Mở đầu hội thảo "Kết hợp y học hệ gene vào chăm sóc sức khỏe ban đầu" ngày 20-4 tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM), ông Vũ Trí Thanh - giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức - cho hay thời đại khoa học công nghệ phát triển vượt bậc cùng các thành tựu y học hệ gene, đã mở ra kỷ nguyên mới trong y học. Đây vừa là thời cơ và thách thức cho ngành y tế toàn cầu.
Việc hiểu biết bộ gene của con người trải qua chặng đường dài. Áp dụng y học hệ gene để xác định nguy cơ và khuynh hướng bệnh tật, từ đó giúp chẩn đoán, tiên lượng, lựa chọn các phương pháp cần ưu tiên điều trị.
"Ban lãnh đạo của các bệnh viện và Trung tâm TP Thủ Đức sẽ cùng nhau xây dựng chương trình hành động, ứng dụng thành quả của y học hệ gene vào hoạt động khám chữa bệnh phù hợp với thực tế của mỗi đơn vị.
Từ đó giúp người dân có thêm sự chọn lựa trong điều trị bệnh với chi phí phù hợp nhất, góp phần nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh, đặc biệt là khám chữa bệnh ban đầu", ông Thanh nói.
Ông Trần Văn Khanh - giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho hay tỉ lệ bệnh nhân được đoán mắc bệnh, đặc biệt các bệnh lý ung thư và mãn tính không lây ngày càng nhiều.
Đa phần người bệnh phát hiện bệnh khi đã có triệu chứng, ở giai đoạn trễ.
Y tế cơ sở (bệnh viện tuyến quận, huyện và các trạm y tế phường, xã) là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu được Chính phủ đặc biệt quan tâm, nhằm giúp giảm gánh nặng bệnh tật, giảm kinh phí đầu tư y tế chuyên sâu và xây dựng các bệnh viện...
Ông Khanh cho biết thêm, xu thế chăm sóc sức khỏe ban đầu hiện nay trên thế giới là kết hợp y học hệ gene. Nhiều tạp chí, y văn thế giới có các bài viết liên quan đến vấn đề tích hợp y học hệ gene với chăm sóc sức khỏe ban đầu. Sự kết hợp giữa hệ gene di truyền và chăm sóc sức khỏe ban đầu giúp mang đến người dân có sức khỏe tốt nhất.
Nhìn nhận việc áp dụng y học hệ gene tại y tế cơ sở Việt Nam, TS.BS Nguyễn Duy Sinh (Viện Di truyền y học - Gene Solutions) cho rằng còn nhiều thách thức khi các bác sĩ lâm sàng, bác sĩ y tế cơ sở, bác sĩ gia đình không thực hiện được vì áp lực thời gian, thiếu công cụ và chưa có nghiên cứu nào được công bố về giá trị của gia sử sức khỏe.
Bên cạnh đó, y tế cơ sở không có công cụ làm gia sử sức khỏe hoặc vẽ cây gia hệ một cách chuẩn xác. Người dân thì cũng chưa biết về gia sử sức khỏe và chưa thể xây dựng sức khỏe cho gia đình mình. Ngoài ra, việc xét nghiệm di truyền ở nước ta chưa được phổ biến, tư vấn di truyền trước và sau xét nghiệm còn hạn chế.
Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Khuôn - trưởng phòng y TP Thủ Đức - cho rằng để đưa y học hệ gene vào chăm sóc sức khỏe ban đầu cần phải có lộ trình rõ ràng, trong đó nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt.
Hội thảo này rất quan trọng và thiết thực trong tiến trình thực hiện thành công đề án y tế thông minh TP Thủ Đức giai đoạn 2025 và những năm tiếp theo.
Tại hội nghị, giám đốc ba bệnh viện TP Thủ Đức, Lê Văn Thịnh, Lê Văn Việt và Trung tâm Y tế TP Thủ Đức đã ký kết biên bản ghi nhớ chương trình hành động "Kết hợp y học hệ gene vào chăm sóc sức khỏe ban đầu".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận