Trong lễ biểu dương học sinh đạt thành tích năm học 2022-2023 của huyện miền núi Trà Bồng (Quảng Ngãi) có một chuyện rất đặc biệt khi bảy học trò Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Tây Trà cử đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh và tất cả đều đoạt giải.
Trong đó, một em đoạt giải nhất, hai em đoạt giải nhì, hai em đoạt giải ba và hai em đoạt giải khuyến khích. Đây là kỳ tích, bởi Tây Trà là vùng trũng của giáo dục tỉnh Quảng Ngãi. Nhiệm vụ phổ cập giáo dục vẫn là mục tiêu dai dẳng từ năm này qua tháng nọ.
Nghèo không lơ là phổ cập giáo dục
Trước khi sáp nhập vào huyện Trà Bồng vào năm 2020, Tây Trà là huyện nghèo nhất nước, các chỉ số về kinh tế, giáo dục, y tế... trong nhóm "chót bảng". Những cuộc họp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương luôn có một câu "kinh điển" là "Xóa đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục là mục tiêu trong những năm đến".
Giáo dục ở Tây Trà đúng nghĩa của từ "dạy dỗ", giáo viên muốn dạy phải dỗ dành để học sinh không bỏ học. Mỗi dịp nghỉ hè, nghỉ Tết... thầy cô lại lội núi tìm trò. Nhắc đến những chuyện này để hiểu vì sao bảy học sinh lớp 9 vừa đoạt giải được xem là kỳ tích.
Tây Trà giờ là khu tây của huyện Trà Bồng, 90% dân số là đồng bào Cor, cái ăn chật vật, con chữ cha mẹ chẳng ai quan tâm. Em Đinh Văn U, nhà ở tận xã Trà Thanh, kể: "Ba em nói thích thì học, không thì thôi. Cái chữ không giúp no cái bụng được".
Hết cấp I, U rời làng xuống trường nội trú học cấp II. Bốn năm theo học, U tiến bộ từng ngày, xuất sắc đoạt giải nhì môn lịch sử kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, U chỉ biết chia sẻ niềm vui cùng bạn bè thầy cô, cha mẹ U đã vào Đắk Nông làm thuê từ lâu.
Thương trò, các thầy cô tìm đủ mọi cách mới liên hệ được với chủ vườn cà phê, nhờ nói lại cho cha mẹ U biết thành tích của con. "Bác chủ vườn cà phê có thưởng cho em 500.000 đồng. Ba em vui lắm, lần đầu tiên trong đời ba nói em cố gắng học" - U tâm sự.
Em Hồ Văn Thịnh đoạt giải nhì môn lịch sử có cuộc đời đầy dông bão. Nhà Thịnh có ba anh em, Thịnh là con đầu, ba mẹ bắt phải nghỉ học đi làm nuôi các em. Nhưng Thịnh không chịu, cậu muốn thay đổi đời mình từ lớp học và nỗ lực từ học sinh yếu thành học sinh giỏi.
"Em đã chứng minh cha em sai khi nói "người Cor không giỏi bằng người Kinh, học cũng chẳng được gì". Em sẽ tiếp tục nỗ lực để vào đại học" - Thịnh chia sẻ. Chàng trai trẻ người Cor kể rằng cha đã đãi gà thưởng con. Trong bữa ăn, ông không ép Thịnh nghỉ học mà động viên con cố gắng vào đại học.
Bảy học sinh vừa lập kỳ tích có chung hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ không muốn con đi học. Em Hồ Thị Thơm đoạt giải ba môn lịch sử kể về căn nhà dột nát của mình ở xã Sơn Trà (xã xa nhất huyện Trà Bồng). Cha mất, mẹ Thơm bám rẫy lo cái ăn cho năm con. Anh chị đều nghỉ học nên lúc Thơm rời làng xuống trường nội trú tìm chữ, mẹ Thơm chỉ nói "xuống đó tự lo, không học được thì về đi rẫy".
Bốn năm trôi qua, Thơm không bỏ học. Hôm lễ tuyên dương, mẹ Thơm mượn xe máy chở con xuống trung tâm huyện. Lúc Thơm lên bục nhận khen thưởng, bà nhìn và nở nụ cười. "Mẹ em không nói được tiếng Kinh nên ngại giao tiếp. Hôm em báo đoạt giải ba học sinh giỏi cấp tỉnh, mẹ còn nói em xạo, giờ mẹ tin rồi" - Thơm cười tươi.
Tấm lòng nhà thơ già
Có mặt tại lễ tuyên dương, nhà thơ Thanh Thảo rất xúc động trước kỳ tích này, dù tuổi cao, bệnh tật vẫn vượt núi dự lễ, trao quà cho bảy học sinh. Suốt cả buổi lễ, ông luôn nở nụ cười và nói cả huyện 15 em đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh mà Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Tây Trà có đến bảy em thật sự là ngoài sức tưởng tượng.
Nhà thơ Thanh Thảo bảo tuổi cao và căn bệnh gout hành hạ nhiều năm qua nên ông không đi đâu xa. Lần gần nhất ông đến Trà Bồng cũng đã 25 năm, ông nén cơn đau trở lại vùng đất này chỉ bởi "các cháu xứng đáng, rất xứng đáng".
"Tôi tin các cháu sẽ thay đổi nhận thức của người Cor đối với con chữ. Giải thưởng này quá quý giá đối với vùng trũng giáo dục Tây Trà" - ông nói.
Trao thưởng cho bảy em xong, nhà thơ Thanh Thảo còn tặng riêng em Hồ Thanh Kỹ, đoạt giải nhất môn lịch sử cuốn sách Việt Nam sử lược. Sau đó là lời chia sẻ như trút hết gan ruột. Với ông, người Cor giỏi như bao dân tộc khác, chỉ là quá lâu rồi học vấn bị núi rừng che mờ. Bảy học sinh giỏi này sẽ khởi đầu, viết lên chương mới về học tập của người Cor.
Chuyện của thầy hiệu phó
Thầy Hồ Xuân Bằng - phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Tây Trà - cũng kể về câu chuyện của mình. Năm 2003, thầy Bằng từng trở thành niềm tự hào của người Cor khi đoạt giải ba (lớp 12) kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Thời đó, thầy Bằng là cánh chim lạc loài khi dám bỏ núi xuống trường THPT dân tộc nội trú tỉnh ở TP Quảng Ngãi học. Năm 2007 tốt nghiệp đại học, thầy Bằng trở lại Tây Trà giảng dạy.
"16 năm gắn bó với giáo dục Tây Trà, tôi luôn kể câu chuyện của mình cho các em nghe mà cố gắng học tập. Tôi thật sự hạnh phúc khi nhìn thấy học sinh của mình có thành tích cao. Bây giờ, tôi có niềm tin giáo dục Tây Trà sẽ không còn mục tiêu phổ cập giáo dục nữa. Rồi đây sẽ có một thế hệ tài năng thay đổi bộ mặt Tây Trà bằng học thức và tỏa đi muôn nơi góp sức cho cuộc phát triển chung của đất nước" - thầy Bằng trải lòng.
Những lời hứa
Sau buổi lễ là những cái bắt tay thân tình của nhà thơ Thanh Thảo với thầy cô, học sinh miền ngược. Bà Đinh Thị Thu Hương, trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trà Bồng, chia sẻ về ngôi trường nội trú mới ở Tây Trà đã xây dựng xong để đón các em học sinh người Cor trong năm học đến. Nút thắt lâu nay là trường đã làm xong, nhưng giường cho học trò ở nội trú chưa có, kinh phí giáo dục miền núi hạn chế không tìm ra nguồn.
Nhà thơ Thanh Thảo nghe xong đã gọi điện cho "chiến hữu" của mình kể về thành tích của học trò Tây Trà vừa đạt được và nhờ sự giúp đỡ. Người bạn ông đã đồng ý sẽ vận động 80 giường tầng đưa đến Tây Trà.
"Giáo dục là gốc rễ của sự phát triển, cộng đồng sẵn sàng chung tay để giáo dục vùng trũng phát triển. Quan trọng nhất là thầy cô phải dạy bằng tất cả yêu thương để các cháu phát triển" - nhà thơ Thanh Thảo nói.
Đáp lại, bà Hương hứa: "Tụi cháu sẽ cố gắng để lần sau bác trở lại nơi này sẽ có thêm những em học trò người Cor giỏi giang hơn. Cảm ơn bác đã lặn lội đường sá xa xôi đến với giáo dục miền cao".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận