24/06/2014 08:56 GMT+7

Bế mạc họp Quốc hội: Sẽ nói rõ lập trường về biển Đông

LÊ KIÊN thực hiện
LÊ KIÊN thực hiện

TT - Các đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Nguyễn Thái Học đã tha thiết đề nghị Quốc hội ra tuyên bố (hoặc lời kêu gọi, hoặc nghị quyết) để tỏ rõ thái độ của Quốc hội về tình hình biển Đông.

Quốc hội họp phiên bế mạc vào sáng nay 24-6 (truyền hình, truyền thanh trực tiếp). Tình hình biển Đông sẽ được đề cập ra sao khi ngay tại diễn đàn chính thức của Quốc hội, các đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Nguyễn Thái Học đã tha thiết đề nghị Quốc hội ra tuyên bố (hoặc lời kêu gọi, hoặc nghị quyết) để tỏ rõ thái độ của Quốc hội về tình hình biển Đông?

* Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM):

Chưa có hồi âm

rZowJGYa.jpg
Ảnh: V.Dũng
Là một đại biểu Quốc hội, tôi phải làm hết trách nhiệm của mình, đặc biệt là trách nhiệm trước các cử tri đã bỏ phiếu bầu cho tôi. Nếu thấy điều gì đó, vấn đề gì đó cần thiết mà tôi thấy đúng, cần phải nói ra, cần phải đề nghị tôi cũng suy nghĩ rất kỹ, phải lắng nghe cử tri, lắng nghe các tầng lớp nhân dân, đọc báo chí trong nước và ngoài nước để quyết định đưa ra kiến nghị.

Về việc kiến nghị Quốc hội ra tuyên bố về tình hình biển Đông, sau khi kiến nghị xong tôi có liên hệ với một số đồng chí lãnh đạo trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thông báo với họ rằng nhân dân, các tầng lớp cử tri, nhiều vị đại biểu Quốc hội đồng tình hưởng ứng ý kiến của tôi, trong số đó cũng có nhiều cán bộ đương chức và các cán bộ lão thành. Như vậy đã có một sự hưởng ứng rộng rãi, qua đó cho thấy điều tôi kiến nghị là cần thiết.

Cá nhân tôi thấy rằng với trách nhiệm của mình thì mình chỉ có thể làm đến mức đó, chứ không thể làm điều gì hơn được nữa (tức là tôi kiến nghị xong lại còn liên lạc để có yêu cầu đáp ứng).

Đến thời điểm này, tôi chưa nhận được thông tin gì cả nên không biết thế nào.

Trong bản góp ý cho kỳ họp Quốc hội, tôi có viết một ý là đề nghị lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải có trả lời cho các đại biểu để đại biểu trả lời, giải thích với cử tri.

* Tức là sau khi ông liên lạc trực tiếp, đến nay ông cũng không nhận được hồi âm nào?

- Vâng, vẫn chưa có hồi âm nào. Có vị lãnh đạo nói rằng cũng đang xem xét, nhưng đến nay không có trả lời chính thức cho tôi.

* Có vẻ như các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động của Quốc hội, nội quy kỳ họp Quốc hội không có các quy định ràng buộc là Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Đoàn thư ký kỳ họp phải trả lời kiến nghị cụ thể của một đại biểu Quốc hội hoặc một số đại biểu Quốc hội, phải chăng đây là khiếm khuyết của pháp luật?

- Tôi nghĩ rằng đọc kỹ lại các quy định của pháp luật thì không hoàn toàn có khiếm khuyết gì lớn. Một đại biểu có kiến nghị gì đó, nếu kiến nghị đó dành cho các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì các đồng chí phải có trách nhiệm trả lời. Nếu chúng ta xem trong các quy định sẽ rõ đại biểu Quốc hội có quyền có ý kiến, có quyền có kiến nghị và những người có trách nhiệm nhận ý kiến, kiến nghị thì có trách nhiệm trả lời. Nếu tôi không nhận được trả lời thì tôi phải về báo cáo với cử tri là tôi đã kiến nghị nhưng không được trả lời.

* Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học (Phú Yên):

Đại biểu cũng băn khoăn

3Haj32Ad.jpg
Ảnh: V.Dũng
Quyền đề nghị, kiến nghị là của đại biểu Quốc hội, còn trách nhiệm xem xét và trả lời những lời đề nghị đó là nó hợp lý, chính đáng hay không để có bàn bạc, tuyên bố thì thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong trường hợp này nếu Quốc hội không ra tuyên bố hoặc nghị quyết thì tôi trông đợi trong phát biểu bế mạc của Chủ tịch Quốc hội. Đến thời điểm này tôi chưa nhận được phản hồi chính thức.

Từ thực tế này, tôi nghĩ trong quá trình sửa đổi Luật tổ chức Quốc hội, chúng ta cần phải xem xét rất nghiêm túc.

Trong đó phải có những quy định rõ ràng hơn về quyền kiến nghị của đại biểu Quốc hội và trách nhiệm trả lời của các cơ quan chức năng, đặc biệt là trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Mỗi phát biểu, đề xuất, kiến nghị của đại biểu Quốc hội đã mang trong đó ý kiến, nguyện vọng, tình cảm và yêu cầu của cử tri.

Do đó khi đứng trước Quốc hội nói những nội dung đó, bản thân đại biểu Quốc hội cũng đã làm tròn trách nhiệm trước cử tri.

Nhưng vấn đề là khi chưa có phản hồi chính thức hoặc chưa có hiệu quả cụ thể thì đại biểu cũng trăn trở, băn khoăn. Còn khi báo cáo với cử tri, tôi cũng phải nói thật là tôi đã nêu rõ ý kiến của mình trước Quốc hội, còn phản hồi, giải quyết thế nào thì phải chờ cơ quan chức năng.

* Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu:

Đề cập trong phát biểu bế mạc

fDRRY7pt.jpg
Ảnh: Việt Dũng

- Một số đại biểu Quốc hội có đề xuất là Quốc hội có nghị quyết riêng về vấn đề biển Đông. Nhưng như bạn đã thấy, ngay từ đầu kỳ họp, Quốc hội đã thảo luận, trao đổi về vấn đề này rất kỹ, rất công khai. Ngay sau cuộc họp đó, Quốc hội đã có thông báo nêu rõ lập trường chính nghĩa của ta và nói rõ quan điểm xử lý vấn đề biển Đông.

Cũng trong kỳ họp này, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã có công hàm gửi đến quốc hội và nghị sĩ các nước, trong đó nêu rõ những quan điểm của Việt Nam đối với vấn đề biển Đông. Trong phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội một lần nữa sẽ nói rõ lập trường của Việt Nam để cử tri, nhân dân trong nước và kiều bào, bạn bè ta ở nước ngoài rõ thái độ của chúng ta trong việc xử lý vấn đề biển Đông.

* Tức là Quốc hội thấy chưa cần thiết phải ra một tuyên bố hoặc nghị quyết chính thức được thông qua tại phiên họp toàn thể?

- Như tôi nói là đã có thông báo rồi.

LÊ KIÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên