Phóng to |
Học sinh lớp 12 Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1, TP.HCM xem thông báo sáu môn thi tốt nghiệp THPT năm 2012 tại trường chiều 23-3 - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Đón nhận thông tin này, theo khảo sát của chúng tôi, phần lớn học sinh (HS) không quá hoảng hốt, lo âu quá mức vì kỳ thi tốt nghiệp năm nay có cả hai môn lịch sử và địa lý. Tuy nhiên, khi được hỏi tâm trạng trước thông tin này, không có nhiều HS tỏ vẻ vui mừng, thay vào đó là cái lắc đầu.
Ngán hai môn tự luận
Trong khi đó, từ phía các trường và bản thân giáo viên (GV), vì môn địa lý đã được chọn trong ba năm liên tiếp nên không ai bất ngờ khi năm nay thi môn lịch sử. Tất cả GV lịch sử đã chuẩn bị tinh thần thi cử từ đầu năm. Trong khi đó, với môn địa lý, nói như một GV bộ môn này: “Thật lòng thông tin tiếp tục thi môn địa lý một lần nữa cũng có gây áp lực với chúng tôi. Đa số HS và cả một số GV cũng có tâm lý hi vọng năm nay sẽ “thoát” môn địa lý vì kiểu nghĩ: phải hàng chục năm mới có một lần chuyện sử địa song hành trong kỳ thi tốt nghiệp. Giờ thì vừa dạy vừa lo, dạy ôn một môn mà hầu hết HS đều ngán ngẩm, thậm chí bỏ bê, ai không lo lắng mới lạ!”.
Cô giáo Kim Anh, chủ nhiệm lớp 12 Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội, cho biết: “Dù cũng có chủ quan với môn địa lý nhưng các em không sợ địa lý bằng môn lịch sử”. Nguyễn Văn Hòa, HS Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội, cho biết: “Dù xao nhãng môn địa vì nghĩ sẽ không thi năm nay, nhưng địa lý là môn có thể “học cấp tốc” để đạt điểm 5”. Theo lý giải của thầy cô cũng như nhận định của những HS khá giỏi, môn địa lý được sử dụng Atlat địa lý nên không quá căng thẳng chuyện học bài. Nếu sử dụng Atlat tốt, việc kiếm điểm trung bình không quá khó với môn địa lý. Còn môn sử phải học hết trọng tâm, học tủ chẳng may “trật tủ” coi như bó tay!
HS Nguyễn Hồ Thắm, lớp 12A6 Trường THPT Tây Ninh (Tây Ninh), cho biết lớp em học nâng cao toán, lý, hóa, sinh. “Đối với em, môn sử có chuẩn bị tinh thần, học kỹ bài dễ kiếm điểm. Môn địa lý nói là được sử dụng Atlat, ở trường thầy cũng chú trọng rèn kỹ năng sử dụng Atlat nhưng nhiều bạn không quan tâm các môn xã hội hoặc không có thời gian đầu tư cho môn này. Bởi vậy, đến giờ việc đọc Atlat chỉ sơ sơ nên cũng lo mất điểm môn địa lý”.
Trái với tâm lý “bất ngờ, nhưng không sợ” của HS thành phố, ở nhiều nơi khác nỗi lo lắng được chia đều cho tất cả các môn, do mặt bằng học lực của nhiều HS chỉ ở mức trung bình. Cô giáo Ngọc Hoa, Thủy Nguyên - Hải Phòng, cho biết: Với HS trung bình thì môn thi nào cũng đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu với môn vật lý, hóa học, sinh học đòi hỏi phải nắm vững kiến thức trong cả một quá trình thì những môn như địa lý, lịch sử lại được coi là dễ thở. Vì trong hai tháng tới các em chỉ cần chăm chỉ là có thể đạt điểm 5, nhất là với môn địa lý.
Còn thầy Đỗ Hoàng Điệp, hiệu trưởng Trường THPT Xuân Giang, thuộc khu vực ngoại thành Hà Nội, cho biết: “Dù bất ngờ nhưng HS vẫn sợ môn lịch sử chứ không sợ môn địa. Môn địa là môn “gỡ điểm” cho HS trong khi môn lịch sử là môn có nhiều sự kiện, con số phải ghi nhớ. Nếu không phải HS học ban C thì các em sẽ rất vất vả để ôn luyện trong hai tháng tới”.
Sẽ chạy đua với lịch sử, địa lý
Ở thời điểm này, nhiều trường THPT tại TP.HCM đã hoàn thành chương trình các môn thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, từ tuần tới hai môn sử, địa sẽ bắt đầu được tập trung dạy tăng tiết, thay vì 1-2 tiết/tuần mỗi môn theo đúng chương trình, nhiều trường HS sẽ được học 5-6 tiết/tuần đối với môn sử, địa. Số tiết tăng thêm này để bù cho HS (đặc biệt HS trung bình) vì đầu năm đến giờ chưa được tăng tiết sử, địa. Và số tiết tăng thêm cũng nhằm để thầy cô vừa ôn vừa dò bài cho HS. Trong khi đó, số tiết dành cho môn toán ở nhiều trường sẽ là 10 tiết/tuần, các môn còn lại 6-8 tiết.
Nhiều giáo viên THPT tại Hà Nội đều thừa nhận từ đầu học kỳ II, mặc dù các trường đã khởi động tổ chức cho HS ôn thi tốt nghiệp nhưng chủ yếu là tăng tiết các môn toán, văn, ngoại ngữ và các môn thi đại học. Theo GS Văn Như Cương - Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, HS của trường được tăng tiết chủ yếu các môn thi khối A, B. Thầy Nguyễn Quốc Thắng, hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho biết việc kèm cặp, phụ đạo HS yếu kém chỉ tập trung vào các môn thi tốt nghiệp được biết trước. Như vậy, thời gian tới các trường sẽ phải tăng tiết cho các môn lịch sử, địa lý.
Cứ đến ngày công bố môn thi tốt nghiệp, các trường bắt đầu tập trung cho các môn sử, địa đã không còn là chuyện lạ. Sâu xa hơn, như bày tỏ của nhiều HS, từ đầu năm học đến nay, thậm chí từ lớp 10, các bạn vào học các môn khối A (toán, lý, hóa) và hai môn văn và ngoại ngữ (đối với HS theo khối D). Việc dạy nâng cao hoặc phụ đạo, tăng tiết chủ yếu chỉ được nhà trường tập trung cho các môn này. Môn lịch sử và địa lý cũng chỉ ít ỏi với bình quân 1,5 tiết/tuần theo đúng chương trình. Trong khi kiến thức hai môn này ngồn ngộn, không hề thua kém các môn khác. Nay thi hai môn cùng lúc, HS ngán ngại cũng là điều dễ hiểu.
Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết việc chọn môn thi năm nay được thực hiện theo hình thức bốc thăm ngẫu nhiên. Hầu hết các trường đều chuẩn bị tinh thần từ đầu năm, thi môn nào cũng là việc bình thường. Chỉ khác thường ở chỗ năm nào cũng cứ đồn đoán và năm nào HS cũng ngán ngại môn sử và địa. Nguyên nhân sâu xa của câu chuyện này như tâm tư của trưởng bộ môn sử một trường THPT tại TP.HCM: “Vấn đề nằm ở chỗ khi dạy và học, nhà trường và HS chọn ban, chọn môn để học nâng cao, nhưng khi thi lại chọn môn ngẫu nhiên.
Từ khi phân ban khoa học xã hội không còn, nhiều trường bỏ lửng các môn sử, địa, HS ngày càng bỏ bê hai môn này. Đó là một bất công mà tất cả GV sử, địa ai cũng không khỏi chạnh lòng. Giải quyết được sự mất cân bằng này mới có thể xóa được tâm lý đồn đoán và tâm trạng căng thẳng trước kỳ thi tốt nghiệp hằng năm”.
4 môn thi tự luận Sáu môn thi tốt nghiệp THPT năm 2012 gồm: toán, ngữ văn, ngoại ngữ, hóa học, lịch sử, địa lý (đối với học sinh hệ THPT). Những nơi không đủ điều kiện thi môn ngoại ngữ sẽ thi môn thay thế là vật lý. Học sinh hệ giáo dục thường xuyên sẽ thi toán, vật lý, hóa học, ngữ văn, lịch sử, địa lý. Các môn vật lý, hóa học, ngoại ngữ sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm. Các môn toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý sẽ thi theo hình thức tự luận. Thời gian thi các môn trắc nghiệm 60 phút, các môn sử, địa 90 phút và hai môn toán, văn thi trong 150 phút. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận