06/09/2022 13:51 GMT+7

Bến Tre: 18km bờ biển sạt lở, cần hơn 1.400 tỉ đồng làm bờ kè

MẬU TRƯỜNG
MẬU TRƯỜNG

TTO - Bờ biển tỉnh Bến Tre dài 65km, bị sạt lở khoảng 18km. Nếu đầu tư bằng kè cứng thì cần kinh phí hơn 1.400 tỉ đồng, con số được đưa ra tại hội thảo "Đánh giá hiệu quả thực tế của kè mềm sử dụng túi Geotube" tại tỉnh Bến Tre ngày 6-9.

Bến Tre: 18km bờ biển sạt lở, cần hơn 1.400 tỉ đồng làm bờ kè - Ảnh 1.

Hệ thống kè mềm tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre đã mang lại hiệu quả ban đầu, tạo được bãi bồi hơn 1m so với trước khi có bờ kè - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Điền, giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Bến Tre, cho biết tỉnh Bến Tre nằm giáp biển, hằng năm do nước biển dâng gây tình trạng sạt lở nghiêm trọng, người dân mất đất, cây cối nhà cửa bị cuốn trôi.

"Trước thực tế đó, các ngành chức năng tỉnh Bến Tre đã đưa ra nhiều giải pháp để chống sạt lở, một trong những giải pháp được ban và các đơn vị đưa ra đó là sử dụng kè mềm bằng túi Geotube tại bờ biển Cồn Bửng, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, đây là một trong những đoạn bờ biển của tỉnh Bến Tre bị sạt lở nặng nề nhất", ông Điền nói.

Nhờ hệ thống bờ kè mềm được xây dựng cách đây 2 năm, bờ biển Cồn Bửng tại huyện Thạnh Phú đã không còn tình trạng sạt lở, rừng dương phía trong được bảo vệ và rừng ngập mặn bắt đầu hồi sinh.

Hệ thống bờ kè mềm tại Cồn Bửng được sử dụng túi Geotube có bề rộng khoảng 3m, cao 2,5m và mỗi túi dài khoảng 25m, kéo dài hơn 1km với tổng mức đầu tư gần 15 tỉ đồng. Túi được đặt cách bờ khoảng 100m và được bơm đầy cát để làm đê giảm sóng, giữ cát, phù sa tạo bãi bồi.

Theo ghi nhận ngày 6-9 tại khu vực Cồn Bửng, phía trong bãi bồi đã được cát và phù sa bồi cao hơn, có những đoạn cát bồi cao hơn 1m so với trước khi có hệ thống bờ kè. Hệ sinh thái cây rừng đã tự phát triển, một số cây trồng như cây mắm, cây đước đã sinh trưởng tốt.

Cũng tại hội thảo nói trên, tiến sĩ Lê Văn Tuấn, trưởng phòng nghiên cứu hải dương học, Viện Kỹ thuật biển (thuộc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam), cho biết kè giảm sóng bảo vệ bờ biển khu vực Cồn Bửng đã đưa vào sử dụng được gần 2 năm. Bước đầu đã có những thay đổi tích cực, bãi bồi liên tục được mở rộng, nâng cao.

"Ưu điểm của công trình này là giá rẻ, suất đầu tư chỉ bằng 1/5 công trình cứng, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, khi mở rộng mô hình này cần thi công phù hợp với con nước và cần có chế độ quan trắc định kỳ để điều chỉnh kịp thời những ảnh hưởng xấu đến công trình", tiến sĩ Tuấn nói.

Bến Tre: 18km bờ biển sạt lở, cần hơn 1.400 tỉ đồng làm bờ kè - Ảnh 2.

Sau khi có hệ thống kè mềm, cây cối phía trong bãi bồi đã phát triển - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Bến Tre: 18km bờ biển sạt lở, cần hơn 1.400 tỉ đồng làm bờ kè - Ảnh 3.

Phía sau bờ kè mềm, bãi bồi đã được bồi cao hơn, cây cối đã sinh trưởng tốt - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Bờ biển Đà Nẵng có bãi tắm đẹp nhất hành tinh bị sạt lở nghiêm trọng Bờ biển Đà Nẵng có bãi tắm đẹp nhất hành tinh bị sạt lở nghiêm trọng Sạt lở bờ biển Đà Nẵng Sạt lở bờ biển Đà Nẵng 'vẫn trong tầm kiểm soát' Bờ biển du lịch Đà Nẵng tiếp tục sạt lở nặng Bờ biển du lịch Đà Nẵng tiếp tục sạt lở nặng
MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên