Đó là thắc mắc của nhiều người sau thông tin Tuấn "khỉ" bị tiêu diệt. Bởi trước đó Tuấn "khỉ" đã nổ súng làm 5 người tử vong, 3 người bị thương, 1 con bò chết và chủ bò đề nghị được bồi thường thiệt hại.
Đây cũng không phải là trường hợp hi hữu, bởi trước đó ông Trần Bắc Hà - từng là bị can trong một vụ án hình sự - qua đời khi vụ án đang trong giai đoạn điều tra.
Chết không phải… hết nghĩa vụ
Theo một thẩm phán tại TAND TP.HCM, việc bị can chết trước khi giai đoạn điều tra kết thúc thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi sai phạm của bị can này từ những bằng chứng, nhân chứng khác để chứng minh hành vi phạm tội.
Khi xác định hành vi phạm tội này thì sẽ xác định được trách nhiệm của bị can đối với thiệt hại sau hành vi đó. Thông thường, trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự sẽ được xem xét, trong khi xét xử vụ án hình sự để người bị hại không phải khởi kiện thêm vụ kiện dân sự.
Song trong trường hợp vụ án hình sự chỉ có 1 bị can mà bị can đó đã chết, có nghĩa là sẽ đình chỉ điều tra với bị can và thậm chí đình chỉ luôn vụ án. "Trong trường hợp này, cơ quan điều tra trong quá trình thu thập tài liệu, hồ sơ cũng đã có kết luận về hành vi này.
Do đó, những người bị thiệt hại trong vụ án hình sự có thể yêu cầu cơ quan điều tra cung cấp tài liệu, bằng chứng chứng minh thiệt hại của mình để yêu cầu bồi thường" - vị này nêu ý kiến.
Về vấn đề này, luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng trong vụ án hình sự, bị can chết khi vụ án đang trong quá trình điều tra thì cơ quan điều tra sẽ đình chỉ điều tra đối với bị can này. Tuy nhiên, thiệt hại do người này gây ra sẽ được xem xét giải quyết nếu người bị thiệt hại có yêu cầu.
Điển hình là vụ án liên quan đến Tuấn "khỉ", luật sư Đức cho rằng do Tuấn đã chết nên cơ quan điều tra sẽ đình chỉ điều tra đối với Tuấn "khỉ", nhưng vụ án này còn liên quan đến nhiều người khác nữa nên vẫn được tiếp tục điều tra, làm rõ.
Những người liên quan như chủ của con bò bị bắn chết, thân nhân những người bị hại đều được xác định trong hồ sơ vụ án. Nếu những người này khởi kiện vụ án dân sự đòi bồi thường thì tòa án cũng phải đợi kết quả của vụ án hình sự mới có thể giải quyết được.
Vì vậy, những người bị thiệt hại nên làm đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại gửi cho cơ quan điều tra để cơ quan này đưa vào hồ sơ vụ án hình sự. Khi xét xử, hội đồng xét xử sẽ giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự.
Người thân có thể tự nguyện trả thay
Có trường hợp vụ án hình sự chỉ có 1 bị can và đã chết thì sẽ không có phiên tòa hình sự nào, mà việc yêu cầu bồi thường thiệt hại sẽ phải được thực hiện ở một vụ kiện dân sự.
Ở đây, người bị thiệt hại có thể khởi kiện những người kế thừa trách nhiệm của bị can, người thừa kế tài sản của bị can để yêu cầu được bồi thường thiệt hại.
Theo một kiểm sát viên Viện KSND TP.HCM, khi bị can, bị cáo chết thì những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất (gồm cha, me, con của người này) vẫn được cơ quan chức năng xác định trong hồ sơ vụ án.
Những người bị thiệt hại từ hành vi của bị can, bị cáo có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại bằng một vụ án dân sự. Lúc này, những người thừa kế của bị can, bị cáo đã chết sẽ được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Tòa án vẫn thụ lý đơn kiện nhưng không triệu tập bị đơn (tức bị can, bị cáo đã chết), còn những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan sẽ bị triệu tập.
Tuy nhiên, nếu người chết để lại di sản thì di sản này sẽ được dùng để thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho người bị thiệt hại.
Đối với tài sản chung như nhà, đất của vợ chồng thì tòa án sẽ phải xác định phần tài sản của người chết là bao nhiêu thì phần đó là di sản và phải dùng để thực hiện nghĩa vụ của người chết trước. Sau đó, nếu còn dư thì sẽ chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất như cha mẹ, vợ con.
Nếu bị can, bị cáo đã chết không còn tài sản thì người bị thiệt hại không đòi được gì, bởi người thân của người này không có nghĩa vụ phải bồi thường thay, trừ khi họ tự nguyện bồi thường thay người đã chết.
Đòi bồi thường không dễ
Quy định là vậy, song trên thực tế việc đòi bồi thường khi bị can, bị cáo đã chết không hề dễ dàng. Theo luật sư Đức, trong trường hợp không có người tự nguyện trả thay người đã chết, mà người chết không có tài sản gì để bồi thường thì người bị thiệt hại cũng không thể yêu cầu bất kể ai bồi thường được.
Thực tế trong nhiều vụ án hình sự, dù bị cáo bị tuyên phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại nhưng việc bồi thường này thường không dễ thực hiện khi bị cáo đi thi hành án không có tài sản, gia cảnh khó khăn, người thân cũng không tình nguyện bồi thường thay thì phần thiệt thòi luôn ở phía người bị hại.
Cho nên việc đòi bồi thường khi bị can, bị cáo đã chết gặp khó khăn hơn rất nhiều so với việc bị can, bị cáo còn sống, bởi bồi thường thiệt hại là tình tiết để xem xét giảm nhẹ hình phạt khi xét xử hoặc khi thi hành án.
Theo một cán bộ trại giam Thủ Đức, trong quá trình xét xử vụ án hình sự, bồi thường cho người bị hại luôn là một tình tiết giảm nhẹ được quy định trong luật, bất kể bồi thường nhiều hay ít.
Trong quá trình thi hành án, việc bồi thường cũng là tình tiết bắt buộc để xem xét giảm án cho các phạm nhân. Tuy nhiên, trong nhiều trại thi hành án, có những phạm nhân suốt quá trình cải tạo không có một người thân nào vào thăm, cũng chẳng có ai bồi thường cho bị hại giúp.
Với những phạm nhân này thì còn khoản tiền Nhà nước trả công lao động thì họ tích góp vào để chuyển cho cơ quan thi hành án, chỉ cần có bồi thường và nỗ lực thi hành án là sẽ được giảm án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận