12/06/2024 20:58 GMT+7

Bất động sản mòn mỏi chờ kết nối đường vành đai, metro Bến Thành - Suối Tiên

Metro Bến Thành - Suối Tiên lại xin lùi thời gian vận hành thương mại, trong khi việc khép tuyến vành đai 2 đình trệ gần 4 năm khiến các doanh nghiệp địa ốc mòn mỏi chờ kết nối với những cung đường quan trọng này.

Các tuyến giao thông trọng điểm như metro, đường vành đai 2, 3 hoàn thành sẽ là cú hích cho thị trường bất động sản TP.HCM - Ảnh: NGỌC HIỂN

Các tuyến giao thông trọng điểm như metro, đường vành đai 2, 3 hoàn thành sẽ là cú hích cho thị trường bất động sản TP.HCM - Ảnh: NGỌC HIỂN

Các dự án bất động sản chờ metro vận hành, vành đai 2 khép tuyến

Dù đã hoàn thành xong 98% khối lượng thi công, nhưng hạng mục cầu bộ hành chưa xong, đang nghiệm thu phòng cháy, đào tạo lái tàu… khiến TP.HCM phải xin lùi thời gian vận hành thương mại đối với tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên thay vì bắt đầu từ 1-7. 

Trước đó, UBND TP.HCM cũng đã có nhiều văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc điều chỉnh thời điểm hoàn thành thi công, đưa vào vận hành thương mại dự án metro Bến Thành - Suối Tiên từ quý 4-2023 sang quý 4-2024.

Việc lùi thời gian vận hành khiến các dự án địa ốc "ăn theo" hạ tầng metro ở khu vực phía đông TP.HCM cũng sụt sùi theo, bởi doanh nghiệp kỳ vọng mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng) sẽ là động lực thúc đẩy thị trường bất động sản hồi phục.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Mạnh Chí - phó tổng giám đốc Công ty Đông Tây Property - cho hay các dự án nhà ở dọc các trục metro Bến Thành - Suối Tiên, đặc biệt các dự án gần các nhà ga luôn được người dân quan tâm bởi tính tiện ích kết nối giao thông. 

Theo ông Chí, nhiều nhà phát triển địa ốc cũng đã chú trọng đến mô hình TOD khi tìm kiếm quỹ đất, phát triển dự án dọc các tuyến metro và đường vành đai. 

Tuy nhiên, ông cho hay các dự án giao thông chậm đưa vào vận hành hoặc khép tuyến như dự án đường vành đai 2 cũng khiến doanh nghiệp sụt sùi chờ đợi.

Trong khi đó, chủ đầu tư một dự án bất động sản dọc trục metro cho hay doanh nghiệp này đã phải điều chỉnh kế hoạch bán hàng của dự án, chờ đến khi dự án metro Bến Thành - Suối Tiên chính thức hoạt động mới bán hàng bởi thị trường vẫn còn ảm đạm. 

"Metro chính thức chạy và tuyến vành đai 2 còn lại hoàn thành sẽ là động lực rất lớn để người dân thấy được sự tiện lợi về giao thông để đầu tư vào các dự án theo mô hình TOD, nên lúc đó chúng tôi mới mở bán trở lại", vị này nói.

Hiện nay loạt dự án xung quanh khu vực đoạn 3 của dự án vành đai 2 như Fiato Uptown (khu cao tầng thuộc dự án Thang Long Home Hưng Phú), King Crown Infinity, Urban Green, Phúc Yên Prosper Phố Đông... cũng chờ "bung hàng" để đón đầu hạ tầng khi vành đai 2 khép toàn tuyến. Dự kiến đoạn này hoàn thành giải phóng mặt bằng trong năm 2024 và hoàn thành thi công năm 2025.

Các dự án bất động sản chờ hưởng lợi từ kết nối hạ tầng. Trong ảnh là  2,7km thuộc dự án vành đai 2 dự kiến sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng trong năm 2024 và hoàn thành thi công năm 2025  - Ảnh: CHÂU TUẤN

Các dự án bất động sản chờ hưởng lợi từ kết nối hạ tầng. Trong ảnh là 2,7km thuộc dự án vành đai 2 dự kiến sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng trong năm 2024 và hoàn thành thi công năm 2025 - Ảnh: CHÂU TUẤN

Cú hích cho thị trường bất động sản, tăng nguồn cung nhà ở

Ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - cho rằng mô hình TOD đã khuyến khích doanh nghiệp bất động sản mua lại quỹ đất hai bên đường, phát triển các dự án tầm cỡ.

Theo ông Châu, việc khai thác tốt quỹ đất hai bên các tuyến đường mới mở hay tại các nhà ga của các tuyến metro sẽ tạo môi trường kinh doanh minh bạch trong đấu giá, thu hút nhà đầu tư, TP bù đắp được khoản tiền đã bỏ ra đầu tư hạ tầng, từ đó đem tái đầu tư ở các dự án khác. Từ đây, thị trường sẽ đón nhận nhiều nguồn cung bất động sản mới từ những dự án sạch về pháp lý.

Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - giám đốc bộ phận tiếp thị nhà ở CBRE, các tuyến đường vành đai, cao tốc, metro sẽ tạo ra xu hướng xây dựng các đô thị ly tâm phát triển. Các hệ thống tuyến đường vành đai sẽ tác động rõ nét đến sự "thay da đổi thịt" của thị trường bất động sản.

Trong khi đó, ông Trần Mạnh Chí cho hay các thống kê cho thấy giá bán trung bình ở một số dự án bất động sản đều đã tăng 50 - 70%. Thậm chí có những dự án đã tăng mạnh hơn nhờ những cú hích hạ tầng. 

Do đó, ông cho rằng việc sớm hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm sẽ mang lại dư địa lớn cho thị trường địa ốc, nhất là quỹ đất mới giúp tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường TP.HCM và phía Nam. 

"Các dự án hạ tầng sớm hoàn thành sẽ là cú hích cho thị trường địa ốc, giúp kéo thị trường ấm lên trong bối cảnh thanh khoản thấp thời gian qua", ông Chí nói.

Doanh thu kinh doanh địa ốc dần khởi sắc

Cục Thống kê TP.HCM cho hay, 5 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ khác của TP.HCM là 172.491 tỉ đồng, tăng 8,6%. Trong đó, doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản ước đạt 101.814 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 59% trong doanh thu dịch vụ khác và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, 4 tháng đầu năm 2024, doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản ước đạt 80.845 tỉ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá bất động sản TP.HCM: Căn hộ 50-70 triệu đồng/m², biệt thự 160-450 triệu đồng/m²Giá bất động sản TP.HCM: Căn hộ 50-70 triệu đồng/m², biệt thự 160-450 triệu đồng/m²

Thị trường bất động sản TP.HCM phân hóa lớn khi giá căn hộ phổ biến từ 50-70 triệu đồng/m², có những dự án trên 100 triệu đồng/m², trong khi phân khúc biệt thự, nhà liền kề có giá lên đến 450 triệu đồng/m².

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên