02/07/2015 08:00 GMT+7

Bắt đầu làm phách, chấm thi

VĨNH HÀ - THANH HÀ - NGỌC HÀ - TRẦN HUỲNH
VĨNH HÀ - THANH HÀ - NGỌC HÀ - TRẦN HUỲNH

TT - Ngay khi kỳ thi THPT quốc gia hoàn tất ngày thi đầu tiên, nhiều cụm thi đã chuẩn bị xong việc dồn túi bài thi, làm phách, sẵn sàng cho việc chấm thi được thực hiện sớm nhất có thể.

Một nhóm thí sinh tại cụm thi Trường ĐH Tây Nguyên thể hiện quyết tâm trước giờ thi môn toán - Ảnh: Tiến Thành

Trong buổi làm việc với sở chỉ huy kỳ thi THPT quốc gia của Hà Nội sáng 1-7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhắc nhở vấn đề chấm thi cũng cần lưu ý để không xảy ra việc nơi này chấm chặt, nơi kia chấm lỏng giữa các tỉnh thành, giữa các cụm thi.

Muốn vậy ngoài việc nghiêm túc của các hội đồng chấm thi, Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu hướng dẫn chấm, barem điểm hợp lý.

Phó thủ tướng yêu cầu các trường cần tập trung nhân lực, tập huấn kỹ cán bộ chấm thi, chuẩn bị các điều kiện vật chất và kỹ thuật để thực hiện khâu chấm thi nghiêm túc, đảm bảo kết quả thi của thí sinh chính xác, công bằng trong xét tuyển chung.

Sau khi đã tổ chức tốt kỳ thi, công tác chấm thi an toàn, chính xác sẽ góp phần quan trọng để tạo niềm tin cho nhân dân về kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Chúng ta đã chuẩn bị tốt rồi, nhưng điều cần quan tâm là phải làm thật nghiêm túc giữa các cụm thi, trên tinh thần trung thực, khách quan, nhưng không gây áp lực căng thẳng cho thí sinh. Không được để xảy ra tình trạng coi thi ở cụm địa phương thiếu nghiêm túc hơn cụm do trường ĐH chủ trì, để thí sinh có kết quả cao đỗ tốt nghiệp và tăng nguồn tuyển cho các trường ĐH, CĐ tại địa phương như dư luận vẫn lo ngại. Việc này cần phải được nhắc nhở trên toàn quốc”.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhắc tới thời tiết khắc nghiệt trong buổi thi đầu tiên và có thể kéo dài trong các ngày tiếp theo.

“Các địa phương, các trường cần lưu ý giúp việc này, bằng mọi cách hỗ trợ thí sinh. Cán bộ y tế tại các điểm thi ngoài việc chuẩn bị thuốc men, sơ cứu kịp thời cho thí sinh thì cần tăng cường giúp thí sinh giữ gìn sức khỏe, tăng cường nước uống, quạt mát cho thí sinh trong các phòng thi” - ông Đam lưu ý.

Thí sinh vừa hoàn thành thi môn toán tại điểm thi Trường THPT Võ Thị Sáu , Q.Bình Thạnh , TP. HCM, sáng 1-7 - Ảnh: Duyên Phan
Thí sinh vừa hoàn thành thi môn toán tại điểm thi Trường THPT Võ Thị Sáu , Q.Bình Thạnh , TP. HCM, sáng 1-7 - Ảnh: Duyên Phan

Vừa thi, vừa chuẩn bị chấm

Nhiều cụm thi cho biết do Bộ GD-ĐT yêu cầu phải hoàn tất công tác chấm thi trước ngày 20-7, sớm hơn so với các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây, nên công tác chấm thi được thực hiện khẩn trương hơn. Nhiều cụm thi lựa chọn phương án làm phách theo hình thức cuốn chiếu ngay sau mỗi môn thi.

Tại cụm thi do Trường ĐH Vinh chủ trì dành cho thí sinh hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có đến hơn 37.000 thí sinh dự thi.

Theo ông Nguyễn Minh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Vinh, do số lượng thí sinh dự thi lớn nên hội đồng thi quyết định dồn túi bài thi, làm phách theo hình thức cuốn chiếu ngay từ ngày 2-7. Dự kiến trong ngày 2-7, hội đồng thi cũng sẽ họp bàn triển khai công tác chấm thi.

Với số lượng bài thi lớn, Trường ĐH Vinh sẽ huy động cả giáo viên tại chỗ và giáo viên từ các sở GD-ĐT Nghệ An, Hà Tĩnh hỗ trợ công tác chấm thi.

Dự kiến, với những môn thi có nhiều thí sinh dự thi như toán, ngữ văn, cụm thi sẽ bố trí 150 giáo viên chấm mỗi môn thi. Còn ông Nguyễn Quang Dong - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân - cho biết trường sẽ bắt đầu làm phách ngay từ ngày 2-7 để có thể chính thức chấm thi từ ngày 5-7.

Cụm thi do Trường ĐH Thủy lợi chủ trì đón 15.615 thí sinh dự thi, nhiều gấp đôi so với số lượng thí sinh dự thi vào trường mọi năm.

Ông Nguyễn Quang Kim - hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi - cho biết do số lượng thí sinh đông, trong khi thời gian Bộ GD-ĐT quy định cho việc chấm thi quá gấp, nên trường quyết định ngay sau mỗi môn thi xong sẽ tiến hành rọc phách số bài thi của môn thi đó để đẩy nhanh tiến độ chấm thi, đặc biệt là môn toán và ngữ văn.

“Tôi nghĩ không quá lo lắng về việc chấm lỏng hay chặt, nếu tuân thủ nghiêm túc hai vòng chấm độc lập. Ngày 5-7, hội đồng chấm thi sẽ tiến hành việc phổ biến hướng dẫn chấm, chấm chung một số túi bài thi để rút kinh nghiệm. Chúng tôi sẽ cố gắng để hoàn tất công việc trước 20-7” - ông Kim cho biết.

Tại TP.HCM, sau khi kết thúc ngày thi đầu tiên 1-7, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, một trong các trường ĐH chủ trì cụm thi tại TP.HCM, đã tiến hành chạy phần mềm làm phách của bộ và làm phách bài thi các môn đã thi xong.

Tương tự, Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng đã bắt đầu rọc phách từ chiều 1-7. Trong khi đó, một số trường ĐH khác rọc phách trễ hơn. Trường ĐH Sư phạm TP.HCM làm phách vào sáng nay 2-7, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM ngày 3-7 mới tiến hành làm phách các môn đã thi xong nhằm đảm bảo tiến độ chấm thi. ĐHQG TP.HCM, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Y dược TP.HCM ngày 5-7 sẽ làm phách bài thi.

Tại Cần Thơ, ông Nguyễn Minh Trí, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, cho biết chiều 1-7 ban thư ký cụm thi Cần Thơ đã bắt đầu kiểm tra và rọc phách bài thi hai môn toán và ngoại ngữ để phục vụ công tác chấm thi ngay sau khi kết thúc kỳ thi.

Cũng theo ông Trí, hội đồng chấm thi Trường ĐH Cần thơ đã huy động 600 giáo viên chấm thi là giảng viên tại trường và giáo viên các trường THPT tại tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long.

Đề thi các môn tiếp theo sẽ có câu hỏi thời sự

Tại buổi họp báo kết thúc ngày thi đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia 2015 do Bộ GD-ĐT tổ chức tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết ban đề thi đã cố gắng đưa tình hình thời sự vào đề thi.

Cụ thể, ngay cả môn toán cũng đưa sự kiện dịch MERS-CoV vào đề. Trong khi đề thi môn tiếng Anh có câu hỏi về vận động viên bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên.

“Mục tiêu của việc đưa những sự kiện thời sự này vào đề thi để tạo sự hào hứng cho thí sinh làm bài. Các môn thi tiếp theo cũng sẽ tiếp tục được ra theo hướng này” - ông Ga cho biết.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết ngay khi kết thúc môn thi đầu tiên, nhiều cụm thi đã triển khai công tác làm phách để chấm thi cho kịp tiến độ.

Hiện nay, tất cả các cụm thi đã có kế hoạch chấm thi, lực lượng chấm thi gồm giảng viên các trường ĐH và giáo viên của các Sở GD-ĐT có liên quan. Các trường ĐH chủ trì cụm thi đã nêu yêu cầu số lượng giáo viên chấm thi, và các sở đã có danh sách điều động giáo viên tham gia có kinh nghiệm chấm thi.

“Công tác phối hợp giữa các bên hiện rất tốt, không còn tình trạng các trường phải chạy khắp nơi để tìm kiếm người chấm thi. Cả cụm thi địa phương và cụm thi do các trường ĐH chủ trì sẽ có cùng barem, đảm bảo tính khách quan, công bằng cho tất cả thí sinh.

Với sự phối hợp chặt chẽ như vậy, công tác chấm thi sẽ hoàn thành đúng theo kế hoạch dự kiến (ngày 20-7 hoàn tất khâu chấm thi) hoặc có thể sớm hơn để thí sinh có kết quả tham gia xét tuyển ĐH, CĐ” - ông Ga nói.

Tây nguyên: sẽ thực hiện nhanh

Chiều 1-7, ông Trương Thức - chánh văn phòng Sở GD-ĐT Đắk Lắk - cho biết việc chấm thi kỳ thi THPT quốc gia do sở chủ trì sẽ được thực hiện khi kỳ thi kết thúc.

Theo đó, các bài thi đã thi xong sẽ được lưu tại hội đồng thi một cách nghiêm ngặt. Sau khi môn cuối cùng của kỳ thi kết thúc, các bài làm sẽ được chuyển về sở để chấm thi.

“Hết ngày 4-7, khi kỳ thi kết thúc, bài thi của thí sinh được đưa về sở. Ngay sau đó hội đồng chấm thi sẽ họp và ấn định thời gian rọc phách, chấm thi theo quy định. Thường thì việc chấm thi sẽ bắt đầu sau 1 - 2 ngày kể từ khi bài thi được đưa về sở” - ông Thức thông tin.

Tương tự, cụm thi do Trường ĐH Tây nguyên chủ trì cũng sẽ thực hiện việc chấm thi phải sau ngày 4-7. TS Nguyễn Tấn Vui - hiệu trưởng nhà trường - thông tin thêm sau khi bài thi của thí sinh được đưa về trường, hội đồng chấm thi phải họp, đánh số phách, rọc phách rồi mới bắt đầu chấm thi.

Theo quy định, năm nay việc chấm thi sẽ được thực hiện nhanh và hoàn thành trước ngày 20-7.

VĨNH HÀ - THANH HÀ - NGỌC HÀ - TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên