Những mảnh vỡ của chiếc Boeing 777 được phục dựng lại ở Hà Lan - Ảnh: REUTERS
Cáo buộc của nhóm điều tra quốc tế nhắm vào Nga liên quan đến vụ chuyến bay MH17 của Malaysia bị bắn rơi ở miền đông Ukraine mỗi lúc càng trở nên chi tiết hơn.
Thông tin càng nhiều, cơ hội để Nga thuyết phục phương Tây rằng mình vô can trong thảm họa khiến 298 người chết càng trở nên ít ỏi. Tiếp theo sẽ là một vòng xung đột mới của Nga với phần còn lại của thế giới, với lệnh cấm vận mới và sự gia tăng cảm giác bị cô lập trong nước.
Ngày 24-5, Nhóm điều tra hỗn hợp (JIT) bao gồm đại diện Hà Lan, Úc, Malaysia, Bỉ và Ukraine, chính thức khẳng định quả tên lửa đối không BUK bắn rơi chiếc Boeing dân dụng của Malaysia thuộc về Lữ đoàn phòng không 53 của Nga đóng ở thành phố Kursk.
Theo báo cáo của JIT, kết luận trên được củng cố một phần bởi các hình ảnh và video ghi nhận đoàn xe quân sự và vận tải chở hệ thống tên lửa BUK vượt qua biên giới Nga - Ukraine. Các nhà điều tra nói tất cả phương tiện đó đều thuộc về quân đội Nga.
Tên tuổi các cá nhân có liên quan gián tiếp đến vụ phóng quả tên lửa BUK hạ gục chiếc Boeing không được JIT nêu trong cuộc họp báo, tuy nhiên được biết số lượng nghi can lên đến hàng chục người.
Thật ra, thông tin hệ thống BUK của Nga vượt biên giới Ukraine vào khu vực miền đông do phe ly khai kiểm soát, rồi sau đó di chuyển ngược lại sau sự kiện MH17, đã được JIT công bố hồi mùa thu năm 2016.
Kết luận tương tự cũng được nhóm điều tra độc lập Bellingcat đưa ra. Nhóm này đã truy hành trình di chuyển của hệ thống BUK từ thành phố Sneznoye của Ukraine đến tận thành phố Kursk ở Nga.
Một nhà điều tra Malaysia kiểm tra mảnh vụn của chuyến bay MH17 ở miền đông Ukraine - Ảnh: REUTERS
Bộ Quốc phòng Nga chỉ trích kết luận của JIT là hùa theo "sự ngụy tạo" của tình báo Ukraine và nhóm Bellingcat, đồng thời khẳng định tên lửa BUK của Nga chưa bao giờ rời khỏi biên giới. Phiên bản của Nga là chiếc Boeing bị bắn bởi tên lửa BUK của lực lượng phòng không Ukraine.
Cuộc xung đột ở Ukraine, trong đó Matxcơva phủ nhận sự liên quan, càng làm trầm trọng thêm vấn đề thiếu niềm tin giữa phương Tây và Nga, đặc biệt trong bối cảnh không có bất cứ tổ chức, cơ quan pháp lý nào đủ tính độc lập và được các bên tin tưởng, để đứng ra phân xử.
Tòa án quốc tế với các thẩm phán thuộc các quốc gia trung lập sẽ là cơ hội để Nga đường hoàng chứng minh sự vô tội của mình - nhưng hiện tại khó có khả năng Matxcơva đồng ý với phương án này.
Tháng 7-2015, Nga dùng quyền phủ quyết bác bỏ đề xuất của Malaysia thành lập tòa trọng tài quốc tế phân xử vụ MH17. Các nước có công dân thiệt mạng và người thân của các nạn nhân cũng phản đối ý tưởng này, họ yêu cầu vụ việc phải do tòa án Hà Lan thụ lý.
Bây giờ, theo logic quy trình, thẩm phán và nhóm điều tra quốc tế sẽ yêu cầu các nhân chứng và nghi phạm ở Nga xuất hiện trước tòa, nhưng Matxcơva có lẽ sẽ viện dẫn Điều 61 Hiến pháp để từ chối yêu cầu này, theo luật sư Kirill Koroteev thuộc Trung tâm Memorial.
Tuy nhiên, việc từ chối tham gia tố tụng chỉ càng làm tăng mối nghi ngờ đối với Điện Kremlin, và có lẽ cả khả năng Nga bị kết án, nếu không phải "có tội" thì cũng là "can dự" vào hành động giết chóc dân thường.
Tháng 5-2016, 33 thân nhân những người thiệt mạng trên chiếc Boeing đã nộp đơn kiện lên Tòa án Strasbourg cáo buộc Nga vi phạm điều 2 (quyền được sống), điều 3 (cấm hành động đối xử vô nhân đạo) và điều 13 (quyền được luật pháp bảo vệ) của Công ước châu Âu về nhân quyền.
Nhóm JIT công bố kết luận điều tra tại Hà Lan ngày 24-5 với bằng chứng là vỏ tên lửa có số hiệu và chữ tiếng Nga - Ảnh: REUTERS
Nga đang ở vào thế khó: Nếu thừa nhận giao tên lửa BUK cho phe ly khai Ukraine chẳng khác nào cắn lưỡi vì đã nói không tham gia vào xung đột; còn phủ nhận thì quan hệ với phần còn lại của thế giới sẽ tiếp tục xấu đi, đặc biệt là với Malaysia - quốc gia có nhiều hợp đồng vũ khí với Nga.
Mặt khác, việc Matxcơva từ chối tham gia điều tra sẽ bị dùng làm cái cớ cho một chiến dịch bài Nga mới, vốn có thể bắt đầu trước cả khi một bản án chính thức được tuyên. Bài học từ các vụ trục xuất nhà ngoại giao hàng loạt sau xìcăngđan đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal ở Anh vẫn còn đó.
Ngoài ra, theo Chủ tịch Hội đồng Đối ngoại Nga Andrei Kortunov, báo cáo điều tra của JIT còn có thể trở thành cơ sở sở để phương Tây siết chặt hơn nữa hoặc áp lệnh cấm vận mới đối với Nga.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận