Được khai thác gần 2 triệu m3
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp, đó là mỏ cát Tân Thuận Đông, nằm trên địa bàn xã Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh, xã Mỹ An Hưng A và xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò. Mỏ cát này có diện tích 25,31ha, tổng trữ lượng 1,75 triệu m³, được phép khai thác là 1,2 triệu m³.
Công suất khai thác 1 triệu m³/năm, lượng cát khai thác tối đa 83.333 m³/tháng, trung bình 2.778 m³/ngày, mức sâu âm 15m. Thời gian khai thác trong 15 tháng và cải tạo phục hồi môi trường để đóng cửa mỏ 6 tháng.
Còn mỏ cát Thường Lạc thuộc xã Long Khánh A, xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự và phường An Lạc, TP Hồng Ngự diện tích 11,59ha. Tổng trữ lượng 757.574m³ được phép khai thác tối đa 533.150m³.
Trong đó cấp phép cho nhà thầu khai thác 430.000m³, lượng cát khai thác tối đa 44.429m³/tháng, trung bình 1.481m³/ngày, mức sâu âm 15m. Khai thác theo hình thức lộ thiên trong 10 tháng và cải tạo phục hồi môi trường để đóng cửa mỏ 6 tháng.
Hai mỏ cát Tân Thuận Đông và Thường Lạc đều nằm trên sông Tiền, được UBND tỉnh Đồng Tháp giao cho nhà thầu Công ty CP Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C khai thác phục vụ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu.
Cập nhật hằng ngày khối lượng cát khai thác
Ông Đỗ Minh Châu - phó giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C, nhà thầu thi công - đã có báo cáo chi tiết kế hoạch khai thác hai mỏ cát được giao.
Đối với mỏ Tân Thuận Đông có 5 phao giới hạn vùng nước, 3 xáng cạp có gắn thiết bị định vị và camera quan sát, bộ nhớ lưu trữ 30 ngày, thời gian khai thác từ 7h-17h, không khai thác vào ban đêm; 30 phương tiện vận chuyển cát (khối lượng 200 - 600m³) và 15 cán bộ vận hành khai thác mỏ.
Tương tự, mỏ cát Thường Lạc có 4 phao giới hạn vùng nước, 2 xáng cạp gắn thiết bị định vị và camera giám sát, từ 7h- 17h, không khai thác vào ban đêm; 30 phương tiện (khối lượng 200 - 600m³) và 10 cán bộ vận hành khai thác.
Nhà thầu cam kết quản lý chặt chẽ nguồn cát, cập nhật hằng ngày khối lượng khai thác cát cung cấp cho từng sà lan vận chuyển, báo qua nhóm Zalo gồm thành viên của các đơn vị: nhà thầu thi công, tư vấn giám sát, Phòng tài nguyên khoáng sản thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp và Ban quản lý dự án.
Cuối ngày, các đơn vị nhận cát cung cấp bảng thống kê số lượng sà lan và khối lượng đến công trình, có chữ ký xác nhận của nhà thầu và tư vấn giám sát gửi lên nhóm Zalo để đối chiếu với số lượng sà lan và khối lượng tại nơi khai thác.
Công trình đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu dự án thành phần 1 thuộc tỉnh Đồng Tháp, chiều dài 16km, tổng mức đầu tư 3.640 tỉ đồng, đã khởi công ngày 25-6-2023 và được hưởng cơ chế đặc thù khai thác cát.
Nhu cầu cát đắp nền của dự án là 2,25 triệu m³ đã được UBND tỉnh Đồng Tháp bố trí ba mỏ cát.
Mỏ cát còn lại sắp được giao cho nhà thầu thuộc xã An Hiệp và xã An Nhơn, huyện Châu Thành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận