04/11/2012 06:38 GMT+7

"Bắt dạy thêm như bắt trộm": Người trong cuộc tâm tư

TÒA SOẠN
TÒA SOẠN

TT - Ít có vấn đề nào mà bạn đọc phản hồi nhiều chiều như câu chuyện biết rồi, nói mãi, khổ lắm là chuyện dạy thêm, học thêm.

Hơn 400 ý kiến gửi về tòa soạn phản hồi bài “Bắt dạy thêm như bắt trộm” (Tuổi Trẻ ngày 2-11) là ý kiến của thầy cô giáo, phụ huynh và các bạn trẻ từng là học sinh. Theo đó, đứng ở vị trí của mình, tất cả những người trong cuộc liên quan đến việc dạy thêm, học thêm, ai cũng có nhiều tâm tư và lắm nỗi niềm.

2nVxq0An.jpgPhóng to
Học sinh Trường THCS Xuân Diệu, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) ăn vội ngay trong trường để học thêm ca tối tại trường - Ảnh: trường giang

Đầu tiên là những người thầy. Đa số đều cho rằng họ thấy tủi hổ khi người thầy bị đối xử thô bạo trước học trò vì “cái tội” dạy thêm. Ngoài việc nêu các lý do: đồng lương bèo bọt không đủ sống, chương trình học nặng nề, quá tải, kiểu giáo dục chạy theo thành tích... để lý giải vì sao giáo viên phải dạy thêm, nhiều thầy cô giáo còn chỉ ra rằng không phải ai dạy thêm cũng xấu và chỉ để thu tiền.

Thầy Nguyễn Đức Lượng (ndl_1912@...) viết: “Tôi vừa trở về từ một lớp "dạy thêm", ăn cơm tối lúc 21g, xong ngồi vào bàn làm việc thì tình cờ đọc được bài báo “Bắt dạy thêm như bắt trộm” mà thấy chạnh lòng! Bản thân tôi là một nhà quản lý giáo dục, nhưng vẫn phải đi dạy thêm do nhu cầu của học sinh. Tối nay tôi vừa dạy một lớp có 14 em học sinh chuẩn bị thi học sinh giỏi cấp huyện. Tôi nhờ địa điểm tại trường THCS, nơi các em theo học để dạy. Tôi dạy thêm không có người quản lý vì tôi không thu tiền... Là một nhà quản lý giáo dục, tôi hiểu rằng nếu người của “liên ngành” ập đến thì tôi cũng phải ngậm ngùi mà ký vào biên bản vi phạm vì dạy thêm không có giấy phép, không có người quản lý...”.

Thầy Lượng cho biết khi ngồi gõ những dòng tâm sự trên, thầy ước ao: “Một ngày nào đó, không còn cảnh thầy cô đứng lớp với tiền công 1.050.000 đồng/tháng (chưa trừ các khoản). Không còn thầy cô “được vào biên chế” rồi thì lơi lỏng chuyên môn, chỉ lo “làm ngoài” kiếm tiền. Khi ấy, các thầy cô dạy học sinh nhiệt tình hơn, chu đáo hơn, để không đến lượt những người như chúng tôi vẫn phải tham gia đứng lớp”.

Một thầy giáo dạy tiếng Anh viết: “Tôi là giáo viên dạy môn tiếng Anh đã 19 năm nay, mấy năm đầu tôi có dạy thêm vì thời đó không xô bồ như hiện nay, nhưng hơn 10 năm nay tôi không dạy nữa, bởi mỗi đầu tháng phải nhắc nhở học sinh đóng tiền tôi quá ngại vì đâu phải mình bán chữ! Nhưng rồi ai cũng hỏi tôi: “Dạy thêm ngon quá chứ, thầy vậy là giàu", thật chua chát, người ta cứ cho rằng giáo viên là một người kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế có nhiều giáo viên không cần trau dồi kiến thức, nghiệp vụ mà chú tâm sao cho dạy thêm được nhiều học sinh nên mới có hiện tượng tiêu cực trong việc dạy chính khóa”.

Thừa nhận có những giáo viên chỉ chú trọng làm sao dạy thêm cho được nhiều học sinh, nhưng thầy giáo này xin mọi người đừng nghĩ thầy cô giáo đều như vậy cả. “Đọc bài báo trên, tôi thương cho những thầy cô như tôi quá!” - ông viết.

Nhìn từ phía các phụ huynh có con em đi học thêm, rất nhiều người than phiền việc giáo viên đứng lớp o ép học sinh phải học thêm mình.

Bạn đọc Nguyễn Văn Phương kể: “Tôi có con học tiểu học, mặc dù bé học rất giỏi nhưng vẫn phải cho học thêm tại nhà giáo viên vì từng xảy ra việc phân biệt đối xử. Khi cháu học lớp 2, chúng tôi thấy không cần thiết phải học thêm vì bé đã học giỏi và chuyện phân biệt đối xử đã xảy ra... Đi học về, bé buồn và không nói chuyện, chúng tôi hỏi mới biết và phải giải quyết bằng cách cho bé học thêm tại nhà cô giáo. Nhưng tôi biết hình ảnh về người thầy cao quý đã không còn trong bé cho đến tận bây giờ”.

Lý giải chuyện dạy thêm tràn lan, nhiều bạn đọc đã nhận ra rằng do Nhà nước và ngành giáo dục chưa giải quyết cái gốc của vấn đề. Bạn đọc duyenagtex@... cho rằng: “Đọc xong bài báo “Bắt dạy thêm như bắt trộm”, tôi thấy chúng ta đang xử lý từ ngọn chứ không phải từ gốc của vấn đề. Sao không tự đặt câu hỏi: Vì sao học sinh học thêm? Vì sao giáo viên dạy thêm? Đặt trường hợp nếu chương trình học cải cách hợp lý, thời lượng học trên lớp phù hợp cho học sinh có khả năng tự học tốt, lương giáo viên đảm bảo cuộc sống (chỉ là đảm bảo thôi).... thì việc dạy thêm, học thêm còn xảy ra tràn lan và khó kiểm soát như thế này không?”.

Ngoài đề tài dạy thêm, học thêm, tuần qua trong tổng số 2.775 email phản hồi tin, bài trên Tuổi Trẻ, bạn đọc còn quan tâm bình luận các vấn đề như: tháp truyền hình Nam Định ngã sau bão số 8, tai nạn máy bay suýt xảy ra, tận diệt thú rừng, công an giúp dân...

TÒA SOẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên