Một em bé bị chở đến bỏ giữa đồng ở Củ Chi. Tuy nhiên, heo thông tin từ công an, chưa có cở sở cho rằng em gái bị bắt cóc - Ảnh cắt từ clip |
Cùng với mớ rau, con cá, cân thịt khi đi chợ về, bám theo bà nội trợ luôn là câu chuyện bắt cóc trẻ em ly kỳ và huyền bí. Sao lại là huyền bí?
Vì người ta không biết mục đích thật sự của kẻ bắt cóc là gì: đòi tiền chuộc, buôn bán trẻ em, trả thù, mâu thuẫn cá nhân hoặc hôn nhân gia đình…
Cũng chưa có kẻ bắt cóc nào bị bắt và chưa ai đến cơ quan công an trình báo rõ ràng về việc thân nhân bị bắt cóc.
Chỉ có vụ “cướp giật trẻ em” không thành ở Tân Bình được truyền thông đưa chính thức, còn lại đều là tin đồn.
Theo chị B.H, như thường lệ vào khoảng 16g ngày 18-3, chị đi rước con là bé N. (khoảng 5 tuổi) tại trường mầm non.
Khi đi bộ trên trên đường Âu Cơ (Q.Tân Bình), hướng từ đường Trường Chinh về Lũy Bán Bích, đến trước số nhà 1024, chị chuẩn bị sang đường để đón anh trai của N. thì thấy hai thanh niên tiến tới hỏi thăm đường.
Vừa đến nơi, một thanh niên ngồi sau nhảy xuống xe, đi bộ sau lưng chị H. Người còn lại chạy xe, áp sát gần bên chị dò hỏi đường: “Chị ơi cho em hỏi đường này là đường gì. Tôi liền trả lời là đường Âu Cơ thì bất ngờ tên ngồi sau chạy lên, giật mạnh bé N. trên tay tôi định bỏ chạy”.
Lúc này, chị H. hốt hoảng, giật mạnh tay N., dùng chân đạp mạnh vào xe máy nhằm ngăn cản nam thanh niên chạy thoát. Trong lúc đó chị vừa giằng lại con vừa hô kêu cứu mọi người xung quanh.
Thấy vậy hai bảo vệ ở cửa hàng gần đó chạy tới ứng cứu thì hai thanh niên lập tức bỏ chạy về hướng đường Lũy Bán Bích.
“Khi bảo vệ chạy lại thì tụi nó dựng xe dậy và bỏ chạy mất rồi. Nhiều người gần đó nghe cứu nhưng họ không tới giúp vì không biết chuyện gì xảy ra. Họ tưởng đâu hai vợ chồng gây lộn, cãi nhau. Giờ nghĩ lại thấy vẫn còn sợ”, chị H. bàng hoàng kể lại.
Nhưng cho đến nay vụ việc này vẫn chưa được cơ quan chức năng kết luận là bắt cóc trẻ em hay “hoang báo” hoặc là vụ hình sự thông thường khác.
Trung tá Nguyễn Quang Thắng, phó phòng tham mưu công an TP.HCM cho biết đến bây giờ công an TP.HCM mới chính thức ghi nhận một vụ "giành con" tại quận Tân Bình.
“Người mẹ thông tin đến công an là có hai đối tượng chạy xe đến giằng con nhưng hiện công an quận xác định là trong lời khai có nhiều mâu thuẫn. Chúng tôi đang triển khai để nắm các mối quan hệ trong gia đình người phụ nữ này để xem có mâu thuẫn gì không.
Muốn làm rõ thì phải bắt được hai đối tượng kia và hiện công an TP.HCM đang rất nỗ lực. Còn các vụ khác công an TP chưa ghi nhận được là có hành vi bắt cóc hay không, vì vậy mong các báo đừng có thể hiện quá lên, gây bất an cho người dân, khiến các gia đình lo lắng về nạn bắt cóc trẻ em” - Trung tá Thắng nói.
Về việc một số trường học treo bảng đề nghị phụ huynh cảnh giác với việc bắt cóc trẻ em, ông Thắng cho biết sẽ đề ra những phương pháp tuyên truyền cho phù hợp bởi nếu làm quá lên thì sẽ ảnh hưởng đến xã hội.
Trong khi đó cùng trả lời vấn đề trên vào trưa cùng ngày, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM khẳng định từ đầu năm đến nay tại TP.HCM chưa xảy ra vụ bắt cóc trẻ em nào.
Ông Quang cho rằng chưa thể khẳng định việc người mẹ bị hai đối tượng giành con tại quận Tân Bình là hành vi bắt cóc không thành.
Theo ông Quang, bắt cóc là một hành vi nghiêm trọng và nếu xảy ra công an khu vực sẽ ngay lập tức phải báo cáo lên Công an TP.
“Một số người quen cũng kể chỗ này chỗ kia xảy ra bắt cóc y như phim nhưng tôi khẳng định là không có” - ông Quang nói.
Ông Quang đề nghị người dân khi đọc những thông tin trên mạng phải chú ý chọn lọc và nếu phát hiện bất thường hãy báo cho công an. Ngoài ra, Công an TP cũng sẽ xử lý những người cố tình tung tin thất thiệt.
Về việc treo bảng cảnh báo của các trường học Đại tá Quang cho rằng đây là việc làm đáng hoan nghênh nhưng cũng mong trường học hãy tuyên truyền để phụ huynh biết rằng không có những vụ bắt cóc gần đây.
Cùng lúc công an Hà Nội nhận định có việc cố tình tung ra thông tin bắt cóc trẻ em để gây hoang mang dư luận, các bộ phận liên quan về tội phạm công nghệ cao đang vào cuộc thẩm tra và tìm nguồn tán phát thông tin bịa đặt.
Điều khác thường là tin đồn bắt cóc trẻ em trên mạng xã hội xuất hiện vào lúc không có vụ bắt cóc trẻ em nào. Còn những lúc có bắt cóc trẻ em thật thì lại không có tin đồn, công an đã phá án.
Còn nhớ vào những năm đầu 1990 rộ lên việc bắt cóc trẻ sơ sinh để bán và cung cấp cho những người hiếm muộn muốn có con, nhóm phóng viên chính trị xã hội đã vào cuộc điều tra, đến tận bệnh viện có trẻ sơ sinh bị bọn buôn bán trẻ em bỏ lại từ nhiều nơi đem về, cơ quan điều tra với sự hỗ trợ của các bệnh viện đã phá án, Tuổi Trẻ thông tin đầy đủ nhưng xã hội không có tin đồn kinh khủng như hiện nay.
Vào những năm 1980, cũng vào thời điểm không có vụ bắt cóc trẻ em nào… tin đồn bắt cóc trẻ em, đã gây chấn động dư luận. Sau thời gian điều tra, công an kết luận đây chỉ là tin đồn ác ý do các nhóm phản động gây ra và báo chí vào cuộc giải thích thì tin đồn và nỗi sợ mới hạ nhiệt.
Bảo vệ trẻ em là việc làm thường xuyên và luôn luôn, học tập các kỹ năng bảo vệ trẻ khi đến trường và trên phố là điều cần thiết nhưng các bậc phụ huynh cũng đừng quá sợ hãi trước những tin đồn ác ý sẽ được cơ quan chức năng làm rõ trong nay mai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận