26/12/2019 09:58 GMT+7

'Bệnh viện' tình thương

CHÍ CÔNG
CHÍ CÔNG

TTO - “Cứ thứ ba, năm, bảy hằng tuần, các y bác sĩ có chuyên môn khám bệnh, đo huyết áp, châm cứu… Còn tụi tui phụ làm thuốc nam và giúp người bệnh tập vật lý trị liệu. Ai cũng mong bà con mau khỏe mạnh”.

Bệnh viện  tình thương - Ảnh 1.

Ông Nô thăm hỏi người bệnh- Ảnh: CHÍ CÔNG

Ông Nguyễn Văn Nô, quản lý phòng trị bệnh từ thiện ở xã Nhơn Mỹ (Chợ Mới, An Giang), chân tình sẻ chia.

Đàn bà tự nguyện mần cơm nước, giúp việc. Đàn ông vác đá, trộn hồ, bẻ sắt. Tất cả đều đồng lòng hoàn tất phòng khám tình thương.

Ông PHAN VĂN ĐẠO

"Bệnh viện" từ lòng dân

Giọng xúc động, ông Nô tâm sự: "Kể từ khi xây "bệnh viện" xong, bà con gần xa đến điều trị rất đông, đa số là người già và nghèo. Ai cũng hài lòng. Tụi tui cũng vui".

"Bệnh viện" rộng khoảng 100m2 được ông Nô và bà con xứ cù lao Ông Chưởng bỏ ra 365 ngày công vất vả xây cất - khoảng thời gian không quá dài nhưng đủ để ông Nô khẳng định: "Mọi thứ gian nan hơn tụi tui tưởng".

Ban đầu, sau thời gian trăn trở xây phòng trị bệnh từ thiện, ông Nô cùng bà con hảo tâm địa phương phỏng tính kinh phí khoảng 300 triệu đồng (chưa tính công). Số tiền được mọi người đóng góp từ 5-30 triệu đồng/người. Tháng 4-2018, khi xây cất được một thời gian mới "tá hỏa" vì chi phí đội lên quá nhiều.

"Vừa xây được hơn 50% công trình đã hết sạch tiền. Ai cũng lo, đêm ngủ tụi tui cũng không yên giấc" - ông Nô chùng giọng. Ngồi kế bên, ông Phan Văn Đạo xen lời: "Không tiền, cục đá cũng hổng có để mình xây".

Liệu tính cách nào? Bỏ hay tiếp tục? Và nếu làm theo kiểu có tiền làm, không tiền nghỉ, không biết khi nào mới xong. Còn vay vốn ngân hàng, mọi người không thể vì ai cũng nghèo. 

Thế là, ông Đạo kể: "Đợi có tiền thì biết khi nào. Mình đợi được, nhưng sắt để lâu gỉ hư. Mua thiếu chúng tôi cũng ngại. Hổng biết chủ cơ sở bán vật liệu xây dựng có thông cảm cho mình không? Cả trăm triệu chứ ít đâu. Bất ngờ họ đồng ý cho tụi tui khất nợ. Sau này có tiền đem ra trả sau".

Có thêm vật liệu xây dựng trong tay, ông Đạo kể: "Tụi tui mừng rơi nước mắt". Để hoàn thành sớm và hạn chế phát sinh chi phí thêm, ông Đạo, ông Nô cùng với bà con dồn sức làm nhanh. 

"Đàn bà mần cơm nước, giúp việc. Đàn ông vác đá, trộn hồ, bẻ sắt. Tất cả đều đồng lòng hoàn tất phòng khám tình thương. Mưa nắng gì cũng làm. Cuối cùng chúng tôi cũng cất xong vào giữa tháng 4-2019, kinh phí hơn 450 triệu đồng" - ông Đạo tự hào.

Bệnh viện  tình thương - Ảnh 3.

Ông Đạo cùng nhóm thiện nguyện hái đầy một xe thuốc nam- Ảnh: CHÍ CÔNG

Mỗi người một việc sẻ chia

Ông Nguyễn Văn Đực, tổ trưởng bấm huyệt của phòng điều trị bệnh từ thiện xã Nhơn Mỹ, kể xưa nay đời sống người dân ở cù lao Ông Chưởng còn nhiều gian truân. Ít đất sản xuất, họ bươn chải làm mướn cho mấy chủ lò gạch ven sông Hậu.

Trải qua cái thời đói khát và túng thiếu, ông Đực cũng như mọi người địa phương đều hiểu "chữ nghèo đi với chữ eo có một vần". Vì thế, bà con đến đây trị bệnh, họ đều không lấy tiền của một ai.

"Bà con vào điều trị khắc phục bệnh tai biến, đau lưng, nhức mỏi, xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu... và đắp thuốc nam. Thuốc nam tại vườn. Thiết bị y tế mọi người góp tiền mua. Chúng tôi làm cả buổi, có khi làm nguyên ngày. Cực thì có cực nhưng vui lòng lắm" - ông Đực cười hào sảng.

Các y bác sĩ cộng sự có chuyên môn sẽ châm cứu, đo huyết áp, sử dụng máy hỗ trợ... Còn họ - "biệt đội bác sĩ nông dân" - có thể hỗ trợ người bệnh tập vật lý trị liệu và kiếm các loại cây thuốc nam. Nhiều kinh nghiệm trong việc kiếm thuốc nam, ông Đạo vui vẻ kể: "Chúng tôi khoảng 10 người, già trẻ gì cũng có và đều cùng lòng thiện nguyện đi tìm cây thuốc về giúp bà con nghèo".

Nếu thứ ba, năm, bảy, phòng khám mở cửa đón bệnh nhân điều trị thì thứ hai, tư, sáu và chủ nhật, nhóm ông Đạo luân phiên đi hái thuốc dự phòng. 

"Thường tụi tui đi kiếm cây lá lốt, đu đủ dầu, ngải cứu, bưởi... Các cây thuốc trị nhức khớp. Hừng đông tụi tui đi rồi. Hái lúc đó cây thuốc sẽ tươi, tác dụng nhanh. Tụi tui người cắt, người bó luôn tay luôn chân" - ông Đạo kể.

Mang cây thuốc về phòng khám, họ lại cùng xắn tay vào xay, trộn thuốc... rồi đắp cho người bệnh bị đau nhức xương. Để đảm bảo nguồn thuốc nam trị bệnh lâu dài, họ còn chia sẻ 500m2 đất gần chùa để lập vườn thuốc từ thiện.

Bệnh viện  tình thương - Ảnh 4.

Ông Đực bấm huyệt cho người bệnh - Ảnh: CHÍ CÔNG

Lan tỏa yêu thương

Cù lao Ông Chưởng mấy ngày rày dịu nắng, mát mẻ. Mái tôn đỏ tươi mới lợp của phòng khám bệnh dành cho người nghèo hiện lên như một điểm nhấn giữa ruộng đồng xanh mướt bao la. Ở đó, họ không phân biệt người sang, kẻ hèn. Mọi người bệnh đều được đối xử tử tế như nhau.

Hơn 3 tháng đến điều trị bệnh đau nhức khớp, bà Nguyễn Thị Dân, ngụ xã Nhơn Mỹ, tâm sự ban đầu phòng khám đi vào hoạt động, bà không hề hay biết. Tuy nhiên, ít tháng sau, có người đi tập vật lý trị liệu (hỗ trợ khắc phục hậu quả bệnh tai biến thứ lần hai) về mách nước cho bà Dân biết có phòng khám bệnh từ thiện mới mở ở địa phương. Biết chuyện, bà liền tìm đến...

"Nhà nghèo, sinh đẻ nhiều, rồi mần cực khổ sớm, bây giờ tôi bị nhức khớp và tê mỏi chân tay. Đi bệnh viện trị hoài đó chứ mà bệnh tình của tôi đâu có hết hẳn. Cứ trời trở lạnh là tôi lại bị. May mắn, tôi được ở đây đắp thuốc nam, châm cứu nên bệnh tình cũng giảm đi nhiều rồi" - bà Dân cảm động chia sẻ.

Tương tự, ông Trần Thanh Nhớ (68 tuổi) trải lòng: "Hai năm qua, tôi bị tai biến. Nửa thân người bên trái của tôi yếu lắm. Nếu đi Cần Thơ nằm viện điều trị lâu thì tôi gặp nhiều thứ bất tiện, thiếu thốn tiền bạc, kể cả không ai chăm sóc. Bây giờ có phòng trị bệnh gần nhà, cứ thứ ba, thứ năm tôi đi châm cứu tiện hơn. Sức khỏe tôi cũng đảm bảo. Các y bác sĩ ở đây đối xử tình nghĩa lắm. Không riêng gì tôi mà người nào đến trị bệnh cũng vậy".

"Quà cho không bằng cách người cho". Và cách cho của ông Nô, ông Đạo, ông Đực cùng những tấm lòng hảo tâm dành cho người bệnh là sự chân thành sẻ chia. Ông Nguyễn Văn Thứng, chủ tịch Hội người cao tuổi xã Nhơn Mỹ, tâm sự kể từ khi đưa vào hoạt động tháng 5-2019 đến nay, "bệnh viện" của người già, người nghèo ngày càng lan tỏa yêu thương và tiếp nhận gần 200 lượt bệnh nhân mỗi ngày. Đa số họ đều là người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.

"Việc làm của ông Nô, ông Đạo và ông Đực cũng như các cô chú có ý nghĩa tốt đẹp rất thiết thực. Ngoài giúp bà con hỗ trợ điều trị bệnh tình không tốn kém tiền bạc, những tấm lòng thiện nguyện này còn giúp cất nhà, làm đường, biếu tặng gạo cho người nghèo. Những nghĩa cử chân tình giúp cả người nhận lẫn người cho sự thanh thản, an vui cuộc sống" - ông Thứng tâm sự.

Bữa cơm chay miễn phí cho người bệnh

Theo ông Nguyễn Hoàng Nhơn, ngụ ở xã Nhơn Mỹ, để "trọn tình, trọn nghĩa yêu thương", các cô chú hảo tâm địa phương còn chuẩn bị những bữa cơm chay dinh dưỡng cho bệnh nhân đếntrị bệnh.

"Cơm chay có mỗi ngày. Món ăn thay đổi liên tục từ canh chua, tàu hũ chiên, mắm chay kho... Tất cả được cô chú ở bếp ăn nấu sẵn. Ai đến trị bệnh có thể ăn thoải mái, không lo chi cả. Gạo chúng tôi góp mỗi người một ít, có nấu ăn hoài, hổng phải lo chi. Muốn ăn giờ nào cũng có. Người bệnh ăn no, yên tâm ở lại trị bệnh" - ông Nhơn tâm sự chân tình.

​Hũ gạo tình thương ​Hũ gạo tình thương

TT - Mỗi bữa nấu cơm dành ra hai nắm gạo bỏ vào hũ, để giúp các gia đình nghèo khó.

CHÍ CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên