Bệnh nhân đầu tiên ở VN bị vi khuẩn Whitmore "ăn" mũi được ra viện sau 3 tuần điều trị - Ảnh: BVCC
PGS.TS Đỗ Duy Cường - giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết nữ bệnh nhân 49 tuổi ở Bắc Kạn, vào viện hôm 28-8 với tổn thương phần mềm mũi do vi khuẩn whitmore, vừa được ra viện sau 3 tuần điều trị.
Theo gia đình bệnh nhân, một tuần trước khi vào viện, bệnh nhân xuất hiện nhọt ở cánh mũi và có dấu hiệu hoại tử lan rộng, đồng thời xuất hiện ổ apxe ở khớp cổ chân phải.
Tại cơ sở y tế tuyến dưới, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng huyết do tụ cầu trên nền bệnh nhân đái tháo đường type 2.
Tuy nhiên, dựa vào các dấu hiệu bệnh cảnh lâm sàng của bệnh nhân, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã cấy mủ tìm nguyên nhân và phát hiện bệnh nhân mắc bệnh Whitmore.
Đây là một trong 12 ca bệnh Whitmore vào bệnh viện này trong tháng 8 vừa qua, trong đó có tới 4 bệnh nhân tử vong.
PGS Cường cũng khẳng định Whitmore không lây từ người sang người, nhưng đây là bệnh nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong cao, có biểu hiện lâm sàng đa dạng dễ chẩn đoán nhầm sang bệnh khác như nhiễm trùng huyết, lao phổi, apxe cơ, bệnh hệ thống.
Những người mắc bệnh mãn tính như đái tháo đường, nghiện rượu, xơ gan, bệnh thận, bệnh phổi mãn tính dễ có nguy cơ mắc bệnh do vi khuẩn Whitmore.
Bệnh nhân bị vi khuẩn "ăn" cánh mũi kể trên là trường hợp đầu tiên gặp ở Việt Nam, chưa từng được đề cập trong y văn thế giới và chẩn đoán ban đầu cũng rất khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận