Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian - Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian nói trên Đài phát thanh franceinfo ngày 16-9: "Quyết định tàn bạo, đơn phương và không thể đoán trước này nhắc tôi rất nhiều về những gì ông Trump từng làm. Đó là một sự đổ vỡ niềm tin và tôi vô cùng tức giận".
Trước đó, rạng sáng 16-9, truyền thông đưa tin Anh, Mỹ, Úc bắt tay đóng tàu ngầm hạt nhân. Theo đó, Mỹ sẽ cung cấp cho Úc công nghệ và khả năng triển khai các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Các tàu ngầm sẽ được đóng ở Adelaide (Úc) dưới sự hợp tác chặt chẽ với Mỹ và Anh.
Theo Hãng tin Reuters, "cú bắt tay" giữa Anh, Mỹ, Úc khiến thỏa thuận tàu ngầm trị giá 40 tỉ USD do Pháp thiết kế tan thành mây khói.
Năm 2016, Úc đã chọn Tập đoàn đóng tàu Hải quân của Pháp để đóng một hạm đội tàu ngầm mới trị giá 40 tỉ USD, để thay thế các tàu ngầm Collins đã hơn 20 tuổi của họ. Hai tuần trước, các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Úc xác nhận lại thỏa thuận với các đối tác Pháp. Tuy nhiên, thỏa thuận gặp nhiều vấn đề và chậm trễ do Úc yêu cầu phần lớn việc sản xuất và linh kiện phải có nguồn gốc trong nước.
Có lẽ đoán trước phản ứng của Paris, trong lễ công bố thỏa thuận đóng tàu ngầm hạt nhân cho Úc hôm 16-9 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Pháp vẫn là "đối tác quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết ông hiểu sự thất vọng của Pháp với Úc về vụ "bể hợp đồng", nhưng ông cho rằng thỏa thuận giữa Anh, Mỹ và Úc không phải là sự phản bội với Pháp vì thỏa thuận của Pháp với Úc đã bị hủy.
Ông cho biết ngành công nghiệp quốc phòng của Anh sẽ được thúc đẩy từ thỏa thuận đóng tàu ngầm hạt nhân mới với Úc, đồng thời cho biết Anh có những hệ thống phụ mà Úc không có.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận