Sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam đông đảo du khách nước ngoài thừa nhận. Trong ảnh: du khách quốc tế thích thú với thủy cung ở VinWonders Nha Trang - Ảnh: VP
Không phải vô cớ mà Tổng cục Du lịch tung ra slogan "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam".
Trong hoàn cảnh chưa hề có như hiện nay - đình trệ giao thông giữa các quốc gia trên toàn cầu, việc kêu gọi du lịch quốc tế là không thực tế. Du lịch phải chăm chút vào khách trong nước là điều đương nhiên. Ước tính lượng khách du lịch quốc tế trong năm 2020 sẽ giảm tiếp 60%, sau khi đã giảm 40% trong 4 tháng đầu năm. Các chuyên gia du lịch dự báo ít nhất ngành du lịch cần mất 2 năm nữa mới trở lại như thời không COVID-19!
Bình luận về slogan Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Châu Á - giám đốc Oxalis - cho rằng đó là một sự lựa chọn đúng đắn. "Cả thế giới đều đã ngưỡng mộ Việt Nam trong công cuộc chống dịch. Tất cả người Việt đều tự hào về điều đó. Nhưng chúng ta có nhiều thứ để tự hào chứ không chỉ mỗi chuyện chống dịch. Cụ thể đó là du lịch, thông qua cảnh trí thiên nhiên tuyệt đẹp; con người gần gũi, mến khách; ẩm thực phong phú, hấp dẫn…", ông Á bình luận.
Trong cuộc đua kích cầu du lịch hậu COVID-19, Việt Nam đang có lợi thế hơn các nước trong khu vực là đã dần kiểm soát được dịch và mở cửa lại nền kinh tế sớm hơn. Những ngày qua các công ty du lịch đã bắt đầu nhận đặt tour nội địa, những chuyến đi đã được khởi hành dù còn dè dặt, ít ỏi.
Trong lúc này, du khách Việt là những người đi du lịch đầu tiên khi dịch kết thúc và với những chương trình giảm giá hấp dẫn đang được các doanh nghiệp tung ra, hi vọng chỉ vài tháng nữa thị trường có thể sôi động.
Số liệu của Tổng cục Du lịch cho thấy vào năm ngoái, lượng khách nội địa đạt đến 85 triệu lượt, tăng 6% so với năm 2018 với mức chi tiêu bình quân 5,8 triệu đồng/lượt khách nghỉ qua đêm và 1,92 triệu đồng/lượt khách không nghỉ qua đêm.
Quay trở về thị trường nội địa không phải là điều quá mới mẻ với các doanh nghiệp du lịch Việt Nam. Năm 2009, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng vực dậy hoạt động kinh doanh sau dịch SARS cũng nhờ vào thị trường này. Nhưng những đòi hỏi của người tiêu dùng, du khách Việt nay đã khác 10 năm trước, nhất là trong bối cảnh tài chính họ cũng đang eo hẹp, còn nhiều lo lắng đâu đó.
Muốn thuyết phục được những vị khách đặc biệt này, trước hết doanh nghiệp phải thể hiện sự chân thành, hiểu được tâm lý khách để kể cho du khách câu chuyện họ đang chờ đợi. Ở đó, mục đích giảm giá chưa hẳn là mong đợi cuối cùng của khách mà chính là chất lượng trải nghiệm của các chuyến đi. Do đó, công ty du lịch, đại lý, khách sạn… phải liên kết nâng cao dịch vụ phục vụ, cần có cách tiếp cận người dùng mới.
Một trong những rào cản trước đây của thị trường du lịch nội địa là hay có sự so sánh rằng giá tour trong nước thường bằng hoặc cao hơn tour nước ngoài. Nhưng giá trị, chất lượng sản phẩm điểm đến của du lịch Việt Nam đã được chứng thực bởi 18 triệu lượt khách quốc tế, không khó để thuyết phục người dùng nội địa. Do đó, trong đợt kích cầu du lịch nội địa sau dịch lần này, cam kết giảm giá nhưng không giảm chất lượng là yếu tố rất quan trọng.
Đứng trước những đòi hỏi đó, báo Tuổi Trẻ với chương trình Ấn tượng Việt Nam, một chiến dịch không chỉ khuyến khích người Việt Nam du lịch Việt Nam, yêu hơn quê hương, cảnh đẹp nước mình, mà còn mong muốn đây là cơ hội để doanh nghiệp du lịch cấu trúc lại hoạt động kinh doanh, chinh phục thị trường hơn 90 triệu dân một cách chuyên nghiệp, bài bản nhất.
Thể lệ cuộc thi "Quê hương tôi" (19-5-2020 - 15-8-2020)
Nhằm giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp đất nước, phong tục, tập quán, con người Việt Nam cũng như thúc đẩy phục hồi ngành du lịch sau dịch COVID-19, báo Tuổi Trẻ tổ chức cuộc thi viết "Quê hương tôi". Thể lệ cuộc thi như sau:
Chủ đề cuộc thi:
- Giới thiệu, chia sẻ cảm nhận của bạn đọc về những nét độc đáo của quê hương mình đến với mọi người Việt Nam, nhằm thúc đẩy ngành du lịch nội địa hồi phục nhanh chóng sau dịch COVID-19 (chú trọng đến yếu tố tình cảm, nhân văn, cảnh đẹp của con người, vùng đất thông qua sự kiện, lễ hội, văn hóa, ẩm thực, địa danh, trang phục truyền thống...).
Đối tượng tham gia:
- Tất cả người Việt Nam, không giới hạn độ tuổi, nghề nghiệp.
Thời gian nhận tác phẩm:
- Từ ngày 19-5-2020 đến hết ngày 15-8-2020.
Quy cách bài dự thi:
- Bài viết tối đa 800 chữ, khuyến khích kèm theo ảnh, video minh họa.
- Bài viết được thể hiện bằng tiếng Việt.
- Tác giả ghi địa chỉ, điện thoại, email (nếu có) để ban tổ chức (BTC) liên lạc.
- Bài dự thi chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi viết được tổ chức trước đây, hiện không tham gia trong bất kỳ cuộc thi viết đang được tổ chức. Bài dự thi chưa từng được đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.
Cách thức tham gia:
- Bài viết dự thi gửi đến BTC theo 2 cách:
+ Gửi qua địa chỉ email antuongvietnam@tuoitre.com.vn
+ Gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ: Báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết "Quê hương tôi".
- Bạn đọc vào trang web https://dulich.tuoitre.vn/que-huong.htm để xem bài dự thi đã qua sơ loại.
Cơ cấu giải thưởng:
Giải chung cuộc:
• 1 giải nhất: Trị giá 20 triệu đồng, gồm 10 triệu đồng (hiện kim) + voucher du lịch trị giá 10 triệu đồng.
• 2 giải nhì: Mỗi giải trị giá 15 triệu đồng, gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + voucher du lịch trị giá 10 triệu đồng.
• 3 giải ba: Mỗi giải trị giá 10 triệu đồng, gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + voucher du lịch trị giá 5 triệu đồng.
• 10 giải khuyến khích: Mỗi giải trị giá 2 triệu đồng (hiện kim) + voucher du lịch trị giá 3 triệu đồng.
- Người đoạt giải thưởng được hỗ trợ 2 đêm phòng khách sạn để tham dự lễ trao giải, khách sạn do BTC chọn và đặt phòng.
- Lễ trao giải dự kiến diễn ra trước 30-8-2020.
Quy định chung:
- Tác giả chịu trách nhiệm về tính chính xác các thông tin trong bài viết và bản quyền bài viết.
- Cán bộ, phóng viên, công nhân viên báo Tuổi Trẻ và các đơn vị đồng hành chương trình này được tham gia viết bài nhằm cổ súy cho hồi phục du lịch Việt Nam nhưng không được xét chấm giải.
- Trong thời gian diễn ra cuộc thi, bài dự thi được chọn đăng trên báo in báo Tuổi Trẻ, TTO sẽ được báo Tuổi Trẻ trả nhuận bút.
- BTC được quyền sử dụng bài dự thi đoạt giải cho mục đích tuyên truyền, đối ngoại, in ấn các tài liệu quảng bá tiếp thị cho mục đích phát triển du lịch Việt trong và sau cuộc thi. Đối với bài dự thi không đoạt giải nhưng được sử dụng cho mục đích vừa nêu sẽ được trả nhuận bút 300.000 đồng/bài.
- Người đoạt giải chịu trách nhiệm đóng thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật.
- Giải thưởng bằng hiện vật sẽ không được quy đổi thành tiền.
- Nếu có bằng chứng hiển nhiên người tham gia gian lận và sao chép tác phẩm thì kết quả của người thắng cuộc sẽ bị hủy bỏ.
- Nếu có một vấn đề phát sinh trong hoặc sau cuộc thi, mà vấn đề này nằm ngoài quy định đang có, BTC có toàn quyền thảo luận để đưa ra quyết định xử lý vấn đề.
BAN TỔ CHỨC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận