17/05/2017 01:11 GMT+7

Bến nước và hạt gạo

HUỲNH VĂN MỸ -  BẢO TRUNG
HUỲNH VĂN MỸ - BẢO TRUNG

TTO - Mặt trời chếch bóng về phía núi tây. Đây là lúc người Ba Na, người Gia Rai sống bên sông Ba bắt đầu cho một sinh hoạt cuối ngày nơi bến nước.

Cảnh lấy nước (đào lỗ vào cát) vào lúc chiều nơi bến nước của một làng bên sông Ba ở xã Chư Mố, huyện Ia Pa - Ảnh: HUỲNH VĂN MỸ
Cảnh lấy nước (đào lỗ vào cát) vào lúc chiều nơi bến nước của một làng bên sông Ba ở xã Chư Mố, huyện Ia Pa - Ảnh: HUỲNH VĂN MỸ

“Sông Ba đi qua suốt bảy huyện - thị xã của tỉnh Gia Lai từ thượng nguồn cho đến giáp giới Phú Yên. An ninh lương thực của tỉnh được bảo đảm phần lớn dựa vào nguồn nước tưới lấy từ sông Ba. Đến nay, tổng diện tích đất nông nghiệp được tưới từ nước sông Ba lên đến 36.800ha. Điều đáng nói, 80% cư dân sản xuất nông nghiệp trên diện tích này là các dân tộc ít người, đông nhất là Ba Na và Gia Rai...

Ông TRƯƠNG PHƯỚC ANH (giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai)

Như một phần hơi thở đời sống của mình, cư dân sông Ba vùng cao coi bến nước là tình tự yêu thương truyền đời của họ...

Bến nước ven sông

Từ phía thượng nguồn, vượt gần 150km tôi đến ngay Ia Pa - vùng trung nguồn của sông Ba - khi hay tin cư dân Gia Rai bên sông Ba ở đây có lễ cúng bến nước vào giữa mùa xuân.

Chư Mố là xã địa đầu phía bắc của huyện Ia Pa nằm trên sông Ba, nơi bắt đầu là địa bàn cư trú của người Gia Rai cho đến hết huyện Krông Pa. “Lễ cúng bến nước thường được dân mình làm vào tháng 2 âm lịch hằng năm” - già làng Kpă Blai, của làng (thôn) Ơi H'briu, nói.

Và không riêng gì làng Ơi H'briu, cả tám làng còn lại của xã Chư Mố cũng đều có lễ cúng bến nước - ngày hội của cư dân Gia Rai bên sông Ba.

“Năm nay dân Chư Mố mình được trên giúp cho kinh phí cúng bến nước. Làng Ơi H’briu mình được 5 triệu đồng, mua được con heo to để cúng thần nước sông Ba. Cả làng tập trung ở bến nước rồi cùng về nhà thôn ăn uống, chơi cồng chiêng, múa hát đến chiều tối...” - vị già làng 87 tuổi kể.

Qua khỏi những bãi, ghềnh kỳ vĩ với ngập tràn đá chắn rồi đến những thung lũng mênh mông, thoai thoải với những rừng khộp của huyện Kon Chro - địa bàn cư trú của người Ba Na, khi đến Chư Mố sông Ba trải mình rộng ra, ung dung đi qua vùng địa hình bán bình nguyên của các cao nguyên Ia Pa, Krông Pa của tỉnh Gia Lai.

Sống dựa con nước, người Ba Na và người Gia Rai đều có bến nước của làng mình bên sông Ba, nhưng người Gia Rai đã nâng tầm thiêng liêng của dòng sông này bằng lễ cúng bến nước hằng năm.

“Cứ khoảng 5h chiều là bà con từ rẫy nương về, từ nhà ra, tất cả đều tập trung chỗ bến nước của làng để tắm rửa, giặt giũ và lấy nước. Thích nhất là ra cái chỗ sông ngập đến bụng, đến cổ để tắm. Còn lấy nước thì khoét sâu xuống bãi cát chỗ mép sông để nước mạch ra rồi múc đổ vô cái vỏ bầu hay can nhựa gùi về để nấu ăn nấu uống...” - cô gái Ralan H’Kin, ở làng Kdranh, giải thích.

Cánh đồng màu mỡ trồng thuốc lá vàng ở những bãi bồi bên sông Ba của xã Ia Broăi, huyện Ia Pa - Ảnh: HUỲNH VĂN MỸ
Cánh đồng màu mỡ trồng thuốc lá vàng ở những bãi bồi bên sông Ba của xã Ia Broăi, huyện Ia Pa - Ảnh: HUỲNH VĂN MỸ

Hạt gạo sông Ba

Những đồng ruộng ở Ia Pa khiến tôi tưởng mình đang đứng giữa một châu thổ lúa giữa đồng bằng. Nếu những đồng lúa ngút mắt của các huyện Phú Thiện, Ayun Pa nằm bên bờ hữu sông Ba được dòng nước Ayun từ hồ thủy lợi Ayun Hạ chảy ra tưới thì những cánh đồng ở Ia Pa lại chỉ được tưới bằng các trạm bơm điện lấy nước từ sông Ba.

Tuy phải nhờ dòng điện nhưng rõ là nhờ con nước sông Ba sung mãn nơi vùng trung nguồn này mà những vùng đất mênh mông, có nơi từng là rừng cây, chồi dại, lau lách, phải chịu khô khốc muôn đời bỗng trở thành những cánh đồng cao sản giữa cao nguyên hơn vài chục năm nay.

“Vụ đông xuân này được mùa rồi. Vậy mà hồi lúa chưa bén ngọn có trận mưa lớn làm hư, bà con cứ tưởng năm nay sẽ mất mùa...” - chủ tịch xã Chư Mố Ksor Jú vui mừng nói.

Niềm vui của người chủ tịch trẻ cũng là của hàng vạn cư dân Ia Pa với 1.200ha ruộng lúa hai vụ/năm, có năng suất bình quân 6,2 tấn/ha/vụ. Đây là chuyện cổ tích mới ven sông Ba của cư dân bao đời chỉ biết hạt thóc rẫy phát - đốt - chọc - tỉa thiếu trước hụt sau.

Tại các huyện Ia Pa, Ayun Pa, Krông Pa, con nước lớn nơi sông Ba đã tạo nên những bãi bồi rộng lớn được tăng bổ phù sa mỗi năm thích hợp cho cây thuốc lá công nghiệp. Giữa tháng 4, những bãi trồng thuốc lá ngút mắt như thêm sức sống cho dòng sông và cư dân của nó.

Bát cơm của cư dân vùng cao sông Ba ngày nay đã được no đầy. Nước sông Ba đã tưới tắm cho đất đai, cùng với mồ hôi của cư dân đổ ra đã đem lại cho họ hạt gạo. Những người Ba Na ở làng Kon Pông nơi đầu nguồn sông Ba không còn cúng cầu mưa bằng con gà trắng với con dê, con heo nữa.

Hàng chục hecta ruộng bên rừng già của họ vừa được tưới qua 3km kênh mương ximăng mới xây. Những người Gia Rai ở Krông Pa cũng thôi vượt gần 100km đến làng Plei Ơi nơi chân núi Chư A Thai để rước Vua Lửa về làng mình thiết lễ cúng cầu mưa bởi họ đã biết lấy nước sông tưới cho ruộng nương thế mưa trời.

Kỳ tới: An Khê - tặng vật của sông Ba

Truyền thuyết sông Ba

Theo truyền thuyết của người Gia Rai, nguồn nước sông Ba được phun ra từ một gốc cây bằng lăng ở núi Kanak. Một cô gái Gia Rai nghèo uống được dòng nước đó, đêm mộng thấy có chàng trai đẹp đến ngủ với mình. Cô gái hoài thai sinh được một đứa con ngoan.

Rồi mẹ con họ dắt nhau đi dọc hạ nguồn, gặp ai họ cũng bảo nên uống nước con sông này để được khỏe mạnh. Bởi vậy nên người Gia Rai từ chỗ sống rải rác các nơi đã rủ nhau đến sống hai bên bờ sông Ba.

“Dân mình thích cái chuyện kể này của ông cha. Cái hay là nó nói lên việc người Gia Rai mình đi lần xuống hướng cuối sông để sinh sống. Nhờ đó mà gặp người miền xuôi để trao đổi hàng hóa và có cuộc sống thuận lợi hơn...” - già làng Kơ Ô Bhung, ở làng Ma Giao (xã Ia Rmok, Krông Pa), giải thích.

Kỳ 1: Nơi đầu nguồn con nước
HUỲNH VĂN MỸ - BẢO TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên