09/06/2019 09:35 GMT+7

Bão tố mới trong tam giác Mỹ - Trung - Đài

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG
TS NGUYỄN THÀNH TRUNG

TTO - Mối quan hệ tam giác Mỹ - Trung - Đài luôn đầy rẫy tính phức tạp khi Mỹ vừa muốn tạo mối quan hệ gắn kết với một Trung Quốc trỗi dậy, vừa không muốn bỏ rơi đồng minh Đài Loan của mình.

Bão tố mới trong tam giác Mỹ - Trung - Đài - Ảnh 1.

Tiêm kích F-16 của Đài Loan do Mỹ sản xuất cất cánh từ đường cao tốc trong cuộc tập trận Hán Quang vào tháng 5-2019 - Ảnh: REUTERS

Hai dòng trên trang 30 trong báo cáo chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương dài 55 trang được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố mới đây đã gây bão trong mối quan hệ Trung - Mỹ khi lãnh thổ Đài Loan được đề cập là "quốc gia" cùng với Singapore, New Zealand và Mông Cổ là các đối tác tin cậy, có năng lực của Mỹ.

Trong khi đó, Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời. Sự cố này xát muối thêm vào vết thương của Trung Quốc khi chính quyền Trump liên tục công kích Trung Quốc trên nhiều "mặt trận" khác nhau từ thương mại, Huawei, sáng kiến Vành đai - con đường, Biển Đông, nay là vấn đề Đài Loan.

Điểm nóng không bao giờ nguội

Mối quan hệ tam giác Mỹ - Trung - Đài luôn đầy rẫy tính phức tạp khi Mỹ vừa muốn tạo mối quan hệ gắn kết với một Trung Quốc trỗi dậy, vừa không muốn bỏ rơi đồng minh Đài Loan của mình. Ngược lại lịch sử trong thời chiến tranh lạnh, mối quan hệ Mỹ và Trung Hoa lục địa ngày càng cải thiện trong khi Đài Loan chứng kiến mối quan hệ của mình với Mỹ ngày càng xuống cấp.

Năm 1972, trong chuyến thăm của tổng thống Richard Nixon, Trung Quốc và Mỹ đưa ra thông cáo Thượng Hải 1972 công nhận chính sách "một Trung Quốc" thừa nhận Đài Loan (lúc đó gọi là Trung Hoa Dân Quốc) là một phần của Trung Quốc.

Tháng 1-1979, tổng thống Mỹ Jimmy Carter cắt đứt quan hệ với Đài Loan để thiết lập quan hệ với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Tuy nhiên, giới lập pháp Mỹ cũng trong năm 1979 thông qua đạo luật quan hệ với Đài Loan như một cam kết rằng Mỹ không ủng hộ Trung Quốc thống nhất Đài Loan bằng biện pháp bạo lực.

Dù cho sự cố này có thể được diễn dịch như là một lỗi ngớ ngẩn thỉnh thoảng gặp trong ngoại giao, hay là một cố ý rõ ràng mà Mỹ muốn kiểm tra phản ứng của Trung Quốc khi các báo cáo của chính phủ liên bang Mỹ luôn được đọc soát, hiệu chỉnh và lựa chọn từ vựng rất kỹ càng trước khi công bố, thì chúng ta không thể bỏ qua một bức tranh rộng lớn hơn.

Đó là Đài Loan là một điểm nóng không bao giờ nguội trong quan hệ Mỹ - Trung, nó ngày càng leo thang và sẵn sàng bùng phát kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức đến nay.

Con bài mặc cả

Tháng 11-2017, khi tiếp Tổng thống Trump thăm Trung Quốc, Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh: "Đài Loan là vấn đề quan trọng và nhạy cảm nhất trong quan hệ Trung - Mỹ".

Trung Quốc phát tín hiệu rằng bất kỳ hành động nào của Mỹ, dù mang tính ẩn ý, ủng hộ độc lập, hay thậm chí chỉ tăng cường khả năng tự vệ phòng thủ của Đài Loan, cũng sẽ làm mối quan hệ Trung - Mỹ xuống dốc. Vì thế ông Tập rất không hài lòng khi bà Thái Anh Văn, nhà lãnh đạo Đài Loan, gọi điện chúc mừng ông Trump vừa đắc cử một năm trước đó.

Tuy nhiên, ông Trump vẫn duy trì chính sách ủng hộ Đài Loan vừa như con bài mặc cả vừa như một mẫu hình dân chủ cho Trung Quốc, ngoài việc nâng cao độ khả tín của Mỹ đối với đồng minh. 

Vào tháng 3-2018, Tổng thống Trump ký ban hành đạo luật đi lại Đài Loan cho phép các viên chức cao cấp của Mỹ có thể viếng thăm Đài Loan và ngược lại, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc cho rằng đạo luật này đi ngược lại nguyên tắc "một Trung Quốc".

Tháng 11-2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong buổi gặp Quốc vụ khanh Trung Quốc Dương Khiết Trì tuyên bố: "Mỹ không theo đuổi một cuộc chiến tranh lạnh hay chính sách ngăn chặn với Trung Quốc, nhưng chúng tôi lo ngại về việc Trung Quốc đang gia tăng nỗ lực để cưỡng ép các quốc gia khác, và hạn chế hoạt động quốc tế của Đài Loan". 

Mỹ tỏ dấu hiệu không hài lòng với các chính sách ngày càng cưỡng ép của Trung Quốc đối với đồng minh của mình.

Điều cốt lõi sâu xa hơn trong bản báo cáo không phải là việc Đài Loan được đề cập với tư cách là quốc gia mà chính nội dung báo cáo cho rằng Đài Loan hiện nay đang phải đối diện với "mối đe dọa ngày càng tăng". 

Không khó hiểu để đoán rằng mối đe dọa đến từ đâu khi ngay trong phần đầu của bản báo cáo, Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tạo ra một trật tự thế giới cưỡng ép các quốc gia khác.

Không phải ngẫu nhiên, số lượng các chuyến hải trình của các tàu hải quân Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan lên tới khoảng 8 lần trong 9 tháng vừa qua. Đây là một con số đáng kể nếu biết rằng các năm trước trung bình mỗi năm hải quân Mỹ chỉ thực hiện 1 chuyến đi qua eo biển Đài Loan.

Do đó, vấn đề Đài Loan được đề cập như một "quốc gia" như một hình thức bác bỏ chính sách "một Trung Quốc" trong bản báo cáo chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm báo hiệu rằng mối quan hệ Mỹ - Trung đang lao dốc mà chưa biết điểm dừng khi các lợi ích giữa hai quốc gia này càng xa nhau.

15 tỉ USD

Theo Lầu Năm Góc, kể từ 2010 đến nay Mỹ đã bán cho Đài Loan hơn 15 tỉ USD vũ khí và đang thương thảo để cung cấp hơn 100 xe tăng M1A2 Abrams, các vũ khí chống tăng và chống máy bay trị giá khoảng 2 tỉ USD. Điều này không giúp Đài Loan có thể đương đầu với Trung Quốc về mặt quân sự, nhưng nó làm phức tạp thêm tính toán của Trung Quốc cũng như giúp Đài Loan an tâm rằng họ không bị Mỹ bỏ rơi.

Mỹ gọi Đài Loan là Mỹ gọi Đài Loan là 'quốc gia' trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc

TTO - Washington đã gọi Đài Loan là "một quốc gia" trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương dài 55 trang vừa được công bố, nhấn mạnh sự hỗ trợ của Đài Bắc trong việc duy trì "một trật tự thế giới tự do và rộng mở".

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên