24/11/2019 05:30 GMT+7

Bảo vệ tà áo dài chính là đang bảo vệ 'chủ quyền văn hóa' Việt Nam

THIÊN ĐIỂU - NGỌC HIỂN - TIẾN LONG ghi
THIÊN ĐIỂU - NGỌC HIỂN - TIẾN LONG ghi

TTO - Chuyện tà áo dài Việt Nam lên sàn diễn quốc tế gây tranh luận (Tuổi Trẻ ngày 22, 23-11) đặt ra câu hỏi cần hành động thế nào để áo dài trở thành báu vật của đời sống, của văn hóa người Việt, bảo vệ áo dài là bảo vệ "chủ quyền văn hóa" Việt Nam.

Bảo vệ tà áo dài chính là đang bảo vệ chủ quyền văn hóa Việt Nam - Ảnh 1.

Bạn trẻ mặc áo dài đi chơi ngày tết ở quận 1, TP.HCM - Ảnh: THANH VÂN

Tuổi Trẻ giới thiệu đến bạn đọc những góp ý, hiến kế của các nhà nghiên cứu, giới chuyên môn... về vấn đề này.

* Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn (tác giả tập sách Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn):  Áo dài đương nhiên là quốc phục Việt

tran dinh son-23-11 4(read-only)

Khoảng đầu thế kỷ 17, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã tìm hiểu những sách cổ của nền văn hóa Đông Á về các mẫu mã y phục, cộng với những trang phục của các dân tộc ở Đàng Trong để tạo nên mẫu trang phục chung cho cả đàn ông và đàn bà gọi là áo dài với năm thân cổ đứng, cài vào bên tay phải.

Từ thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 18, trang phục này phổ biến khắp Đàng Trong và đây là mẫu y phục chung. Từ sông Gianh trở ra có trang phục truyền thống áo tứ thân với nữ, áo giao lĩnh của đàn ông.

Qua thế kỷ 19 khi vua Gia Long thống nhất đất nước, lúc đầu khuyến khích thay đổi y phục giống nhau trên toàn quốc với mẫu áo dài năm thân, chưa bắt buộc bằng luật lệ.

Đến thời Minh Mạng (1820 - 1840), đã có sự bắt buộc toàn quốc mặc quốc phục áo dài nước Việt với mẫu áo năm thân cổ đứng. Từ cuối thế kỷ 19 đến thế kỷ 20, các nước phương Tây đến châu Á nhận ra các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam… đều có những bộ trang phục mang đặc trưng của dân tộc và mỗi quốc gia đều có những bộ quốc phục riêng.

Từ đó, thế giới đã công nhận áo dài là quốc phục của Việt Nam. Từ khi có mẫu y phục áo dài của Đàng Trong này đến cuối thế kỷ 20 và đến bây giờ, hầu như ai cũng công nhận mẫu áo dài này là trang phục của nước Việt, là quốc phục của dân tộc Việt.

Ở Trung Quốc, sau khi nhà Minh chấm dứt, nhà Thanh thay đổi y phục kéo dài khoảng 300 năm thì trang phục của người dân Trung Quốc khác hẳn của người Việt Nam. Cho đến sau này, người dân Trung Quốc đều có những trang phục khác hẳn với trang phục của người Việt.

Với triều Nguyễn, quốc phục chính thống là áo dài, từ quan lại quyền quý, trong các lễ nghi, phong tục và đời sống, người Việt đều mặc áo dài. Đến ngày nay, áo dài vẫn được người dân sử dụng khi có những sự kiện, lễ nghi quan trọng.

Theo tôi, việc các nước thừa nhận áo dài là quốc phục nước Việt là điều đương nhiên, song Nhà nước cần có quy định để chọn áo dài là mẫu quốc phục Việt. Đồng thời, cần hệ thống lại những bằng chứng từ xa xưa để thế giới thấy được đây là một trang phục có truyền thống lâu đời với sức sống mãnh liệt đối với người dân Việt.

* Đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Phải củng cố hơn di sản áo dài


duong trung quoc-23-11 4(read-only)

Dù chưa có gì chính thức nhưng lâu nay trang phục áo dài rất quen thuộc với phụ nữ Việt Nam và được xem như quốc phục của Việt Nam.

Hình ảnh áo dài của Việt Nam xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Việc trang phục truyền thống của người Việt Nam được các nước khác tiếp nhận là điều tốt. Tuy nhiên, nếu tiếp nhận trên tinh thần biến trang phục này thành phong cách văn hóa của nước họ là phản văn hóa, không chấp nhận được.

Vì vậy, chúng ta phải củng cố hơn di sản áo dài. Các cơ quan chức năng cần tính đến việc tổng hợp hồ sơ trình các tổ chức quốc tế xem xét, công nhận trang phục áo dài của Việt Nam là di sản văn hóa.

* Hoa hậu Ngọc Hân: 

Không truyền miệng, phải là pháp lý

img_4916 6(read-only)

Để bảo vệ chiếc áo dài của người Việt, mỗi người dân, mỗi cơ quan ai cũng phải làm tốt việc của mình. 

Các nhà thiết kế cần đầu tư thời gian và tâm sức để làm chiếc áo dài đẹp hơn, hiện đại, gần gũi hơn với đời sống. 

Còn từng người dân cần dấy lên niềm tự hào dân tộc với chiếc áo dài. Mỗi người Việt Nam từ người già đến trẻ nhỏ, từ đàn ông đến phụ nữ đều nên có chiếc áo dài trong tủ quần áo để có thể mặc thường xuyên hơn. 

Thực tế vài năm nay, mọi người mặc áo dài nhiều hơn, đặc biệt vào các dịp lễ tết.

Từ phía các cơ quan văn hóa, ngoại giao, có thể tổ chức nhiều hơn các lễ hội quảng bá hình ảnh áo dài, mời đại sứ các nước đến để trực tiếp trải nghiệm, mặc áo dài. Như vậy vừa giúp quảng bá áo dài Việt Nam tới các đại sứ, vừa là cách quảng bá áo dài ra thế giới thông qua các đại sứ, đại biểu quốc tế.

Nhưng những việc kể trên có thể là dã tràng xe cát nếu chúng ta không có giấy tờ hành chính từ Nhà nước để công nhận áo dài là của người Việt. Dù người dân trong nước, cộng đồng kiều bào hay quốc tế có thừa nhận áo dài của người Việt cũng chỉ là truyền miệng với nhau. 

Vì vậy, điều quan trọng nhất cần làm là Nhà nước nên có một động thái, văn bản mang tính pháp lý để làm cơ sở bảo vệ chủ quyền văn hóa với áo dài tại đất nước mình và trên toàn thế giới.

* Họa sĩ Lê Thiết Cương: Chung tay bảo vệ áo dài


lê thiết cương-23-11 4(read-only)

Chuyện bảo vệ áo dài của người Việt không phải của riêng ai. Họa sĩ lên tiếng bằng chính tác phẩm của mình. Nhóm họa sĩ G39 đã lên kế hoạch tổ chức triển lãm nghệ thuật có tên Áo dài trong 1-2 tuần tới. 

Ở triển lãm này, chúng tôi sẽ giới thiệu các tác phẩm vẽ phụ nữ mặc áo dài của 15 họa sĩ, đồng thời mời thêm 2 nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh phụ nữ trong trang phục áo dài và 3 nhà thiết kế áo dài cùng tham gia.

Các cơ quan văn hóa cần vào cuộc tích cực hơn. Tại TP.HCM đã có Bảo tàng áo dài của nhà thiết kế Sĩ Hoàng, ở miền Bắc nên tổ chức các triển lãm và hội thảo về áo dài. 

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có thể tổ chức triển lãm lớn về hội họa liên quan tới áo dài, bởi lịch sử mỹ thuật Việt Nam kể từ bộ tứ hội họa đầu tiên (Trí, Lân, Vân, Cẩn) đến bộ tứ thứ hai (Phổ, Thứ, Lựu, Đàm), bộ tứ thứ ba (Nghiêm, Liên, Sáng, Phái) cho tới các họa sĩ tài danh khóa kháng chiến và các họa sĩ trẻ hiện nay đều có tranh rất đẹp vẽ phụ nữ mặc áo dài. 

Các tổ chức, cá nhân có thể tổ chức triển lãm ảnh về áo dài trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của tà áo này ở Việt Nam…

Ông Saadi Salama (đại sứ Palestine tại Việt Nam): Bảo vệ di sản "áo dài và nón lá"

saadi salama 3(read-only)

Tôi nghĩ để phổ biến áo dài hơn nữa và để bảo vệ "chủ quyền" với áo dài của Việt Nam, điều quan trọng các bạn cần xác định được quốc phục của các bạn là gì.

Hiện nay trong các sự kiện ngoại giao, các ngày lễ, đàn ông Việt Nam mặc các kiểu khác nhau; còn phụ nữ dù phần nhiều mặc áo dài nhưng mỗi người lại một kiểu, khiến người nước ngoài như chúng tôi đôi khi bị "lạc hướng" khi nhìn vào các kiểu áo dài.

Việt Nam nên xác định tiêu chuẩn nhất quán cho bộ lễ phục áo dài và điều này không chỉ cần tới các nhà thiết kế mà còn cần sự tham gia của các nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử.

Từ lâu, nhiều người nước ngoài khi nghĩ đến Việt Nam là nghĩ tới biểu tượng áo dài và nón lá. Cho nên người Việt Nam rất cần bảo vệ di sản văn hóa áo dài và nón lá của mình.

Cả thế giới đều biết áo dài là quốc phục Việt Nam Cả thế giới đều biết áo dài là quốc phục Việt Nam

TTO - Thông tin về một thương hiệu thời trang Trung Quốc đưa lên sàn diễn thời trang bộ sưu tập được gọi là "cách tân" những kiểu áo dài Việt Nam đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm và bàn luận.

THIÊN ĐIỂU - NGỌC HIỂN - TIẾN LONG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên