13/09/2021 12:48 GMT+7

Bảo tàng Việt lên mạng mùa dịch

HOÀI PHƯƠNG
HOÀI PHƯƠNG

TTO - Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hoạt động bảo tàng dường như bị đóng băng. Tuy nhiên, một số ít bảo tàng đã chuyển sang hoạt động trên website, fanpage và kênh YouTube.

Bảo tàng Việt lên mạng mùa dịch - Ảnh 1.

Chiếc áo dài của hoa hậu H'Hen Niê - người đã rất tích cực trong các hoạt động thiện nguyện thời gian qua - Ảnh: Bảo tàng Áo dài

Làm bảo tàng tương tác thông minh

Bảo tàng Lịch sử TP.HCM là một trong những đơn vị tiên phong ở TP.HCM thực hiện dự án bảo tàng tương tác thông minh được xây dựng và phát triển trên nền tảng công nghệ số hóa 3D. 

Bà Nguyễn Khắc Xuân Thi - phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM - cho biết dự án được Công ty StarGlobal 3D thực hiện từ đầu năm 2021 và đưa vào hoạt động thử nghiệm từ tháng 7. Du khách có thể khám phá thực tế sống động với góc nhìn 3D, xoay chiều 360 độ, tương tác trực tiếp như phóng to thu nhỏ tùy ý... mang lại cảm giác trải nghiệm thú vị.

"Dự án còn tích hợp các ứng dụng đa phương tiện như bài giới thiệu, video clip, âm nhạc… giúp du khách có cái nhìn bao quát, tiếp cận những thông tin cơ bản 18 phòng trưng bày của bảo tàng. Du khách được nghe các bài thuyết minh như đang tham quan trực tiếp" - bà Nguyễn Khắc Xuân Thi cho biết thêm.

Bảo tàng Lịch sử TP.HCM còn mở chuyên mục trưng bày trực tuyến, kho mở trực tuyến giới thiệu các bộ sưu tập, hiện vật sưu tầm chưa có điều kiện trưng bày lên website và fanpage để nhiều người được tiếp cận.

Chuyên mục bảo tàng và những câu chuyện kể mỗi tháng giới thiệu một câu chuyện xoay quanh những hiện vật hoặc bảo vật quốc gia của bảo tàng cũng tiếp tục được duy trì.

Những câu chuyện kể mùa dịch

Ngay từ khi TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã thực hiện triển lãm trực tuyến có chủ đề "Việt Nam niềm tin chiến thắng" - gồm tranh của họa sĩ Lê Sa Long và ảnh của một số phóng viên - cổ vũ tinh thần phòng chống đại dịch COVID-19 tại TP.HCM trên các nền tảng mạng xã hội. Đồng thời, triển lãm này cũng được giới thiệu rộng rãi đến người xem qua trang web của các trung tâm văn hóa quận huyện và bảo tàng tỉnh Cà Mau, Quảng Ninh.

Bà Nguyễn Thị Thắm - giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ - cho biết bảo tàng này đang sưu tập thông tin, hình ảnh và hiện vật để thực hiện triển lãm trực tuyến thứ 2 về công tác phòng dịch, đồng thời dự kiến tổ chức triển lãm ảnh ở công viên Chi Lăng sau ngày 15-9 tới.

Trên fanpage, mỗi tuần, Bảo tàng Áo dài giới thiệu một câu chuyện áo dài - di sản phi vật thể được UNESCO vinh danh - như: áo dài quan họ, hát xoan, ví dặm, đờn ca tài tử... gắn với nhân vật mặc áo dài đó. 

Đặc biệt, bảo tàng đã giới thiệu những chiếc áo dài gắn liền với các nhân vật hoạt động tích cực trong mùa dịch, như áo dài của thầy thuốc ưu tú - thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Phương Tần; thầy thuốc nhân dân - PGS.TS - đại tá - bác sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu; hoa hậu "quốc dân" H'Hen Niê... Bảo tàng cũng đang chuẩn bị ghi âm bài thuyết minh để thay cho hướng dẫn viên, hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp sau khi bảo tàng được hoạt động lại.

Giữa bảo tàng mỹ thuật, độc đáo gian thờ 61 nghệ sĩ đã bỏ mình trong chiến tranh Giữa bảo tàng mỹ thuật, độc đáo gian thờ 61 nghệ sĩ đã bỏ mình trong chiến tranh

TTO - Trong chiến tranh Việt Nam, tính từ chiến trường Trị Thiên - Huế trở vào Nam, có đến 61 liệt sĩ là các họa sĩ và nhà điêu khắc. Ít ai biết tất cả nghệ sĩ này đang được thờ tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

HOÀI PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên