16/10/2013 01:15 GMT+7

Bão qua, dân lại chạy lũ

NHÓM PV
NHÓM PV

TT - Chiều 15-10, Chủ tịch UBND TP Hội An (Quảng Nam) Lê Văn Giảng cho biết trước tình hình nước lũ về khiến sông Hoài, sông Thu Bồn đoạn chạy qua Hội An, các cồn, bãi nước dâng cao, TP đang sơ tán dân ở tám phường vùng trũng, có nguy cơ ngập lụt đến nơi an toàn, tránh tình trạng thiệt hại về người.

oSVcHGC1.jpgPhóng to
Lúc 14g30 ngày 15-10, Nhà máy thủy điện Ialy xả lũ ở mức 3.200 m3/giây - Ảnh: B.D.

Chiều tối cùng ngày, tại khu vực thị trấn Ái Nghĩa của huyện Đại Lộc (Quảng Nam) nước bắt đầu lên nhanh. Trong khi đó tại các huyện miền núi của Quảng Nam, mưa lớn liên tục giội xuống do hoàn lưu bão nên các nhà máy thủy điện đã ráo riết tăng cường xả lũ. Phó chủ tịch huyện Đại Lộc Phan Đức Tính cho biết theo thông báo mới nhất ông nhận được sáng cùng ngày thì thủy điện Đắc Mi 4 đang xả lũ ở mức 1.000-3.000 m3/giây, thủy điện A Vương 1.159 m3/giây nên nước ở sông Vu Gia đang dâng rất nhanh.

Chiều 15-10, lũ đã băng qua khu vực cầu Gò Quan Âm (Đại Quang - Đại Nghĩa), cầu Ba Khe (Đại Lãnh) trên tuyến đường liên huyện, cầu Ngoại Thương, đường nội thị thị trấn Ái Nghĩa, cầu Lừ trên tuyến ĐH3 (xã Đại Phong). Nhiều vùng ở huyện Đại Lộc với hàng ngàn người dân đang bị cô lập hoàn toàn vì lũ. Tại khu vực nội thị của thị trấn Ái Nghĩa, hàng ngàn người dân kẹt cứng trong lũ vì nước đã chia cắt toàn bộ các tuyến đường nội thị. Nhiều nhà dân bắt đầu gồng gánh thu dọn bàn ghế, áo quần, lương thực thực phẩm để chạy lũ.

Hai vợ chồng và hai con đang lui cui dọn lũ, nhưng nước dâng rất nhanh có chỗ tới nửa người, bà Ngô Thị Hoa Chi (khu phố 7, thị trấn Ái Nghĩa) than thở: “Những năm trước khi chưa có thủy điện, trời mưa khoảng ba ngày nước mới lên mức này. Năm nay thủy điện xả lũ lúc 8g sáng, đến 16g nhà đã lút mất. Người dân rất sợ thủy điện mùa xả lũ”.

Có mặt ngay tại vùng trũng hạ du của thủy điện vừa xả lũ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh đã phải gọi điện khẩn yêu cầu các thủy điện ngừng xả lũ vì hạ du ngập nặng. Trong khi đó Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự cho biết nước tại phố cổ Hội An đã trên mức báo động 3 và nước dâng rất nhanh gây nguy hiểm.

Đại diện Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai Kon Tum cho biết trước nguy cơ xảy ra ngập lụt, các hộ dân ven lòng hồ thủy điện Ialy (huyện Chư Pah, Gia Lai), sáng 15-10 tỉnh Kon Tum đã yêu cầu Nhà máy thủy điện Ialy xả lũ khẩn cấp. Nước trên sông Sê San đổ về nhiều cũng đã khiến các nhà máy thủy điện dọc sông này phải mở cửa xả lũ đồng loạt. Ngay sau đó, quốc lộ 14 đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua xã Diên Bình - giáp ranh giữa huyện Đắk Hà và Đắk Tô bị nước ngập sâu hơn 1m gây chia cắt giao thông, một số nhà dân cũng bị ngập sâu.

Theo Tập đoàn Điện lực VN, đã có 17 hồ thuộc quản lý của đơn vị này phải chịu ảnh hưởng của bão, trong đó có 12 hồ chứa đang phải xả lũ và xả điều tiết lòng hồ. Ông Lê Thanh Hải, phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương (NCHMF), cho biết đến chiều 15-10 ở các tỉnh Trung Trung bộ và bắc Tây nguyên có tổng lượng mưa 150-300mm, một số nơi có lượng lớn hơn như đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 424mm, Bạch Mã (Huế) 659mm, Tam Kỳ (Quảng Nam) 437mm. Mưa còn tiếp tục kéo dài thêm 2-3 ngày nữa do tác động của không khí lạnh tăng cường.

Ông Bùi Đức Long, trưởng phòng dự báo thủy văn khu vực Trung bộ - Tây nguyên và Nam bộ (thuộc NCHMF), cho hay đến chiều 15-10, đỉnh lũ trên các sông ở Thừa Thiên - Huế như sông Bồ tại Phú Ốc dưới báo động 3: 0,22m, sông Hương tại Kim Long trên báo động 2: 0,71m. Riêng sông Vu Gia tại Ái Nghĩa trên báo động 3: 0,26m. Sông Đắk Bla tại Kon Tum dưới báo động 3: 0,09m. Dự báo lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam và khu vực bắc Tây nguyên sẽ đạt đỉnh, các sông từ Nghệ An đến Quảng Bình và hạ lưu sông Thu Bồn còn tiếp tục lên báo động 2-3.

Bão mạnh, hiếm gặp

Trung bình hằng năm chỉ có một cơn bão mạnh cấp gió 10-12 từ biển Đông đổ bộ vào đất liền VN, đặc biệt những cơn bão cuối mùa thường di chuyển vào Nam Trung bộ. Nhưng liên tục trong một khoảng thời gian ngắn, hai cơn bão số 10 (cuối tháng 9 đầu tháng 10), bão số 11 mạnh tương đương nhau đều đổ bộ vào khu vực các tỉnh Trung Trung bộ là hiếm gặp. Một cán bộ NCHMF đã nhận định như vậy ngày 15-10.

Cũng theo cán bộ này, bão số 11 là cơn bão diễn biến phức tạp nên có những nhận định ban đầu hơi chếch nhau, kể cả các trang dự báo quốc tế. Lý giải về tâm bão đổ bộ vào phía nam Đà Nẵng và Quảng Nam thay vì nhích lên phía bắc vào Thừa Thiên - Huế, cán bộ này cho biết có nhiều yếu tố tác động, trong đó có một phần nhỏ do không khí lạnh tràn về. Nhưng các sai số dự báo đều nằm trong mức cho phép (dự báo vùng ảnh hưởng từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi).

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Dân nghèo thành thị nhặt nhạnh sau bãoĐà Nẵng tan hoang, Quảng Nam ngập trong nước, 4 người chếtCuộc sống nhiều người dân đảo lộn sau bãoHội An: Tiếp tục sơ tán 1.500 người dân tránh lũHội An: Tan nát tuyến đường ven biển An Bàng - Cửa ĐạiVideo clip: Bão làm hàng chục người bị thươngVideo clip: Bão quần thảo Đà Nẵng trong nhiều giờ liềnGia Lai, Kon Tum: Yêu cầu các công ty thủy điện xả lũ khẩn cấp

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên