04/04/2014 10:07 GMT+7

Bất thường nhưng... không biết vì sao!

LÂM HOÀI
LÂM HOÀI

TT - Đường ống truyền dẫn nước sạch từ sông Đà cung cấp cho hơn 70.000 hộ dân Hà Nội chỉ mới đưa vào vận hành khai thác năm năm nhưng đã bị vỡ tới sáu lần.

Vỡ đường ống, 70 ngàn hộ dân mất nước sạchỐng nước bị vỡ, hơn 2.000 hộ dân khốn đốnVỡ đường ống nước, 25.000 hộ dân thiếu nước sạch

F5cDy8T3.jpgPhóng to
Chủ đầu tư khắc phục sự cố vỡ đường ống xảy ra chiều 1-4 - Ảnh: Nguyễn Quang

Mỗi lần xảy ra sự cố, có tới hàng trăm nghìn người dân thủ đô lâm vào cảnh khốn đốn do thiếu nước sạch. Trong khi chuyên gia và cơ quan quản lý nhà nước đặt vấn đề sự cố là bất thường thì chủ đầu tư là Tổng công ty cổ phần Vinaconex vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm, chỉ biết chạy theo “chữa cháy” mỗi khi đường ống bị vỡ.

Nhiều lần cảnh báo nhưng gạt đi

Nơm nớp sợ vỡ đường ống

Theo báo cáo gửi Bộ Xây dựng, hiện nay Vinaconex vẫn chưa đưa ra giải pháp khắc phục dứt điểm sự cố và đang trong tình trạng nơm nớp lo vỡ tiếp đường ống. Theo đó, Vinaconex đã thành lập hàng loạt đơn vị như ban chỉ đạo xử lý sự cố nhanh các sự cố xảy ra đối với hạng mục xây dựng của hệ thống cấp nước sông Đà - Hà Nội; đội phản ứng nhanh các sự cố, quy trình, xử lý nhanh sự cố; chương trình ứng phó sự cố tuyến ống sông Đà; chuẩn bị máy móc, thiết bị, vật tư dự phòng; túc trực 24/24 giờ...

Ông Nguyễn Sỹ Trung, cán bộ Viện Khoa học và công nghệ giao thông vận tải, khẳng định từ năm 2006 đã nhiều lần cảnh báo chủ đầu tư thi công đường ống về việc nền đất yếu, tuy nhiên chủ đầu tư phớt lờ.

Qua khảo sát để phục vụ thi công tuyến đường, ông Trung cùng cộng sự đã phát hiện trong tổng số 29km của cung đường, xuất hiện tới 29 đoạn với tổng chiều dài 5,4km có nền đất yếu. Đây là những đoạn cần phải thiết kế và xử lý đặc biệt, mất nhiều thời gian và tốn kém, như: cọc cát, giếng cát, bấc thấm, thay đất, rải vải điện kỹ thuật... trước khi đưa vào thi công mới đảm bảo an toàn.

“Theo nguyên tắc, bất kể công trình nào đặt trên nền đất yếu mà không có xử lý đều không ổn. Bằng chứng thuyết phục là cả năm lần đường ống vỡ đều xảy ra trên các vị trí nền đất yếu đã được cảnh báo trước đây” - ông Trung thông tin.

Chưa thể khắc phục dứt điểm

Tổng công ty cổ phần Vinaconex thừa nhận từ tháng 2-2012 đến tháng 12-2013, tuyến ống dài gần 46km này đã xảy ra năm lần vỡ. Thêm sự cố vào chiều 1-4 nâng tổng số lần vỡ lên sáu lần. Vinaconex thừa nhận tất cả sự cố vỡ đều xuất hiện đột ngột và vào thời điểm các điều kiện vận hành tuyến ống đều ở trạng thái làm việc ổn định, thường xuyên, áp lực và lưu lượng chung của hệ thống đều thấp hơn so với thiết kế.

Theo ông Nguyễn Ngọc Điệp - phó tổng giám đốc Vinaconex, nguyên nhân dẫn tới vỡ là do địa chất công trình, độ lún của nền đường chưa ổn định và tác động của tải trọng đất khi tôn nền lẫn tải trọng động của thiết bị thi công tại những khu đô thị mới cũng vượt quá so với thiết kế ban đầu ảnh hưởng tới đường ống. Riêng chất lượng ống dẫn nước cốt sợi thủy tinh lần đầu tiên được đơn vị này sản xuất và áp dụng tại Việt Nam “đảm bảo chất lượng và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Sỹ Trung cho rằng đây là loại chưa được kiểm chứng nhiều do lần đầu sản xuất và áp dụng vào dự án này. “Tôi được biết loại ống này không chịu được lực trực tiếp uốn cong và biến dạng trong điều kiện nhiệt độ xuống dưới 10C. Do đó khi nền đất yếu chỉ cần bị lún, cộng với áp lực và khối lượng tải nước lớn dễ gây ra vỡ” - ông Trung phân tích.

Theo nhận định của ông Trung, nếu xử lý tốt từ đầu sẽ hạn chế được sự cố, còn hiện nay khi đường ống đã được chôn xuống, việc xử lý sẽ rất tốn kém, phức tạp. Ông Trung cho rằng lựa chọn tốt nhất thời điểm này là khảo sát và thay thế toàn bộ đường ống tại các điểm xung yếu bằng vật liệu mới.

Không bình thường

Chiều 3-4, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Hải - phó cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng Bộ Xây dựng - xác nhận sáng cùng ngày đã lập đoàn kiểm tra thực tế tại hiện trường điểm vỡ đường ống xảy ra hôm 1-4. Tuy nhiên, khi đoàn kiểm tra có mặt thì chủ đầu tư đã xử lý xong sự cố và hoàn trả mặt bằng, tiến hành đắp dầm nền đất nên không kiểm tra được trực tiếp mối vỡ.

Theo ông Hải, điểm khó là việc thi công đã hoàn thành từ năm 2009, toàn bộ hệ thống đường ống đã chôn sâu dưới đất và trải qua nhiều năm sử dụng. Trước mắt, theo ông Hải, qua báo cáo của chủ đầu tư thì chưa phát hiện sai sót nào. Họ cho biết các biện pháp khảo sát, thiết kế, thi công đúng quy trình. Về nhận định sự cố vỡ do nền đất yếu hay do ống dẫn không đảm bảo, ông Hải cho rằng ban đầu chưa thể kết luận ngay được, tuy nhiên việc đường ống liên tiếp vỡ tới sáu lần trong hai năm là “không bình thường”.

Ông Hải cho hay cục đã yêu cầu chủ đầu tư giải trình chi tiết tất cả vấn đề liên quan, rà soát lại, đề phòng các đoạn xung yếu xảy ra vỡ tiếp. Ngoài ra, theo quy định, tùy theo cấp sự cố, chủ đầu tư phải chỉ định một tổ chức tư vấn độc lập để xem xét sự cố.

Từng được trao tặng “Cúp vàng chất lượng”

Tuyến ống dẫn nước sông Đà là một hạng mục thuộc giai đoạn 1 của dự án Nhà máy nước sông Đà nhằm cung cấp nước cho khu vực tây nam Hà Nội (chuỗi đô thị Sơn Tây, Hòa Lạc, Miếu Môn, Xuân Mai, Hà Nội, Hà Đông). Đây là một trong hai dự án được Bộ Xây dựng trao tặng Cúp vàng chất lượng xây dựng VN vào tháng 11-2010.

LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên