Năm 2016, Huỳnh Trọng Khang nổi lên trong giới văn bút với tác phẩm Mộ phần tuổi trẻ, một tiểu thuyết xoay quanh câu chuyện của những người trẻ đô thị xoay vần giữa cuộc chiến, mất mát và chênh vênh.
Với tác phẩm đầu tay, Huỳnh Trọng Khang đã dẫn dắt độc giả vào một cuộc hành trình của hồi ức và chữ nghĩa đặc biệt lý thú. Và bảy năm sau đó, với Bể trăng côi, nhà văn trẻ lại dẫn chúng ta vào một cuộc hành trình khác, đi qua chốn lãng đãng của nghĩa lý Phật giáo.
Bể trăng côi mở ra với cuộc đối thoại thầy trò để rồi bắt đầu cho cuộc hành trình đi đến một địa điểm với tên gọi Sa Mạo sơn, xen lẫn trong đó là một cuộc hành trình khác đã đi vào huyền thoại: Cuộc hành trình thỉnh kinh của Tam tạng pháp sư Huyền Trang.
Bằng biệt tài dẫn dắt và xây dựng câu chuyện, dẫu đôi khi có chút rề rà và hỗn độn, Huỳnh Trọng Khang đã kết nối những cuộc hành trình ấy và đem đến đủ sự lý thú để người đọc bước vào.
Suốt dọc Bể trăng côi là sự đan xen giữa hư và thực, giữa quá khứ và hiện tại, phi không gian, phi thời gian, mỗi trang sách mở ra mang theo nhiều biểu tượng, nhiều triết lý Phật giáo.
Sử dụng chất liệu Phật giáo mà - không - quá Phật giáo là điều không dễ. Nếu thiếu cẩn trọng, cả tác giả lẫn người đọc dư khả năng "chết chìm" trong biển ngôn ngữ, nghĩa lý mênh mông ấy.
Trong Bể trăng côi, không ít lần tác giả hụt hơi nhưng cho đến những trang sách cuối cùng, anh đã "qua được bờ", giống như cách mà anh đặt tên cho chương gần kết của tiểu thuyết Yết Đế Yết Đế…
Bể trăng côi nhìn đời bằng con mắt của đạo, nhưng cũng rất đời. Câu chuyện mà chúng ta đọc, thấy, nghe có thể rất Phật, nhưng cũng là câu chuyện của thế nhân, của đời.
Đó là trải nghiệm thú vị của người đọc, và cũng là thể nghiệm đặc biệt của chính tác giả với một chất liệu mới, phương hướng mới.
Mở đầu, hành trình của Bể trăng côi hướng đến Sa Mạo sơn. Sa Mạo sơn ở đâu? Không ai biết. Cuộc hành trình của thầy trò đến Sa Mạo sơn diễn ra như thế nào?
Họ có đến được nơi cần đến không? Độc giả có thể biết, có thể mãi mãi không thể biết đâu là Sa Mạo sơn. Nhưng đến chỗ không biết, không cần biết, cũng đã gần với tinh thần của Thiền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận