31/10/2012 06:16 GMT+7

Bầu cử Mỹ rối vì bão Sandy

(VP)
(VP)

TT - Không chỉ tàn phá các bang bờ đông, siêu bão Sandy còn làm đảo lộn chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ khi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang vào giai đoạn nóng bỏng và quyết liệt nhất.

Sandy đổ bộ, ông Obama và ông Romney làm gì?

LwTgDtQI.jpgPhóng to
Nước lụt tràn vào một hầm để xe ở New York - Ảnh: AFP

Trong hai ngày qua, chính trị bỗng trở thành vấn đề thứ yếu dù ngày bầu cử 6-11 đang đến gần và cuộc đua giữa hai ứng cử viên Obama và Romney đang rất căng thẳng. Báo chí, đài truyền thanh, truyền hình liên tục cập nhật đưa tin về tác động của bão Sandy đối với các bang bờ đông.

Tổng thống Obama đã quyết định ngừng chiến dịch vận động ở các bang “chiến trường” như Florida, Ohio và Virginia, cấp tốc bay về thủ đô Washington DC để trực tiếp chỉ đạo các nỗ lực chống bão. “Đây là một cơn bão lớn và hung dữ - ông Obama khẳng định - Cuộc bầu cử sẽ tự thân vận động vào tuần tới. Hiện tại, ưu tiên hàng đầu của chúng ta là cứu người”.

Sức mạnh tàn phá

New Haven, bang Connecticut, là vùng tâm bão. Gió mưa gào rú suốt hai ngày qua. Ngoài đường phố, cây cối đổ rạp, thùng rác bay tứ tung. Qua đài truyền hình, truyền thanh, chính quyền bang kêu gọi người dân hạn chế ra đường để tránh nguy hiểm. Hai ngày trước đó, nhiều người đã đổ xô đến các siêu thị như Stop&Shop, Walmart hay Walgreen để tích trữ thực phẩm, đèn pin, nước uống...

20 tỉ USD thiệt hại

* Ít nhất 33 người ở Mỹ và một người ở Canada đã thiệt mạng.

* Khoảng 7,4 triệu hộ gia đình ở các bang lâm vào cảnh mất điện, riêng New York là 500.000 hộ.

* Ảnh hưởng tới hơn 60 triệu người Mỹ, bằng 1/5 dân số nước này, gây thiệt hại tới 20 tỉ USD, theo ước tính của hãng dự báo thảm họa Eqecat.

Thống đốc Connecticut Dan Malloy mới đây kêu gọi hàng ngàn người dân sống ở vùng ven biển di tản bởi “tình hình rất nguy hiểm”. Ở nhiều khu vực nước đã dâng lên và chính quyền phải kêu gọi dân cư không ra đường, ráng trụ lại ở tầng trên ngôi nhà của mình. Cô Elaine Phương Nguyễn, sinh viên ĐH Quinnipiac, cho biết hệ thống tàu điện và xe buýt khu vực đã ngừng hoạt động hoàn toàn. “Nhà trường đã gửi thư điện tử đến tất cả các sinh viên, liệt kê những việc cần thiết để tránh bão. Trường còn cài đặt hệ thống tin nhắn để thông báo cập nhật cho sinh viên diễn tiến cơn bão cũng như giờ hoạt động của trường” - Phương Nguyễn cho biết. Nguyễn Phương Thảo, sinh viên ĐH Yale, còn kể nhà trường cấm sinh viên ra khỏi ký túc xá và phát thức ăn trong hai ngày qua để cầm cự với bão.

Trong khi đó, tại thủ đô Washington DC, cuộc sống dường như ngừng lại. Hàng trăm chuyến bay ở hai sân bay lớn tại Washington DC bị hủy. Chính quyền ra lệnh đóng cửa hệ thống tàu điện ngầm, khiến nhiều cơ quan, doanh nghiệp, cửa hàng, trường học phải đóng cửa theo. Chương trình “phỏng vấn đêm khuya” nổi tiếng của MC kỳ cựu David Letterman cũng chỉ thu hút vỏn vẹn ba người ở hàng ghế khán giả. Cô Lyndsey Wajert, chuyên viên Trung tâm báo chí quốc tế (ICFJ), cho biết cũng như cô, phần lớn người dân thủ đô nước Mỹ đang phải chôn chân ở nhà và cầu mong cho bão sớm qua.

Còn New York, thành phố được mệnh danh là không ngủ, như sống trong bóng tối. Ngập lụt diễn ra nghiêm trọng ở nhiều con đường. Nhà máy điện bị nổ gây mất điện trên diện rộng. Truyền hình chiếu cảnh nhiều chiếc xe ở khu tài chính Manhattan bị ngập nước, gió mạnh quật ngã một chiếc cần cẩu, ném từ nóc một tòa cao ốc 306m gần công viên Central Park xuống đất. Ít nhất bảy tuyến tàu điện ngầm cũng bị ngập nặng.

Thời cơ của ông Obama?

Bão Sandy đã buộc hai ứng cử viên ngừng “diễn show”. Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, nhà báo Bill Nichols, tổng thư ký tòa soạn báo Politico, bình luận nếu không làm thế vào thời điểm thảm họa quốc gia, họ sẽ bị xem là vô cảm và mất phiếu. Nhưng, theo ông, bão Sandy vừa là nguy cơ vừa là thời cơ cho Tổng thống Obama trước ngày bầu cử 6-11. Nếu ông Obama chống bão thiếu hiệu quả, cử tri sẽ càng thất vọng và chắc chắn sẽ lựa chọn ông Romney. Chưa ai quên việc tổng thống George Bush đã phải trả cái giá đắt như thế nào cho uy tín chính trị của mình khi lúng túng trong việc chỉ đạo chống bão Katrina bảy năm về trước.

Ngược lại, nếu chống bão tốt, ông Obama sẽ được xem là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, quyết đoán, coi lợi ích của người dân cao hơn lợi ích chính trị cá nhân. Trong khi đó, theo nhà báo Ron Elving của Đài truyền thanh NPR, lúc này ông Romney lại phải đối mặt với nguy cơ lớn hơn, bởi ông không phải là một quan chức, do vậy không đóng vai trò gì trong chiến dịch chống bão. Và trong những ngày này có thể cử tri sẽ chỉ hướng về ông Obama mà bỏ quên ông. Ông Romney giờ chỉ còn nước cầu cho ông Obama vấp váp.

(VP)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên