăn cho các hãng bay như đưa ra gói giảm giá 50% dịch vụ dẫn tàu bay; giảm 10% dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất… "Hoạt động kinh doanh đã hồi phục sau dịch, không có lý do gì các hãng bay chiếm dụng tiền thu hộ của ACV", vị này nói.

Cũng theo vị này, đây không phải là chuyện làm ăn giữa hai bên mà nhiệm vụ hãng bay thu hộ tiền cho ACV và có hưởng chi phí hoa hồng, nên số tiền này phải được trả đúng theo hợp đồng ký kết. Có nghịch lý là các hãng bay nợ hàng ngàn tỉ đồng, trong khi ACV phải đi vay 1,8 tỉ USD để cân đối vốn xây dựng sân bay Long Thành.

"Trong năm 2024, ACV sẽ không cho các hãng bay nợ tiền thu hộ. Nếu vi phạm hợp đồng sẽ bị dừng dịch vụ hoặc khởi kiện. Còn khoản nợ từ 2023 trở về trước sẽ để các hãng xây dựng kế hoạch trả, áp dụng lãi suất kỳ hạn 12 tháng cao nhất trong hệ thống ngân hàng có vốn nhà nước", vị này khẳng định.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một hãng bay cho biết lý do chây ì trả nợ là do tình hình kinh doanh sau dịch gặp nhiều trở ngại khiến hãng càng bay càng lỗ. "Giá nhiên liệu tăng, hãng bay thiếu tàu bay, nhu cầu đi lại của khách thay đổi, cạnh tranh giữa các hãng… khiến doanh thu không đủ bù chi phí" - vị này nói và cho biết hãng bay đang căng thẳng về dòng tiền, việc tái cấu trúc gặp khó khăn dẫn đến càng làm càng lỗ.

Cũng theo vị này, có hai hãng bay chỉ còn 3 máy bay - số lượng tối thiểu để giữ được giấy phép khai thác hàng không. "Chúng tôi vẫn đang xoay xở để kiếm tiền trả nợ ACV, bởi đây là tiền thu hộ của Nhà nước. Nếu không trả nợ theo lộ trình, chắc chắn khi ACV xiết đòi nợ, hãng bay gặp khó khăn hơn. Bởi hãng bay còn phải trả tiền cho nhiều dịch vụ khác như phí băng chuyền, cầu dẫn khách, sân đậu, thuê mặt bằng check-in, boarding gate…", vị này nói.

Trong khi đó, lãnh đạo một hãng bay khác đề nghị cần đánh giá cụ thể tình hình "sức khỏe" của từng hãng để có tiến trình thu hồi nợ. "Bởi trong thực tế, có hãng đang hoạt động tốt, mở rộng mạng bay, kinh doanh báo lãi, việc trả nợ chắc chắn sẽ ổn định hơn hãng bay đang giảm quy mô hoạt động tại Việt Nam… Dù khó khăn, chúng tôi cũng bố trí nguồn tiền để trả các khoản nợ đối tác, trong đó có nợ của ACV trong năm nay", vị này nói.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân (trưởng bộ môn thị trường tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM):

Không thể lấy lý do khó khăn để chiếm dụng tiền của Nhà nước

Các khoản phí sân bay, phí an ninh được các hãng hàng không thu hộ cho ACV và được hưởng phí. Do đó, doanh nghiệp phải hạch toán riêng ra và nộp lại ACV, không liên quan gì đến dòng tiền kinh doanh của các hãng. Do vậy, không thể vì bất cứ lý do gì để chiếm dụng số vốn này.

Không rõ giữa ACV và các hãng thống nhất thế nào, nhưng trong hợp đồng kinh tế thông thường, giữa các bên sẽ quy định thời hạn đối tác thu hộ phải nộp lại số tiền thu hộ trong vòng bao nhiêu ngày, quá hạn sẽ phạt lãi chậm trả như thế nào, quá bao nhiêu lâu sẽ tính phương án dừng cung cấp dịch vụ hoặc ở mức cao hơn là khởi kiện.

Không được làm gián đoạn hoạt động hàng không, ảnh hưởng quyền lợi khách hàng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết quan điểm của bộ là các bên xử lý nợ đảm bảo theo quy định pháp luật, các hãng bay cần có phương án trả nợ phù hợp không để ảnh hưởng đến hoạt động của ACV. Việc giải quyết công nợ cũng không được để ảnh hưởng đến hoạt động hàng không, an ninh và an toàn hàng không.

Trong khi đó, ông Đinh Việt Thắng, cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết thông báo của ACV cho thấy doanh nghiệp này đang nghiên cứu các phương án thu hồi nợ, chưa có động thái khởi kiện, nếu khởi kiện cũng không để ảnh hưởng đến hoạt động hàng không và quyền lợi của hành khách.

Các bên liên quan có động thái gì đều cần phải bàn bạc, thống nhất với Bộ GTVT... để không làm gián đoạn hoạt động hàng không, ảnh hưởng quyền lợi của hành khách.

Cũng theo ông Thắng, trong giai đoạn xảy ra đại dịch COVID-19, các hãng hàng không đều gặp khó khăn nên phát sinh nợ và ACV cũng đã chia sẻ rất nhiều với các hãng bay như giảm giá dịch vụ, thường xuyên phối hợp các hãng xử lý công nợ hợp lý.

Thị trường hàng không đang khởi sắc trở lại, các hãng hàng không chắc chắn có khả năng và kế hoạch giải quyết công nợ dần với ACV.

Bamboo Airways Bamboo Airways 'chia tay' đơn vị dịch vụ mặt đất SAGS, hợp tác với Pacific Airlines

Nguồn tin Tuổi Trẻ cho hay Bamboo Airways và Công ty cổ phần phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) sẽ chấm dứt hợp tác từ 1-1-2024. Khâu check-in, bốc xếp hành lý, xe buýt chở khách... của SAGS không còn phục vụ cho Bamboo Airways.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên