Nguyễn Thị Kiều Loan ước mơ học ngành y từ hồi bé, khi thấy ông nội bị những cơn đau của bệnh ung thư vòm họng hành hạ. Khi ấy, cô học trò lớp 2 chỉ ước có thể làm liền được điều gì đó để ông bớt đau.
Từ nỗi đau mất nội
Ngày còn sống, ông luôn vui mỗi khi cô cháu gái khoe chuyện học. Nên khi ông không qua khỏi, Loan hụt hẫng và buồn nhiều lắm, càng quyết tâm phải học giỏi hơn nữa. Chính căn bệnh quái ác của nội đã hun đúc trong Loan ước mơ trở thành bác sĩ cứu người, đặc biệt người bệnh ung thư như nội.
Ước mơ ấy dẫn lối cho con bé trên đường học, nhất là càng tìm hiểu, Loan biết rõ nhiều người thật sự bế tắc khi mắc ung thư. Càng đau lòng hơn với những bệnh nhân ung thư nghèo gần như phó mặc cho số phận, thậm chí buông tay chờ chết.
Nhưng có lẽ hình ảnh người bác sĩ bừng sáng nhất trong Loan khi dịch COVID-19 bùng phát. Mỗi ngày nghe con số tử vong tăng cao, rồi hình ảnh những bác sĩ nhiễm bệnh vì lao vào cứu người nhưng vẫn cật lực làm việc càng làm Loan ngưỡng mộ và thêm quyết tâm thực hiện ước mơ của mình.
Dẫu vậy, đường đến trường của Loan không bằng phẳng vì gia cảnh túng thiếu.
Mẹ Loan - bà Nguyễn Thị Mai (58 tuổi) - hằng ngày bán rau ở chợ. Còn cha Loan - ông Nguyễn Văn Y - nay đã 64 tuổi, sức yếu nên chỉ ở nhà làm công việc lặt vặt, chăn nuôi nhỏ.
Anh cả của Loan hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về vẫn chưa có việc làm ổn định. Gần như mọi chi tiêu sinh hoạt trong nhà phụ thuộc hết vào sạp rau của mẹ.
Mà cũng không nhiều vốn nên sạp rau của mẹ cũng chỉ ít loại rau thôi. Mà cũng chỉ bán đến quá 12h trưa là phải dọn hàng vì 13h lại có người khác vào bán chỗ đó. Ngày nào học một buổi, hay chủ nhật, ngày lễ, cô bé đều ra chợ phụ bán với mẹ. Ngày nào bán được khá nhất cũng lời không quá 100.000 đồng.
Nhưng việc buôn bán ngày càng ế ẩm vì lúc này cũng có nhiều người bán quá. Bữa nào bán không hết, bà bưng rau khắp chợ nài nỉ người ta mua hoặc đổi ít cá biển cho bữa cơm chiều.
Càng vất vả càng phải học
Để sáng hôm sau có rau ra chợ sớm, mấy mẹ con phải nhận về lặt bỏ lá già úa từ chiều tối hôm trước đến hơn 21h mới xong. Không có vốn, nhà vườn cũng thương nên thường cho bà Mai nhận hàng về trước, bán xong mới trả tiền.
2h sáng, bà Mai thức giấc, lo cơm nước đến 3h sẽ bắt đầu ra chợ. Ngoài phần cơm cho con ăn sáng đi học, bà cũng mang theo một phần ăn trưa giữa chợ.
"Phải lấy công làm lời vì nếu lấy rau người ta lặt sẵn chỉ lời 1.000 đồng/kg, mình chịu khó chút thì được lời 2.000 đồng/kg, cũng thêm chút" - bà Mai khoe.
Loan đã quen thức lúc 3h sáng, phụ mẹ rồi học bài luôn đến giờ đi học. Cô bé chỉ biết cơm nhà, chưa một lần ăn ở quán, không biết hủ tiếu, phở ở quán thế nào, đến quần áo đang mặc cũng nhờ hàng xóm cho.
Đến độ nhà có mua sẵn lít nước mắm đó nhưng để dành có khách mới dám ăn chứ thường trong bữa ăn hằng ngày là muối pha chút nước màu dầm ớt rồi chấm.
Đến trường bằng xe đạp, nhiều hôm thủng bánh không tiền vá, Loan dắt bộ về. Loan hiểu nỗi vất vả của cha mẹ nên luôn gắng học. 12 năm qua, cô bé luôn đạt học sinh giỏi, tập vở được thưởng, học sách cũ của mấy anh chị lớp trước tặng lại nên cha mẹ khỏi mua.
Ngày Loan trúng tuyển Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, cả nhà vui lắm vì anh trai của Loan đã nghỉ học sau khi xong lớp 10, đi làm thuê nhường cho em gái học tiếp.
Và nỗi lo cũng đến liền sau đó, không ngủ được vì học phí ngành y đến sáu năm, rồi chỗ ăn ở, sinh hoạt phí là bài toán quá sức với gia đình. Nhưng thương con gái, thôi thì cứ vay tạm để con đi đóng tiền đăng ký nhập học.
Con đường phía trước còn dài, cô bé đã nhờ anh chị khóa trước cùng trường phổ thông cũng đang học ngành y giúp việc làm thêm, phụ mẹ trang trải chi phí.
Cô Đinh Thị Sang - Trường THPT Che Guevara, giáo viên chủ nhiệm của Loan - nói thương cô học trò lắm vì nhà rất nghèo nhưng chịu học và học giỏi, bạn bè ai cũng quý mến.
"Loan có chí tiến thủ trong học tập, giỏi đều các môn dù chỉ học qua mạng vì không có tiền học thêm nhưng cả ba năm cấp III đều đứng hạng nhất lớp, có năm còn là học sinh giỏi dẫn đầu toàn khối" - cô Sang nói.
Nhọc nhằn mưu sinh
Hồi mới lấy nhau, cha mẹ Loan làm thuê làm mướn đủ việc. Sau đó có một nhà máy đường mở ra ở quê nên họ chuyển qua trồng mía với hy vọng thay đổi cuộc sống khá hơn. Nhưng bao công chăm sóc, bón trồng mía chưa được bao lâu thì nhà máy đóng cửa. Cả ruộng mía không biết tiêu thụ ra sao đành bỏ không, lại quay về kiếp mần mướn. Sau này mẹ Loan mới ra chợ bán rau.
Lấy nhau, đôi vợ chồng mới cưới ở trong căn chòi lá vừa đủ để chiếc giường và cái bếp nhỏ. Mãi 15 năm sau mới xây được căn nhà tường cấp 4 trên miếng đất nhỏ do người cô bán và cho trả dần. Nói là xây căn nhà nghe cho sang chứ thực ra là làm dần dần trong nhiều năm.
Cứ gom được ít tiền sẽ tính toán chỗ nào cần thì làm trước chỗ đó, rồi lại gom góp có thêm tiền mới dám làm thêm chỗ khác, cả tiền công thợ cũng phải trả dần mới hết.
Tiếp sức 85 tân sinh viên Bến Tre, Tiền Giang
Hôm nay (1-11), báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh Đoàn Tiền Giang và Tỉnh Đoàn Bến Tre tổ chức lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường cho 85 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của hai tỉnh Tiền Giang, Bến Tre.
Tổng kinh phí hơn 1,3 tỉ đồng được Câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Tiền Giang - Bến Tre cùng Câu lạc bộ Doanh nhân Tiền Giang, Bến Tre tại TP.HCM tài trợ.
Mỗi suất học bổng 15 triệu đồng tiền mặt, trong đó có hai suất học bổng đặc biệt (50 triệu đồng/bốn năm) cùng bốn laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn còn thiếu thiết bị học tập do Quỹ Khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam) tài trợ.
Lễ trao tại Bến Tre là điểm trao thứ tám trong chương trình học bổng Tiếp sức đến trường 2023 dành cho tân sinh viên thuộc chương trình Vì ngày mai phát triển lần thứ 574 của báo Tuổi Trẻ.
Câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Tiền Giang - Bến Tre và Câu lạc bộ Doanh nhân Tiền Giang, Bến Tre tại TP.HCM đã đồng hành với học bổng này đến nay là năm thứ 16 với mong muốn "người đi trước nâng bước người đi sau", đã tiếp sức cho 1.491 tân sinh viên với tổng kinh phí hơn 16,4 tỉ đồng cùng nhiều sự hỗ trợ khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận