20/04/2021 14:35 GMT+7

Bí ẩn những lò võ Gò Công - Kỳ 2: Đi tìm khởi thủy dòng võ xứ Gò

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Trước nhà là khoảng sân với giàn mướp xanh tươi, bên cạnh khu vườn trĩu quả. Chính góc sân này cách đây non một thế kỷ, ông Bảy Bổn truyền võ công cho đệ tử tứ phương.

Bí ẩn những lò võ Gò Công - Kỳ 2: Đi tìm khởi thủy dòng võ xứ Gò - Ảnh 1.

Các võ sĩ của võ đường Triệu Tử Long đi thi đấu trước năm 1975 - Ảnh GIA TIẾN chụp lại

Giai đoạn cực thịnh của võ Gò Công khoảng năm 1960 - 1975. Các lò võ đua nhau thi thố, khiêu chiến, lên đường du đấu khắp nơi. Nổi bật làng võ Gò Công bấy giờ là hai võ đường Triệu Tử Long và Phan Thành Sự để lại ảnh hưởng đối với hầu hết lò võ Gò Công về hệ thống chiêu thức và phong cách thi đấu.

Giọt máu của nghĩa sĩ lưu lạc

Phạm Văn Chí (1910-1972), còn gọi Quản Chí do từng giữ chức hương quản, thường được xem là người đặt nền móng cho dòng võ Gò Công lừng danh.

Từ nhỏ, ông được cha mời thầy giỏi về tận nhà dạy võ. Nhưng không thỏa mãn, Quản Chí lên đường tầm sư khi mới 15, 16 tuổi. Ngược lên miền trên, nay thuộc xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang, ông tìm đến một chân nhân sống ẩn dật tên Nguyễn Văn Bổn (còn gọi là Bảy Bổn).

Bí ẩn những lò võ Gò Công - Kỳ 2: Đi tìm khởi thủy dòng võ xứ Gò - Ảnh 2.

Chân dung của ông Phạm Văn Chí (Quản Chí) được các môn sinh trong võ đường vẽ lại - Ảnh: GIA TIẾN chụp lại

Để hiểu rõ gốc tích "người thầy đầu tiên" này, chúng tôi lần tìm nơi ông Bảy Bổn dạy võ cho học trò gần 100 năm trước. Từ đình Vĩnh Bình (huyện Gò Công Tây), đi xe máy len lỏi theo đường đan trong xóm uốn cong qua những thửa ruộng, vườn cây khoảng 3 cây số sẽ gặp một ngôi nhà nhỏ. Trước nhà là khoảng sân với giàn mướp xanh tươi, bên cạnh khu vườn trĩu quả. Chính góc sân này cách đây non một thế kỷ, ông Bảy Bổn truyền võ công cho đệ tử tứ phương.

Vậy mà giờ đây, ai muốn tìm đến nơi lưu dấu người xưa này cũng phải nhờ người dẫn đường là ông Lâm Quang Danh sống tại thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây. Hồi trước, ông Danh cũng theo học võ. Do đam mê tìm hiểu nguồn cội, ông bỏ công lần tìm được gian nhà ông Bảy Bổn xưa kia, rồi từ đó làm "hoa tiêu" cho những võ sĩ muốn đến thắp nén nhang cho tiền nhân.

Lâu ngày mới có khách xa, ông Nguyễn Kim Anh, cháu cố nội của ông Bảy Bổn, cùng vợ niềm nở đón tiếp. Bên tách trà lạt mới nấu, ông Kim Anh, năm nay 77 tuổi, kể lại những chuyện may mắn còn nằm lại trong vùng ký ức chắp vá của mình về người ông đời trước.

Ông Bảy Bổn là con trai một nghĩa sĩ kháng Pháp dưới cờ Bình Tây đại nguyên soái Trương Định. Gốc Bình Định, ông cố của Bảy Bổn từng trong hàng ngũ quân đội Tây Sơn, sau thất bại trước Nguyễn Ánh phải xuôi ghe bầu vào Nam, cập bến Vàm Láng (nay thuộc huyện Gò Công Đông, Tiền Giang). Dòng họ ông sinh sống và lập nghiệp ở đây cho đến khi tham gia phong trào kháng chiến của Trương Định.

Nghĩa quân tan rã, ông Bổn lại lên ghe bầu về Vĩnh Hựu, cách Vàm Láng gần 40km. "Trên đường đi, ổng hạ được một con hổ dữ cho dân nên người ta nể lắm. Ông cố truyền cho thanh niên trong xóm mấy thế võ phòng thân, cứ vậy nhiều người biết tới. Mang ơn, dân ở đây tặng ổng mảnh vườn này lập nghiệp", ông Kim Anh kể.

Ông Bảy Bổn biết dùng nhiều loại binh khí, thành thạo nhất là roi. Các chiêu thức của ông mang tính thực dụng do chịu ảnh hưởng từ lối đánh nhanh gọn của nghĩa quân Trương Định.

Về đời tư, ông Bảy Bổn có hai dòng vợ, dòng của ông Kim Anh là nhỏ, có 7 người. Các con ông Bảy Bổn đều có khí phách giống phụ thân, đặc biệt là bà thứ sáu. Bà từng thách trai tráng trước khi mang cau trầu qua dạm hỏi thì phải đánh tay đôi hạ được mình. Rốt cuộc bà... ở giá cho đến khi qua đời.

"Triệu Tử Long" bôn tẩu giang hồ

Ông Bảy Bổn có 12 đệ tử ruột, trong đó có Quản Hương. Lúc Quản Chí đến thọ giáo, ông Bảy Bổn đã ngoài 80 tuổi, chỉ còn đủ sức ngồi võng huơ roi chỉ những đường quyền, thế võ.

Quản Chí chưa kịp trở thành đồ đệ "ruột" thứ 13 thì sư phụ già qua đời. Ngày mất của ông Bổn là 10-9 về sau được Quản Chí lấy làm ngày giỗ tổ khi lập võ đường riêng. Hơn 3 năm tiếp theo, Quản Chí học võ cùng sư huynh Quản Hương, lĩnh hội thêm nhiều chiêu thức của cố sư rồi từ biệt sư huynh bắt đầu hành tẩu giang hồ.

Những năm gần giữa thế kỷ 20, Quản Chí thường xuất hiện tại các sân Tinh Võ, thao đường Nguyễn Trãi (TP.HCM nay) trình diễn võ thuật. Do múa đẹp lại rành nhiều loại binh khí, Quản Chí được người trong giới đặt biệt hiệu Triệu Tử Long, nhân vật huyền thoại trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa. 

Ông cũng từng sang Campuchia, Thái Lan học hỏi võ thuật. Năm 1960, Quản Chí chính thức dựng võ đường Phạm Văn Chí tại Gò Công (đến năm 1972 thì đổi tên là võ đường Triệu Tử Long).

Lò võ đặt ngay tại tư gia, nay nằm trên đường Nguyễn Huệ, gần di tích Ao Trường Đua (phường 2, thị xã Gò Công ngày nay). Khi làm thủ tục cấp chứng chỉ võ sư với Tổng cuộc Quyền thuật bấy giờ, Quản Chí được hai tay đấm nổi tiếng là Huỳnh Tiền và Kid Demsey (Nguyễn Văn Phát) trực tiếp đứng ra bảo lãnh về chuyên môn. Cả hai ông Huỳnh Tiền và Kid Demsey kể lại trước tổng cuộc những màn thi triển võ công mê hoặc người xem và cái danh "Triệu Tử Long" của Quản Chí mà khán giả vùng Chợ Lớn, Sài Gòn vẫn hay nhắc tới.

Làm đại sư đến năm 1972, Quản Chí mất do tai nạn.

Nhanh gọn, thực chiến

Cũng gọi ông Bảy Bổn là thầy còn có các ông Quản Hương, Hương Thân Sủng, Tô Văn Gấm, Sáu Trợ Hanh... Sau khi lớp giải tán, mỗi người về một ngả dạy võ, nay thuộc các huyện Gò Công Tây, huyện Chợ Gạo, huyện Gò Công Đông. Tuy nhiên, hầu hết những dòng này về sau không nổi tiếng bằng võ đường Triệu Tử Long của Quản Chí.

Cái tên hiếm hoi có thể đe dọa thế độc tôn bấy giờ của thầy trò Triệu Tử Long là võ đường ông Phan Thành Sự (1908-1986). Thời trai trẻ, Phan Thành Sự theo học võ sư Dương Tây Phong ở Sài Gòn, từng là đồng môn với cao thủ Huỳnh Tiền. Sau khi lấy bằng võ sư do Tổng cuộc Quyền thuật cấp, ông Sự về quê kết giao huynh đệ với Quản Chí rồi mở lò tại Tân Thành (huyện Gò Công Công nay).

Theo lời của võ sĩ Đặng Văn Chói (sinh năm 1955, tên thi đấu là Phan Thành Sơn, hiện ở Gò Công Tây), xét về số lần thượng đài, Phan Thành Sự nhiều hơn hẳn Quản Chí. Những năm 1940, ông Sự làm điên đảo các võ đài khu vực Gò Công - Mỹ Tho, nhiều lần thách đấu và nhận thách đấu với tay đấm khét tiếng trong vùng như Võ Bá Tòng (Mỹ Tho), Lê Hữu Dĩnh (Vĩnh Long)... Cũng thời ông Phan Thành Sự, người ta bắt đầu đặt hàng (quan tài) bên sàn đấu những lúc nhập trận.

Từng học cả hai lò Triệu Tử Long và Phan Thành Sự trước năm 1975, ông Chói nhận xét hai dòng đều mang màu sắc võ Bình Định nhưng thực chiến hơn. Các thế đánh bằng cùi chỏ, đầu gối mang dáng dấp võ Thái Lan, Campuchia được dùng nhiều, trở thành tuyệt chiêu của võ đường Triệu Tử Long. Với dòng Phan Thành Sự, võ sĩ chuộng những thế bắt giò và đánh vào chỗ hiểm đối phương...

"Mấy ông ấy muốn võ là phải thực tế. Lúc học cũng không lý thuyết rườm rà, các bài quyền hay miếng đánh đều phải dùng cho đánh đài (võ đài). Gốc võ này dùng trong kháng chiến lại được chắt lọc, bổ sung các đòn thế từ Thái Lan, Campuchia nên nhìn chung chắc, gọn, nhắm điểm yếu mà đánh. Mục tiêu hàng đầu là hạ gục đối phương trong thời gian ngắn nhất", ông Chói nói.

Những bài của võ đường Triệu Tử Long mang nét cổ, được truyền nguyên vẹn từ những gì Quản Chí học được từ ông Bảy Bổn. Do vậy, quyền có nhiều điểm tương đồng với các bài của võ Bình Định trong cách triển khai và lời thiệu. Các bài mang chất riêng của dòng võ Gò Công gồm Mai Hoa Quyền, Thất Linh Kiếm, Roi Song Đôi...

Theo TS Phạm Đình Phong - viện trưởng Viện Nghiên cứu, phát triển và quảng bá võ học Việt Nam, vùng đất Gò Công nhiều lần là nơi hội tụ của các danh tướng lừng lẫy như Võ Tánh, Nguyễn Huỳnh Đức, Phạm Đăng Hưng, Trương Định... Cũng vì vậy, dòng võ ở đây gắn liền với chiến trận và đề cao tính hiệu quả. Do chủ yếu tác chiến ở vùng sông nước, đầm lầy, các võ ở đây chuộng những thế tinh gọn và bất ngờ để bù đắp sự thiếu hụt về quân khí.

Trước năm 1975, một số lò võ như của ông Nguyễn Hai ở Bình Nghị (huyện Gò Công Đông), hay ông Mười Lửa ở khu bến xe cũ (nay thuộc phường 3, thị xã Gò Công) cũng có quân thi đấu nhưng không đông và chất lượng bằng võ đường Triệu Tử Long và Phan Thành Sự.

Đại hội võ đài quốc tế Hong Kong - Việt Nam. Lần đầu tiên giới võ lâm Hương Cảng gửi các võ sĩ của võ phái Lý Tiểu Long sang Việt Nam tranh hùng cùng các tay đấm đất Gò Công.

Kỳ tới: Hạ gục đệ tử Lý Tiểu Long

Bí ẩn những lò võ Gò Công - Kỳ 1: Đêm quyết đấu Bí ẩn những lò võ Gò Công - Kỳ 1: Đêm quyết đấu

TTO - Không chỉ là quê hương tuyệt sắc giai nhân như Nam Phương hoàng hậu, đất Gò Công (thuộc tỉnh Tiền Giang nay) một thời vang danh thiên hạ với các võ đài rực lửa cùng những tay đấm khét tiếng thà chết chứ không để hổ danh sư phụ, võ đường.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên